Hà Nội ô nhiễm không khí nghiêm trọng, cần làm gì để bảo vệ sức khỏe?

14:38 - 29/11/2023

Những ngày Hà Nội có nhiều sương mù, bầu trời bị bao phủ bởi lớp không khí mù đặc, chất lượng không khí nhiều nơi rất xấu và ở mức nguy hại cho sức khỏe.

Nhiều điểm tại Hà Nội có chỉ số chất lượng không khí rất xấu, ở mức nguy hại cho sức khỏe

Ứng dụng PAM Air đo ô nhiễm không khí ngày 29/11 cho thấy nhiều điểm tại Hà Nội có chỉ số chất lượng không khí rất xấu và ở mức nguy hại cho sức khỏe. Nhiều điểm có chỉ số chất lượng không khí AQI từ 201-300, đặc biệt một số điểm vượt ngưỡng >300.

Hà Nội ô nhiễm không khí nghiêm trọng, cần làm gì để bảo vệ sức khỏe?- Ảnh 1.

Nhiều điểm ở Hà Nội có chỉ số chất lượng không khí AQI từ 201-300, đặc biệt một số điểm vượt ngưỡng >300.

Trong khi đó, ứng dụng IQAir xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí thứ 5 trên thế giới tại thời điểm 13 giờ 52 phút ngày 29/11, sau Delhi (Ấn Độ); Lahore (Pakistan); Kolkata (Ấn Độ) và Karachi (Pakistan).

Hà Nội ô nhiễm không khí nghiêm trọng, cần làm gì để bảo vệ sức khỏe?- Ảnh 2.

Ứng dụng IQAir xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí thứ 5 trên thế giới tại thời điểm 13 giờ 52 phút ngày 29/11.

Chỉ số chất lượng không khí (Air Quality Index viết tắt là AQI) là chỉ số được tính toán từ các thông số quan trắc các chất ô nhiễm trong không khí, nhằm cho biết tình trạng chất lượng không khí và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, được biểu diễn qua một thang điểm.

Hà Nội ô nhiễm không khí nghiêm trọng, cần làm gì để bảo vệ sức khỏe?- Ảnh 3.

Ảnh: Cục kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường


Tử vong sớm vì ô nhiễm không khí

Ô nhiễm không khí làm cho mọi người phải tiếp xúc với các hạt mịn trong không khí bị ô nhiễm. Các hạt mịn này thâm nhập sâu vào phổi và hệ thống tim mạch, gây ra các bệnh đột quỵ, bệnh tim, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.

Các ngành công nghiệp, giao thông vận tải và nhà máy nhiệt điện chạy than cùng với việc sử dụng nhiên liệu rắn là các nguồn chủ yếu gây ra ô nhiễm không khí. Ô nhiễm không khí tiếp tục gia tăng với tốc độ đáng báo động và ảnh hưởng tới các nền kinh tế và chất lượng cuộc sống của con người.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí đe dọa sức khỏe của người dân ở khắp mọi nơi trên thế giới. Ô nhiễm không khí cả ở bên ngoài và trong nhà gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong hàng năm trên toàn cầu; chỉ tính riêng khu vực Tây Thái Bình Dương, khoảng 2,2 triệu người tử vong mỗi năm. Ở Việt Nam, khoảng 60.000 người chết mỗi năm có liên quan đến ô nhiễm không khí.

Hà Nội ô nhiễm không khí nghiêm trọng, cần làm gì để bảo vệ sức khỏe?- Ảnh 4.

Những ngày Hà Nội có nhiều sương mù, bầu trời bị bao phủ bởi lớp không khí mù đặc, chất lượng không khí nhiều nơi rất xấu và ở mức nguy hại cho sức khỏe. Ảnh minh họa: Thestar

Trong một báo cáo mới đây, Cơ quan giám sát môi trường châu Âu đã cảnh báo ô nhiễm không khí là nguy cơ sức khỏe môi trường hàng đầu đối với con người. Không khí độc hại làm gia tăng tỷ lệ tử vong sớm và gây ra một số bệnh về hô hấp và tim mạch như tiểu đường, hen suyễn, ung thư phổi hay đột quỵ.

Liên minh châu Âu đã ghi nhận 253.000 người tử vong sớm do ô nhiễm bụi mịn vào năm 2021, nhiều hơn 15.000 người so với năm 2020. Báo cáo cho biết thêm, 52.000 tử vong do tiếp xúc với khí NO2 trên ngưỡng khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới. Trong khi đó, phơi nhiễm cấp tính O3 khiến 22.000 người chết sớm, nhiều hơn 5 nghìn người so với năm 2020.

Cách bảo vệ sức khỏe trước ô nhiễm không khí

Cục Quản lý môi trường y tế phối hợp với Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường và Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam đã xây dựng Hướng dẫn dự phòng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước tác động của ô nhiễm không khí như sau:

Đối với người dân

Thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng không khí trên các phương tiện thông tin truyền thông chính thống của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố.

Hạn chế ra khỏi nhà, vận động tập thể dục, lao động ngoài trời khi chất lượng không khí ở mức xấu. Khi ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách (đảm bảo kín, khít mặt).

Hà Nội ô nhiễm không khí nghiêm trọng, cần làm gì để bảo vệ sức khỏe?- Ảnh 6.

Khi ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách để tránh tác hại của ô nhiễm không khí. Ảnh minh họa: airpophealth

Vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường.

Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Với người hút thuốc lá: nên bỏ hẳn hoặc hạn chế hút thuốc lá. Với người không hút thuốc lá nên tránh xa khói thuốc lá.

Nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực ô nhiễm.

Thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống.

Hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp ga.

Trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí.

Đối với người có bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mạn tính, bệnh tim mạch, suy dinh dưỡng, già yếu cần lưu ý:

Thực hiện các biện pháp dự phòng trên nghiêm ngặt hơn.

Hạn chế tối đa đi ra ngoài đặc biệt là vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng.

Cần tuân thủ và duy trì điều trị theo đơn của bác sĩ chuyên khoa. Nếu có dấu hiệu khó chịu, tăng nặng nên khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa.

Trong thời điểm này nếu mắc các bệnh cấp tính như sốt, viêm mũi họng, phổi phế quản, tim mạch… cần đến khám tại các cơ sở y tế và điều trị kịp thời.

Tăng cường dinh dưỡng nâng cao thể trạng và sức đề kháng.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/ha-noi-o-nhiem-khong-khi-nghiem-trong-can-lam-gi-de-bao-ve-suc-khoe-179231129142259085.htm