Gợi ý điểm đến hút khách ở chốn "tiên cảnh vùng cao" xứ Mường
Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình) được biết đến với những phong cảnh đẹp bởi hệ thống các hang động, thác nước, núi đá, rừng tự nhiên và những khe suối nhỏ trong lành,… còn lưu giữ vẻ hoang sơ, hùng vĩ với khung cảnh làng quê thanh bình, yên ả.
Khám phá vẻ đẹp hoang sơ xứ Mường
Công dân và Khuyến học "điểm danh" một số địa chỉ du lịch hấp dẫn, nổi bật tại Tân Lạc - chốn "tiên cảnh vùng cao" xứ Mường - như một gợi ý cho du khách khám phá và tận hưởng thiên nhiên kỳ vĩ trong các kỳ nghỉ, đặc biệt là dịp lễ 2/9 sắp tới.
Động Thác Bờ (di tích cấp quốc gia) thuộc xóm Bưng, xã Ngòi Hoa. Động nằm ở sườn núi phía Bắc của dãy núi Chùa nhìn ra mặt hồ, phía trước bên kia hồ nước là Đền Chúa Thác Bờ.
Động Thác Bờ được chia làm 3 khu, ngoài lòng động với những khối nhũ đá còn có khu vực tiếp du khách; lên cao khoảng 50m là khu khá bằng phẳng, có vòm động khá rộng, có không khí mát lành; trong động có các đàn đá, chiêng Mường đá, cây bạc, núi vàng, nhũ đá tài lộc lấp lánh,...
Động Hoa Tiên (di tích cấp quốc gia) thuộc xóm Ngòi, xã Ngòi Hoa. Động nằm trong lòng dãy núi đá vôi Núi Bà, cách động Hoa Tiên khoảng 1km về phía đông, có hồ nước rộng, trong xanh được người dân gọi là hồ Tiên tắm.
Động Hoa Tiên gồm hai cửa: cửa phía Đông Nam và cửa phía Nam. Cửa động cao hơn nền động khoảng 8 - 10m. Muốn vào động du khách phải đi qua cầu thang bằng sắt, bắc ở hai cửa vào. Trong động có vô vàn nhũ đá, măng đá, cột đá đủ các hình thù kỳ thú, hấp dẫn du khách. Hiện nay, động Hoa Tiên đã được đầu tư, tu bổ, khai thác phục vụ phát triển du lịch vùng hồ Hòa Bình.
Động Nam Sơn (di tích cấp quốc gia) thuộc xóm Tớn Trong, xã Vân Sơn. Nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông, trên lưng chừng núi Thung Lớn. Động có chiều dài chừng 300m, cửa động rộng 90cm, cao 1m, chỉ vừa đủ lọt một người. Trong động có hồ nước rộng, sâu 2 - 7m, quanh năm nước trong vắt, mát lạnh. Các cột đá, nhũ đá, măng đá, rèm đá rất đặc sắc.
Ngoài ra nơi đây còn lưu giữ nhiều cổ vật liên quan đến lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng và là nơi trú ngụ của nhiều loài dơi, động vật và sinh vật đặc hữu. Các nhà khoa học đã phải công nhận Nam Sơn là một hang động đẹp và hấp dẫn nhất trong quần thể các hang động được phát hiện tại khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông, với những khối đá phát triển qua quá trình khoảng 250 triệu năm.
Hang Muối (di tích khảo cổ học cấp quốc gia) nằm trong núi đá Ba Bến, thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, cách thành phố Hòa Bình khoảng 29km theo quốc lộ 6. Là một di chỉ cư trú của người nguyên thủy, Hang Muối thuộc nền "văn hóa Hòa Bình" có niên đại từ 10.000 năm - 7500 cách ngày nay.
Hang Muối là một mái đá cao, thoáng đãng và rộng rãi, cửa rộng 27m, sâu 11m, cao 13m, cửa hang quay theo hướng Đông Nam. Quá trình thám sát, khai quật, nghiên cứu, các nhà khảo cổ học đã thu được ở Hang Muối nhiều di vật như: công cụ ghè đập, công cụ chặt thô, rìu ngắn, dìu dài, dìu mài lưỡi, công cụ hình đĩa, công cụ hình hạnh nhân, công cụ nạo nhỏ, công cụ chày, bàn nghiền, công cụ cắt khía, hòn ghè, hạch đá,…
Hang Núi Kiến (di tích cấp tỉnh) thuộc xóm Hượp, xã Vân Sơn. Hang nằm trong lòng dãy núi Kiến là dãy núi cao vút, uốn lượn bao bọc lấy cánh đồng Thung Hượp, xa xa là những nếp nhà sàn còn giữ nguyên vẹn nếp nhà truyền thống của dân tộc Mường. Hang Núi Kiến là một trong những hang động tự nhiên, ăn sâu vào lòng núi, cửa hang nằm cách chân núi khoảng 35m, theo hướng Tây Nam.
Cửa hang rộng khoảng 4m, cao 1m, trong lòng hang được chia thành các vòm rộng lớn, nhỏ chứa đựng nhiều giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật. Những dải nhũ, măng đá, cột đá với nhiều dáng vẻ kỳ thú, nhiều sắc màu tạo cho Hang Núi Kiến như một bảo tàng về nghệ thuật của tạo hóa. Hang Núi Kiến có chiều dài khoảng 300m, chỗ rộng nhất khoảng 25m, vòm trần chỗ cao nhất khoảng 25m, lòng hang được chia thành 8 gian với vô số kiểu hình dáng sinh động. Vòm trần cao rộng, không khí trong lành, mát mẻ.
Núi Cột Cờ (khụ Dọi - di tích cấp tỉnh) thuộc xã Nhân Mỹ đã đi vào trong áng Mo Mường, sử thi "Đẻ đất, Đẻ nước" của người Mường. Bên cạnh Núi Cột Cờ là một hệ thống các hang động chằng chịt và được thông với nhau bởi những lối đi tắt ngoằn ngoèo, tạo nên một hệ thống địa đạo rất độc đáo. Núi Cột Cờ trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ từng là kho cất giữ vũ khí bí mật của quân đội ta.
Thác Trăng. Ảnh: Minh Hồng
Thác Trăng thuộc xóm Trăng, xã Do Nhân, gồm 4 bậc thác, mỗi bậc mang một vẻ đẹp riêng, một sự thú vị riêng để khám phá. Dưới chân thác là một cánh đồng lúa bậc thang và dòng suối trong xanh chảy uốn quanh. Thác còn khá nguyên vẹn, hoang sơ. Đến đây du khách có thể vừa tham quan, vừa trải nghiệm, thử thách bản thân,… Thác có khả năng khai thác, phát triển du lịch thuận lợi.
Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông nằm trên hai huyện Tân Lạc và Lạc Sơn, trên địa bàn huyện Tân Lạc thuộc các xã Ngổ Luông, Nam Sơn, Bắc Sơn, diện tích 19.254ha. Khu bảo tồn nằm giữa khu vực trung tâm của Vườn quốc gia Cúc Phương - Ninh Bình và Phù Luông - Thanh Hóa.
Là một trong những khu rừng trên núi đá vôi còn sót lại ở phía Bắc Việt Nam, một hệ sinh thái đá vôi quan trọng nhất trên thế giới. Khu bảo tồn thiên nhiên có tính đa dạng sinh học cao, chứa đựng nhiều loài có trong danh sách các loài bị đe dọa của thế giới, nhiều loài được pháp luật Việt Nam bảo vệ. Nơi đây có nhiều xóm làng đồng bào dân tộc Mường sinh sống.
Thanh bình xứ Mường Bi. Ảnh: Minh Hồng
Ngoài ra, "chốn tiên cảnh vùng cao" Tân Lạc còn có một số điểm du lịch hấp dẫn khác như: Động Mường Chiềng - di tích quốc gia; Mái đá Chiềng Khến (thị trấn Mường Khến); rừng nguyên sinh Phú Cường (xã Phú Cường); hồ Trọng (xã Phong Phú); núi Đá Phù Luông (xã Quyết Chiến, Ngổ Luông, Lũng Vân); vịnh Ngòi Hoa, hồ Hoa, hang Bưng - di tích khảo cổ cấp quốc gia (xã Ngòi Hoa); hồ Vưng (xã Đông Lai); hang Ma Ươi, hang Đắng 2, hang Bẻo (xã Quy Hậu); hang Ma (xã Địch Giáo); chùa Ngọc Nước (xã Gia Mô)…
Non xanh, nước biếc, mây trắng bao phủ, khí hậu trong lành - khiến Tân Lạc được ví như chốn "tiên cảnh vùng cao" của Hòa Bình. Ảnh: Minh Hồng
Ngày 21/7/2018, huyện ủy Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình) đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 03 về phát triển du lịch huyện Tân Lạc giai đoạn 2016-2020 tầm nhìn đến năm 2030 theo đó hoạt động du lịch tại khu vực này đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận thu nhập từ dịch vụ du lịch cộng đồng đã góp phần nâng cao đời sống của nhân dân được làng ngõ xóm được chỉnh trang sạch đẹp nếp sống văn hóa ứng xử thân thiện mến khách bản sắc văn hóa hình ảnh mảnh đất con người các xã vùng cao được quan tâm quảng bá lan tỏa nhiều mặt hàng nông sản được giới thiệu bán cho khách tham quan thu hút khách du lịch ngày càng tăng phát triển du lịch có định hướng huyện Tân Lạc đã tham mưu và được Ban thường vụ Tỉnh ủy hòa bình ban hành nghị quyết số 13 về xây dựng các xã vùng cao huyện Tân Lạc trở thành khu du lịch cấp tỉnh vào năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/goi-y-diem-den-hut-khach-o-chon-tien-canh-vung-cao-xu-muong-179230822214928945.htm