Gói bánh chưng muôn vẻ thị thành: Bài 1 - Đưa trẻ về làng học gói bánh chưng
Một tuần trước khi nghỉ Tết, các bạn học sinh 7H2 (Trường THCS và THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội) háo hức khi được cô giáo cùng Ban phụ huynh thưởng cho 1 buổi dã ngoại về vùng quê Mê Linh – nơi các bạn không chỉ được vui chơi chốn làng quê mà còn được học một môn không cần sách vở, đó là: gói bánh chưng.
Công dân và Khuyến học giới thiệu một số bài viết về Gói bánh chưng của người Việt nơi phố thị, muôn hình muôn vẻ, nhưng qua đó vẫn thể hiện sự sum vầy, ấm áp và đoàn tụ của người Việt mỗi dịp Tết đến Xuân về.
Khi học sinh thành phố về quê học gói bánh chưng
Nơi các học sinh lớp 7H2 (Trường THCS và THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội) đến trải nghiệm gói bánh chưng là ngôi nhà ấm áp của ông bà thân sinh cô giáo chủ nhiệm ở Tiến Thịnh - một xã thuần nông nằm ở phía Tây của huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội, cách trung tâm Hà Nội gần 40 km.
Mặc dù được giới thiệu về xã Tiến Thịnh là một vùng đất cổ, là nơi cư trú và sinh sống của người Việt cổ ở Đồng bằng sông Hồng - chiếc nôi của nền văn minh dân tộc. Nhưng các bạn học sinh 7H2 vẫn không khỏi trầm trồ khi thoát ra ngoài trung tâm Hà Nội – nơi chen chúc các tòa cao ốc và các con đường giao thông chằng chịt – để thấy trước mắt là dòng sông Hồng đỏ phù sa, là những triền đê nhấp nhô, những cánh đồng xanh mướt, với bạt ngàn hoa hai bên đường…
Điểm đến là ngôi nhà khang trang nằm trong ngõ có đường làng rộng, hai bên tường bao nhưng rợp dưới tán cây vối, cây xoài, và những giàn gấc trĩu trịt quả chín. Làng quê bây giờ đổi mới, đường làng trải bê tông sạch sẽ, những ngôi nhà xây khang trang, nhưng có rất nhiều cây trái, với đủ các sắc hoa nở rực rỡ mùa xuân. Các bạn nhỏ vừa tung tăng chạy nhảy, vừa trầm trồ khen "làng nhà cô giáo giàu đẹp quá!".
Tiếng chó sủa dọc đường làng khiến lũ trẻ thêm hiếu động, trêu chọc, ríu rít như đàn chim non, nói cười rổn rảng, rồi ùa vào khoảng sân rộng sạch dưới tán cây roi xum xuê – nơi chúng được cùng nhau thực hiện việc chính của chuyến đi: học gói bánh chưng.
Rất nhanh chóng và quy củ, cô giáo Đặng Thu Hà phân công từng nhóm học sinh bắt tay vào chuẩn bị gói bánh chưng theo kế hoạch: nhóm trải chiếu, nhóm khiêng gạo, thịt, lá dong (đã được người lớn hỗ trợ sẵn), nhóm bày khuôn, chia lạt…
Tất cả quây tròn quanh cô giáo và 1-2 phụ huynh trong vai "phụ đạo", lắng nghe cô giáo và ông bà nói về ý nghĩa của bánh chưng, về thời điểm người Việt dâng bánh chưng trong các nghi lễ, ngày Tết để bày tỏ lòng thành, sự biết ơn đến đất trời vì một năm mưa thuận gió hòa vừa qua, cùng với đó, bánh chưng còn thể hiện được tinh thần uống nước nhớ nguồn, tưởng nhớ ông bà, tổ tiên của dân tộc Việt Nam.
Những người lớn cũng nhắc lại với các con về truyền thống tốt đẹp của dân tộc qua sự tích bánh chưng bánh dày, về câu chuyện Lang Liêu nằm mộng nghe lời dặn của vị Thần, rằng: "vật trong Trời Đất không có gì quý bằng gạo, vì gạo là thức ăn nuôi sống con người. Con hãy nên lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng hình Trời và Đất. Hãy lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột bánh, để tượng hình Cha Mẹ sinh thành".
Sau phần mào đầu, các con sôi nổi với phần thực hành.
Cô giáo hướng dẫn các học trò của mình tỉ mỉ từ cách dọc sống lá, trải mặt lá, gấp góc, đóng khuôn, chia lượng gạo, đỗ, thịt đều tay, buộc lạt đều đẹp…
Gần 30 học sinh chia từng nhóm, cùng nhau gói bánh theo hướng dẫn của cô giáo và các phụ huynh. Bạn nào bạn nấy hăm hở, háo hức vì được treo giải "các con sẽ được mang chiếc bánh do chính tay mình gói về biếu bố mẹ".
Riêng một nhóm học sinh sẽ dự thi gói bánh chưng ở Hội xuân của trường được cô giáo hướng dẫn cụ thể tỉ mỉ hơn: 1 bạn gấp lá, 1 bạn đóng khuôn, 1 bạn xúc gạo, đỗ, thịt, 1 bạn buộc lạt - các bạn tạo thành một nhóm chặt chẽ, thao tác nhanh, phối hợp nhuần nhuyễn, sao cho tất cả các khâu đều chuẩn chỉnh về thời gian, đẹp đẽ về hình thức, ngon lành về chất lượng.
Một trải nghiệm mới mẻ, thú vị, hấp dẫn với các bạn học sinh khi được gói bánh chưng. Ảnh: TV
Phước Nguyên – cậu học sinh khéo tay hay làm, chia sẻ: "Con nhớ hết cách gói, chỉ hơi áp lực về thời gian, nên trong lần tập dượt này, con sẽ bấm giờ để có thể gói nhanh nhất có thể!". Trong buổi học gói bánh chưng, Phước Nguyên cũng là bạn gói xong chiếc bánh đầu tiên, trong vòng 10 phút - một sự thành công vô cùng lớn với cậu trò này.
Bảo Diệp – cô học sinh bé nhỏ nhất lớp nhưng lanh lẹ, học người bố cách gói bánh chưng rất nhanh, rồi nhiệt tình bày cho các bạn nam, cho các em nhỏ trong làng cùng học gói bánh. Diệp bảo: "Con rất vui và luôn sẵn sàng hướng dẫn cho các bạn gói bánh, để ai cũng có bánh mang về!".
Sau khi hoàn tất chiếc bánh xinh xắn, dù còn nhiều nếp gấp lá chưa sắc cạnh, chưa thật vuông vức, nhưng bạn nào bạn nấy háo hức đánh dấu sản phẩm của mình: bạn thì buộc lạt kiểu riêng, bạn thì viết tên vào lạt, bạn thì gói trái mặt lá, bạn thì gói to hơn… Tiếng í éo mách: "Bạn Vũ cho nhiều thịt cô ơi", "Bạn Chi trộn cả đỗ cả gạo lẫn lộn cô ơi", "Vì con thích ăn như thế cô ơi…" râm ran, rộn ràng cả khoảng sân quê.
Gói bánh chưng - thể hiện sự sum vầy, ấm áp và đoàn tụ
Phụ huynh bạn Hà Chi rủ rỉ dặn các con: "Gói bánh chưng thể hiện sự sum vầy, ấm áp và đoàn tụ, sau này các con lớn lên, đi bất cứ nơi đâu, mỗi dịp lễ tết, khi gói chiếc bánh chưng như thế này sẽ cảm thấy rất ấm lòng, chan chứa yêu thương".
Các phụ huynh tham gia gói bánh chưng cùng các con. Ảnh: TV
Chị Hằng Nga, một phụ huynh cũng chia sẻ: "Nói thật, nhìn cảnh các con gói bánh chưng, lòng mình cứ rưng rưng, nhớ quê, nhớ thời thơ ấu. Nhưng đến đây mình chỉ cổ vũ, động viên, hỗ trợ các con vòng ngoài, chứ bản thân mình không biết gói bánh chưng vuông, vì quê mình toàn gói bánh dài. Nhìn các con nắm bắt hướng dẫn của người lớn và thực hành rất nhanh nhẹn, khéo léo, cảm giác rất đỗi yêu thương và tự hào về tụi nhỏ bây giờ, thật thông minh, tự tin, ham học hỏi, không ngần ngại thể hiện bản thân".
Cô Đặng Thu Hà, giáo viên chủ nhiệm của 7H2 cũng chia sẻ: "Chuyến đưa các con học sinh về quê được tổ chức đúng dịp áp Tết cổ truyền của dân tộc với mong muốn các con học sinh có những trải nghiệm mới lạ và thú vị khi được gói bánh chưng ở một miền quê Bắc Bộ, cũng là dịp để các con khám phá về cuộc sống làng quê thanh bình.
Trong chuyến về quê này, cô cũng như các phụ huynh mong muốn được hướng dẫn các con gói bánh chưng vì với các học sinh ở thành phố thì cơ hội này rất ít, thậm chí có em chưa bao giờ được xem gói bánh chưng. Vì vậy, thông qua hoạt động dạy học sinh gói bánh chưng sẽ là dịp quan trọng để giúp các con hiểu hơn về ý nghĩa cũng như truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong dịp Tết đến, Xuân về".
Sau khoảng thời gian vui và ý nghĩa, những đứa trẻ thành phố hồn nhiên bày tỏ với cô giáo và các phụ huynh: "Cô ơi, các bố mẹ ơi, về quê vui quá, gói bánh chưng thích quá, năm sau lại cho chúng con về quê nhé!".
Công dân và Khuyến học giới thiệu một số hình ảnh của các học sinh 7H2 (Trường THCS và THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội) học gói bánh ở làng quê Mê Linh và hình ảnh "trình diễn" tài gói bánh chưng trong cuộc thi gói bánh chưng tại Hội chợ Xuân của nhà trường dịp năm mới Giáp Thìn 2024:
Thành quả xinh xắn từ những đôi bàn tay bé nhỏ. Ảnh: TV
Gói bánh chưng và luộc bánh chưng - một trải nghiệm ý nghĩa của các bạn học sinh thành phố trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Ảnh: TV
Sau buổi học gói bánh chưng ở quê, các bạn học sinh tự tin dự thi gói bánh chưng tại Hội Xuân của trường. Ảnh: TV
Những chiếc bánh xinh của các bạn nhỏ đón chào năm mới 2024. Ảnh: TV
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/goi-banh-chung-muon-ve-thi-thanh-bai-1-dua-tre-ve-lang-hoc-goi-banh-chung-179240205005958149.htm