Giữ kì thi vào lớp 10 vì thu nhập dạy thêm?
Đằng sau việc kiên quyết giữ kì thi vào lớp 10 ở các địa phương không có cạnh tranh vào lớp 10 công lập là gì?
Đối với nhiều địa phương không có cạnh tranh cao giữa các học sinh, tổ chức cả một kì thi vào lớp 10 rất tốn kém, áp lực cho cả thầy và trò.
Ở những địa phương này, mỗi môn thi đạt hơn 1 điểm vẫn đỗ vào lớp 10 hệ công lập thuộc nhiều trường trung học phổ thông. Không chỉ một vài năm mà hàng chục năm như thế, nhiều trường trung học phổ thông vẫn luôn tuyển sinh vào trường với mức điểm kịch sàn.
Đơn giản là vì dù học sinh thi đạt điểm bao nhiêu vẫn phải tuyển cho đủ chỉ tiêu, đủ học sinh để giảng dạy vì đôi khi chỉ tiêu tuyển sinh lại cao hơn chỉ tiêu dự tuyển.
Tổ chức cả một kỳ thi rình rang rồi tuyển toàn bộ như thế xem ra không cần thiết, nhưng nói bỏ kỳ thi vào 10 đối với những trường học, những địa phương không có sự cạnh tranh cao và mức điểm chuẩn lấy vào trường quá thấp lại vẫn gặp không ít sự phản ứng từ thầy cô, từ nhà trường.
Giữ kì thi vào lớp 10 vì lí do nào nữa?
Đủ thứ lý do được đưa ra nhưng lý do được xem là hợp lý và không bị hứng chịu phản ứng nhất là nếu không tổ chức thi sẽ sợ học sinh không chịu học tập và chất lượng học tập đã thấp lại càng thấp hơn. Lý do này địa phương thường đưa ra giải trình với các bậc phụ huynh và công chúng.
Tuy nhiên, có một lý do mà không ai công khai nhắc tới, chỉ những người trong cuộc mới ngầm hiểu là học sinh phải ôn thi, đằng sau đó là hàng loạt hoạt động ôn thi, chuẩn bị, thi tuyển của nhà trường.
Để chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 hàng năm, nhiều trường trung học cơ sở đã họp phụ huynh ngay từ đầu năm học. Khi có kết quả của điểm kiểm tra chất lượng đầu năm thì điểm luôn thấp đến bất ngờ. Bởi, giáo viên ra đề khá khó và học sinh hoàn toàn tự lực cánh sinh (không được ôn tập trước như những lần kiểm tra sau này).
Với kết quả quá thấp này, phụ huynh học sinh thường đồng loạt chủ động nhờ nhà trường mở lớp dạy phụ đạo trong trường để các em có đủ lực dự thi vào lớp 10.
Về danh nghĩa, nhà trường đáp ứng nhu cầu phụ huynh học sinh, tổ chức ôn tập kiến thức cho học sinh để thi vào 10 nhưng thực chất đây là hình thức dạy thêm, học thêm trong nhà trường một cách hợp pháp vì giảng dạy theo nguyện vọng của phụ huynh.
Tổ chức dạy thêm trong nhà trường ăn theo kì thi vào lớp 10
3 môn học được đề xuất học thêm là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Thường thì mức học phí học trong trường luôn được thu với giá thấp hơn mức giá học thêm bên ngoài nhà trường. Thế nhưng đó đã là nguồn thu được đánh giá là "mức thu khủng". Bởi, sĩ số lớp học bao nhiêu, học sinh sẽ phải đi học đầy đủ bấy nhiêu.
Ví như, một trường trung học cơ sở loại 1 có ít nhất từ 9 đến 10 lớp 9 trở lên. Mỗi lớp có sĩ số 45 học sinh, tổng số học sinh khối 9 của trường vào khoảng 400 em. Nếu 1 môn học thu 150 ngàn/học sinh thì mỗi học sinh một tháng sẽ đóng 450 ngàn đồng. Tổng số tiền thu được của 3 môn học gần 200 triệu đồng/tháng.
Giáo viên trực tiếp giảng dạy sẽ được trả từ 60 đến 80% tổng số tiền thu được trong tháng (tuỳ theo sự thoả thuận ở từng trường học, từng địa phương).
Số tiền còn lại sẽ được chi trả cho các khoản như điện nước nhà trường, khấu hao cơ sở vật chất, công tác thu… Riêng Ban Giám hiệu nhà trường sẽ nhận được một khoản hoa hồng không hề nhỏ cho việc quản lý quỹ, chỉ đạo chuyên môn.
Các giáo viên làm quản lý từng tiết lộ khoản hoa hồng được nhận trong một tháng tại trường học có dạy thêm trong nhà trường vào khoảng 20 triệu đồng/tháng (gấp đôi tiền lương đi dạy một tháng và cao hơn nhiều những giáo viên trực tiếp dạy thêm).
Với thu nhập như vậy, một số cán bộ quản lý trường học ở các địa phương không muốn bỏ kỳ thi vào lớp 10.
Kì thi vào lớp 10 sẽ được định đoạt ra sao trong tương lai?
Cách đây hơn 20 năm, công chúng tranh cãi khá quyết liệt bỏ hay giữ kì thi tốt nghiệp tiểu học khi tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của các trường luôn chạm đỉnh 100%.
Cũng đã có những ý kiến lo ngại nếu bỏ thi tốt nghiệp tiểu học, học sinh sẽ không chịu học, lo sợ chất lượng học tập đi xuống. Cho tới thời điểm này nhìn lại, việc bỏ thi bậc tiểu học là quyết định sáng suốt của ngành giáo dục lúc bấy giờ. Kết thúc bậc học tiểu học, học sinh không còn phải thi hết cấp nữa. Đó là kì thi không cần thiết khi chúng ta đạt phổ cập tiểu học, và tiến tới đạt phổ cập trung học cơ sở trên toàn quốc.
Việc này không chỉ giảm gánh nặng về ngân sách cho địa phương, cho phụ huynh mà còn giảm cả áp lực học hành cho chính các em học sinh.
Vì thế, chỉ nên giữ kì thi vào lớp 10 đối với những trường học có sự cạnh tranh cao để tuyển chọn được học sinh có đủ năng lực vào học. Những trường học chưa thi đã biết đỗ thì chỉ cần xét tuyển học bạ là học sinh có thể vào lớp 10.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/giu-ki-thi-vao-lop-10-vi-thu-nhap-day-them-179230313164903085.htm