Giới trẻ Trung Quốc tìm cách thức khởi nghiệp từ chiến dịch "tái sinh nông thôn"

17:59 - 08/09/2022

Trong bối cảnh kế hoạch tái sinh nông thôn của Chính phủ Trung Quốc ngày càng mở rộng, nhiều thanh niên trẻ nước này với kiến thức được tích luỹ của mình cùng các kỹ năng sử dụng công nghệ mới đã chọn những vùng nông thôn để khởi nghiệp.

Giới trẻ Trung Quốc tìm cách thức khởi nghiệp mới từ chiến dịch tái sinh nông thôn - Ảnh 1.

Công nghệ số, chìa khóa thay đổi diện mạo nông thôn Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang thúc đẩy một tầm nhìn mới để giải quyết các vấn đề lâu dài như sự phân chia nông thôn và thành thị, an ninh lương thực và đói nghèo với tên gọi "tái sinh nông thôn". Tái sinh nông thôn" là một nội dung quan trọng trong kế hoạch hoạt động 2020 - 2025 của Chính phủ Trung Quốc.

Sinh viên tốt nghiệp ra trường, giới trẻ Trung Quốc được khuyến khích và tạo điều kiện để khởi nghiệp ở nông thôn, trực tiếp tham gia vào chương trình "tái sinh nông thôn".

Vận dụng các công nghệ mới nhất vào việc trồng chè

Sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ về dữ liệu lớn (big data) tại Anh năm 2016, Phương Châu đã trở về quê hương là thành phố Vũ Di Sơn ở tỉnh Phúc Kiến và làm việc tại vườn chè của gia đình. 

Bằng những kiến thức học được, Phương Châu vận dụng các công nghệ mới nhất vào việc trồng chè, chẳng hạn như trồng xen cây phân xanh và sử dụng vi sinh để kiểm soát sâu bệnh. Thông qua việc phân tích dữ liệu và mô hình quét, Phương Châu cùng nhóm cộng tác đã chế tạo một máy hái chè thông minh với tỷ lệ chè hái đạt chất lượng trên 90%. 

Theo Phương Châu, công cụ mới này sẽ giúp giảm áp lực lao động trong mùa vụ canh tác bận rộn và nâng cao hơn nữa chất lượng chè. Việc kết hợp công nghệ mới cùng với kinh nghiệm của những người đi trước sẽ giúp chuyển đổi và cải thiện nông nghiệp truyền thống.

Nội hàm của Tái sinh nông thôn bao gồm tăng trưởng xanh, bền vững và một nền kinh tế nông thôn vững mạnh.

Mục tiêu bao trùm của quá trình tái sinh nông thôn là đưa Trung Quốc trở thành "một quốc gia xã hội chủ nghĩa hiện đại, thịnh vượng, mạnh mẽ, dân chủ, văn hóa tiên tiến và hài hòa" vào năm 2049.

Làn gió mới cho nghề làm gốm sứ

Tại một thị trấn khác của thành phố Vũ Di Sơn, tỉnh Phúc Kiến, sáng tạo của giới trẻ đã thổi làn gió mới cho nghề làm gốm sứ tại đây, mang lại hơi thở hiện đại cho vùng nông thôn này. 

Khi bước vào xưởng sáng tạo và văn hóa đồ sứ Chu Tử Dao tại thị trấn Ngũ Phu, du khách sẽ bất ngờ với dãy đồ sứ với nhiều hình dáng và kích thước khác nhau. Lưu Nghiệp Phong, 27 tuổi, một trong những người sáng lập xưởng này, đã từ bỏ cơ hội khởi nghiệp ở thành phố và đến Ngũ Phu để làm việc cho chính quyền địa phương. Với đam mê đồ sứ, anh và hai người bạn đã thành lập xưởng vẽ. Lưu Nghiệp Phong nhấn mạnh đây chính là sự khởi đầu và là nơi anh xây dựng ước mơ.

Khi thị trấn Ngũ Phu, ở thành phố Vũ Di Sơn chứng kiến ngành du lịch bùng nổ trong những năm gần đây, với khoảng 200.000 lượt du khách mỗi năm, xưởng đồ sứ của Lưu Nghiệp Phong đã thu hút sự chú ý của du khách bởi trải nghiệm học cách làm gốm sứ. Du khách của thể đặt chỗ để tham gia trải nghiệm vào cuối tuần trong mùa du lịch. 

Lưu Nghiệp Phong khẳng định xưởng của anh tích hợp các yếu tố văn hóa truyền thống vào thiết kế sản phẩm. Anh hy vọng với cách làm mới này, có thể truyền tải văn hóa địa phương của Ngũ Phu thông qua các sản phẩm sứ. Với anh, phát triển nông thôn đòi hỏi sự nỗ lực của các thế hệ trẻ, đồng thời cũng tạo cho thanh niên một sân khấu rộng lớn để theo đuổi và thực hiện ước mơ của mình.

Sử dụng hình thức phát trực tiếp giới thiệu các nông sản

Hạ Mĩ Hùng, 33 tuổi, tốt nghiệp trường Bách khoa Phúc Kiến năm 2007 và từng làm việc trong ngành xây dựng ở thành phố Thành Đô, Tây Nam Trung Quốc. Anh đã tìm đến một thị trấn ở Thọ Ninh, thành phố Ninh Đức, Phúc Kiến, để khởi nghiệp vào năm 2020 sau khi chứng kiến sự phát triển bùng nổ của thị trấn, nơi đã xóa đói giảm nghèo vào năm 2018. Tại đây, Hạ Mĩ Hùng giới thiệu các nông sản thông qua hình thức phát trực tiếp trên một kênh ở nền tảng Douyin. Không chỉ phát hình ảnh về các loại nông sản để giúp người dân địa phương, chàng thanh niên này còn quay các video ngắn về cảnh thiên nhiên ở địa phương.

Trong 2 năm, 2 tài khoản của Hạ Mĩ Hùng trên nền tảng Douyin đã có khoảng 70.000 người theo dõi. Năm ngoái, doanh thu bán hàng trực tuyến của anh đã vượt 1,7 triệu nhân dân tệ (246.000 USD). Nhờ cách bán hàng mới, doanh thu chè tại địa phương, vốn không khởi sắc trước kia, đã vượt con số 200.000 nhân dân tệ vào năm ngoái.

Ngoài bán hàng trực tuyến, Hạ Mĩ Hùng và nhóm của anh còn kinh doanh một nhà hàng tại địa phương và đạt doanh thu hơn 900.000 nhân dân tệ vào năm ngoái. 

Theo Hạ Mĩ Hùng, thành công của anh một phần là nhờ các chính sách ưu đãi về khởi nghiệp của chính quyền địa phương, từ việc miễn tiền thuê mặt bằng, các tiện ích phát trực tiếp đến hỗ trợ sinh hoạt phí hằng tháng cho các thành viên trong nhóm. 

Hạ Mĩ Hùng cho rằng cống hiến bản thân cho cuộc sống nông thôn không phải là đam mê nhất thời mà là sự khám phá và cam kết lâu dài. Anh hy vọng sẽ có nhiều người trẻ đến địa phương này để thực hiện kế hoạch tái sinh nông thôn.

Nguồn: PV (Tổng hợp)

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/gioi-tre-trung-quoc-tim-cach-thuc-khoi-nghiep-tu-chien-dich-tai-sinh-nong-thon-179220908081945073.htm