"Giấy phép hành nghề dạy học" thay "Chứng chỉ hành nghề" có thực sự cần thiết?
Điều 17 dự thảo Luật nhà giáo (lần 3) quy định giáo viên phải có "Giấy phép hành nghề" thay vì "Chứng chỉ hành nghề" như các dự thảo lần 1, lần 2.
Mục đích của giấy phép hành nghề dạy học (Điều 17)
1. Là điều kiện để tham gia tuyển dụng nhà giáo.
2. Tạo điều kiện để nhà giáo mở rộng cơ hội hoạt động nghề nghiệp và hợp tác quốc tế.
3. Bảo đảm chất lượng nhà giáo thỉnh giảng hoặc người hành nghề dạy học tự do.
4. Là căn cứ để đánh giá, điều chỉnh các chương trình đào tạo sư phạm.
5. Là cơ sở đánh giá quá trình phát triển nghề nghiệp liên tục của nhà giáo, bảo đảm chất lượng giáo dục.
Thẩm quyền cấp, gia hạn, thu hồi giấy phép hành nghề dạy học (Điều 22)
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao cấp hoặc phân cấp cho các cơ sở giáo dục đại học đủ điều kiện cấp giấy phép hành nghề dạy học đối với giảng viên, giáo viên dự bị đại học và người có nguyện vọng hành nghề dạy học trong các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp giấy phép hành nghề dạy học đối với nhà giáo của các cơ sở giáo dục theo thẩm quyền quản lý và người có nguyện vọng hành nghề dạy học trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên.
3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy phép hành nghề dạy học đối với nhà giáo của các cơ sở giáo dục theo thẩm quyền quản lý và người có nguyện vọng hành nghề dạy học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
4. Cơ quan có thẩm quyền cấp thì có thẩm quyền ghi bổ sung thông tin, gia hạn, cấp lại, thu hồi giấy phép hành nghề dạy học.
5. Chính phủ quy định chi tiết các nội dung liên quan đến việc cấp, gia hạn, thu hồi giấy phép hành nghề dạy học.
Có nhất thiết phải cấp Giấy phép hành nghề dạy học?
Nhiều thầy cô giáo bậc mầm non, phổ thông và đại học chia sẻ, giáo viên các bậc học không cần thiết phải có giấy phép hành nghề vì những lí do sau đây.
Thứ nhất, theo quy định hiện hành, giáo viên bậc mầm non phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm. Giáo viên bậc tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông (giáo viên phổ thông) phải có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm.
Người học ngành ngoài sư phạm (thường gọi là tổng hợp) thì phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm theo quy định.
Như thế, sau khi tốt nghiệp đại học sư phạm thì giáo viên đã hoàn thành chương trình thực tập sư phạm (chuyên môn, nghiệp vụ). Cùng với đó, khi được tuyển dụng mới, giáo viên phải tập sự theo quy định. Và khi đã hoàn thành tập sự, nghĩa là giáo viên đã đủ điều kiện giảng dạy, không cần Giấy phép hành nghề dạy học.
Thứ hai, theo quy định, từ 1/7/2020 giáo viên được tuyển dụng mới phải kí hợp đồng lao động xác định thời hạn. Thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng (trừ trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 25 Luật Viên chức 2019).
Trong khoảng thời gian này, nếu giáo viên có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, có 01 năm xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp thì giáo viên sẽ bị tinh giảm biên chế.
Hoặc sau 5 năm làm việc, có thể giáo viên sẽ không được tiếp tục kí hợp đồng lao động lần 2 vì nhiều lí do khác nhau. Như vậy, việc cấp giấy phép hành nghề cũng không có ý nghĩa gì đối với giáo viên bị tinh giảm biên chế và giáo viên không được kí hợp đồng lao động lần 2.
Thứ ba, theo Nghị định 90/2020/NĐ-CP, giáo viên được đánh giá xếp loại cuối năm học. Nếu giáo viên được xếp loại viên chức ở mức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc Hoàn thành tốt nhiệm vụ thì việc cấp giấy phép hành nghề cho họ sẽ chồng chéo.
Nếu giáo viên bị phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật thì giáo viên sẽ bị buộc thôi việc theo Điều 13 Nghị định số 27/2012/NĐ-CP. Như thế, việc thu hồi giấy phép hành nghề giáo viên là không cần thiết.
Điều giáo viên quan tâm nhất hiện nay đó là tăng hệ số lương; việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; việc số hoá hồ sơ sổ sách;… chứ không phải Giấy phép hành nghề dạy học hay Chứng chỉ hành nghề.
Chứng chỉ này không góp phần nâng cao chất lượng dạy học, cho nên nếu dự thảo Luật nhà giáo được thông qua thì ít nhiều sẽ gây phiền toái cho giáo viên và cả cơ quan quản lí giáo dục (Phòng/Sở Giáo dục và Đào tạo).
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/giay-phep-hanh-nghe-day-hoc-thay-chung-chi-hanh-nghe-co-thuc-su-can-thiet-17924080708355727.htm