Giáo viên phấn khởi với lương cơ sở tăng từ 1/7
Từ 1/7/2023, thực hiện tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, tương đương tăng 20,8% so với mức lương cơ sở hiện hành khiến nhiều người phấn chấn. Nhất là giáo viên mới vào nghề, hoặc đang dạy những môn học được xem là "môn phụ" ở các trường phổ thông.
Kể từ ngày 01/7/2019 cho đến nay vì nhiều lý do khác nhau dẫn đến lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức vẫn giữ nguyên ở mức 1.490.000 đồng nên cuộc sống của một bộ phận những người đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước đã gặp nhiều khó khăn.
Suốt 4 năm qua, lương cơ sở đứng yên nhưng giá cả nhiều mặt hàng đã tăng lên. Một số giáo viên còn phải tham gia học thêm một số chứng chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu công việc càng khiến cho nhiều gia đình giáo viên khó khăn khi phải "căng, kéo" đồng lương của mình trong chi tiêu hàng tháng.
Nhiều giáo viên bỏ nghề vì thu nhập thấp
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 ngày 12/8/2022, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Dương Nguyễn Thị Nhật Hằng chia sẻ: Tình trạng giáo viên xin nghỉ việc là một khó khăn lớn của địa phương. Chỉ tính từ tháng 1/2021 đến tháng 4/2022, Bình Dương có tới 527 giáo viên nghỉ việc và "lý do chủ yếu là áp lực công việc lớn, lương quá thấp". Rõ ràng, những con số mà người đứng đầu ngành giáo dục cả nước và đứng đầu ngành giáo dục ở một địa phương đưa ra là những con số đáng cho nhiều người phải suy ngẫm.
Giáo viên bỏ việc chỉ trong một năm học đã lên đến hơn 16.000 người và chủ yếu tập trung nhiều ở một số tỉnh, thành phía Nam, nhất là khu vực đô thị. Trong rất nhiều nguyên nhân nghỉ việc của giáo viên, một nguyên nhân cơ bản đó là "lương quá thấp" khiến cho nhiều thầy cô giáo không thể trụ lại với nghề.
Một cô giáo đang dạy môn Mĩ thuật tại một trường tiểu học ở một tỉnh phía Nam chia sẻ: Tính đến nay, tôi đã có 14 năm công tác trong ngành giáo dục, đang hưởng lương bậc 5 nhưng mỗi tháng trừ đi các khoản thì chỉ còn lại gần 7 triệu đồng.
Số tiền này, sống ở thành phố thật khó khăn vì 2 đứa con đều đang tuổi ăn, tuổi học. Chi phí học tập cao, hàng tháng chỉ riêng tiền học thêm tiếng Anh của con cũng đã chiếm mất 1/3 lương của mẹ. Trong khi, 4 năm rồi lương cơ sở không được điều chỉnh nhưng các chi phí sinh hoạt, mua bán hàng ngày đều tăng lên. Ngay cả tiền điện, tiền nước hàng tháng cũng đã tăng từ mấy tháng vừa qua.
Rõ ràng, việc lương cơ sở nhiều năm không được điều chỉnh đã dẫn đến một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức gặp nhiều khó khăn. Nhất là những nhà giáo mới vào nghề, có mức thu nhập 4-5 triệu đồng/ tháng. Trong khi, giáo viên phải đầu tư rất nhiều thứ mới có thể đảm đương được công việc giảng dạy hàng ngày. Chẳng hạn như khi dịch bệnh kéo dài, nhiều thầy cô phải trang bị thêm laptop để dạy online, máy tính để bàn, các khoá học, công cụ họp trực tuyến...
Giáo viên phấn chấn khi lương cơ sở tăng
Hiện nay, bên cạnh những giáo viên đang "sống được, sống khỏe" nhờ dạy thêm, hoặc những giáo viên có thâm niên cao thì một bộ phận giáo viên đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Nhất là những giáo viên trẻ ở khu vực đô thị có thâm niên ít, dạy những môn học được xem là "môn phụ" ở các nhà trường.
Ngoài đồng lương chính ra, họ gần như rất hiếm có thu nhập thêm khác vì công việc giảng dạy, họp hành, chuẩn bị giáo án, chấm bài… đã chiếm hết thời gian trong ngày. Bởi vậy, nhiều người phải chắt bóp chi tiêu trong đồng lương ít ỏi của mình.
Khi nói về việc lương cơ sở sẽ tăng lên 20,8% từ ngày 1/7 tới đây, nhiều giáo viên rất phấn khởi.
Thầy giáo Lê Duy Hà - giáo viên dạy Vật lí cấp trung học cơ sở chia sẻ rằng, dù thầy dạy môn học cơ bản nhưng cũng có dạy thêm, dạy nếm gì đâu. Chỉ có đồng lương giáo viên phụ thêm với vợ lo cho mấy đứa nhỏ học hành và chi tiêu hàng tháng. Mấy tháng nay, cấp trên phân công đi học bồi dưỡng tích hợp để về dạy môn Khoa học tự nhiên ở trường sư phạm tỉnh, dù đi học không mất tiền học phí nhưng chi phí đi lại, cơm nước cũng khá nhiều. Nay, lương cơ sở tăng từ 1.490 ngàn lên 1.800 ngàn/tháng nên cũng thấy phấn khởi vì mỗi tháng có thêm hơn 1 triệu đồng. Số tiền chênh lệch ấy sẽ phần nào giải quyết được những khó khăn hàng ngày.
Cô giáo Võ Thị Mỹ Dung thì chia sẻ: gia đình tôi vợ thì giáo viên, chồng là bộ đội chuyên nghiệp nên mỗi tháng cũng chỉ có thu nhập khoảng 15-16 triệu đồng. Số tiền này chi cho tiền thuê nhà, chi phí cho 2 con học tập khiến cho cuộc sống những năm vừa qua gặp những khó khăn nhất định. Vì thế, từ tháng tới đây lương cơ sở tăng thêm sẽ giúp cho gia đình tôi có thêm một khoản thu nhập để cho cho con được tốt hơn.
Rõ ràng, việc tăng lương cơ sở vào tháng 7 tới đây là một tín hiệu tích cực, lạc quan cho cán bộ, công chức, viên chức nói chung và những thầy cô giáo nói riêng. Bởi, khi lương cơ sở tăng lên sẽ giúp cho cuộc sống được cải thiện để họ yên tâm với công việc mà mình đang gắn bó được tốt hơn.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/giao-vien-phan-khoi-voi-luong-co-so-tang-tu-1-7-179230629093614538.htm