Giáo viên luôn thiếu trong khi sinh viên sư phạm thất nghiệp
Sinh viên sư phạm thất nghiệp nhiều nhưng có địa phương lại thiếu giáo viên giảng dạy đến mức báo động. Nghịch lý này gây tổn thất, lãng phí công đào tạo của trường, ngân sách nhà nước, thời gian và tiền bạc của mỗi gia đình.
Ngay thời điểm hiện tại, đã có hơn 70.000 giáo sinh đang thất nghiệp. Tuy nhiên trong thực tế, giáo sinh thì thất nghiệp trong khi một số địa phương lại trong tình trạng thiếu giáo viên giảng dạy một cách trầm trọng.
Hệ lụy của việc thiếu giáo viên giảng dạy
Việc thiếu giáo viên trong trường sẽ dẫn đến chất lượng giảng dạy không tốt. Khi thầy cô giáo làm việc quá sức sẽ không đủ thời gian tái tạo sức lao động. Thiếu giáo viên giảng dạy, học sinh bị học dồn, học ghép, học với thầy cô dạy chéo ban, chéo chuyên môn… dẫn đến chất lượng giờ dạy thấp.
Đã có nhiều trường học do quá thiếu giáo viên nên hiệu phó phải xuống làm chủ nhiệm, hiệu trưởng phải giảng dạy như những giáo viên bình thường hoặc một giáo viên chủ nhiệm đến 2 lớp gọi là lớp treo. Những học sinh học ở lớp treo sẽ vô cùng thiệt thòi vì thiếu nhiều sự chăm sóc tận tình của các thầy cô giáo.
Ngành giáo dục có nên thực hiện việc phân công công tác?
Ngành giáo dục hiện đang có khá nhiều ưu đãi cho sinh viên sư phạm như giảm học phí, giáo viên giảng dạy được chế độ đứng lớp, được chế độ thâm niên (theo Luật Giáo dục 2019 sẽ không còn), được nhận ưu đãi vùng, ưu đãi dạy trẻ khuyết tật…
Hiện tại, lương giáo viên gần cao nhất trong bậc lương hành chính sự nghiệp. Thế nhưng vì sao ngành giáo dục không thu hút được học sinh giỏi vào ngành?
Có khá nhiều nguyên nhân nhưng một trong những nguyên nhân chính là ngành giáo dục không phân công công tác sau khi sinh viên sư phạm ra trường.
Nhiều địa phương dù thiếu giáo viên nhưng xin dạy hợp đồng thời vụ cũng khó chứ nói gì đến được hợp đồng dài hạn.
Có những giáo sinh xin được vào ngành làm giáo viên hợp đồng cũng phải mất hàng trăm triệu đồng. Trường hợp điển hình như một hiệu trưởng tại tỉnh Đắk Lắk nhận tiền chạy việc bị bắt mà truyền thông đã đăng tải thời gian vừa qua.
Nhiều người nhẩm tính với đồng lương ba cọc ba đồng (dù bậc lương so với nhiều ngành nghề khác là cao) nhưng mất hàng trăm triệu đồng chạy việc thì biết đến bao giờ mới bù lại được.
Đã thế, dù có xin vào dạy hợp đồng cũng phải dự thi kỳ thi viên chức do địa phương tổ chức. Một thực tế cho thấy, để vượt qua những kỳ thi viên chức, công chức cũng không hề dễ dàng gì. Các giáo viên ngầm hiểu vào được viên chức cũng phải do quan hệ đặc biệt hoặc phải mất tiền chạy việc.
Buồn thay, dù học sư phạm 4 năm, không ít người phải cất kỹ tấm bằng ở trong tủ, khai hồ sơ mới học lớp 12 để dễ xin làm công nhân.
Cần quy hoạch lại các trường sư phạm
Để giải quyết việc sinh viên sư phạm ra trường có việc làm và làm đúng ngành nghề có nhiều phương án cân bằng cung cầu trong xã hội học tập. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, có thể điều chỉnh lượng khủng hoảng thừa và thiếu ngay khi tuyển sinh sư phạm hằng năm.
Từ thực tế hiện nay, để giải quyết cho những địa phương không rơi vào tình cảnh thiếu giáo viên và giải quyết việc làm cho hàng ngàn sinh viên sư phạm ra trường, xóa bỏ những tiêu cực trong ngành (mất tiền chạy việc) thì ngành giáo dục cần thực hiện việc phân công việc làm cho sinh viên sư phạm ngay khi ra trường.
Tuy nhiên, muốn thực hiện điều này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quy hoạch lại các trường sư phạm trên cả nước. Có quy định rõ, sinh viên tốt nghiệp những trường đại học sư phạm nào mới được phân công nhiệm sở.
Các đây vài năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã từng đưa ra phương án quyết liệt quy hoạch lại các trường sư phạm trên cả nước nhằm lập lại cân bằng việc thiếu và thừa giáo viên. Tuy nhiên, việc quy hoạch chưa thực hiện triệt để và tình trạng này chưa được giải quyết.
Ngành sư phạm muốn nâng cao chất lượng đầu vào phải siết lại chỉ tiêu, giao chỉ tiêu hằng năm, có chính sách ưu tiên về học phí và được phân công công việc sau khi ra trường - có thể là phương án giải toả tình trạng này.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/giao-vien-luon-thieu-trong-khi-sinh-vien-su-pham-that-nghiep-179230317160042279.htm