Giáo viên được tính tiền dạy thêm giờ thế nào?
Ngoài chế độ tiền lương hàng tháng nhận được do đã hoàn thành nhiệm vụ thì nhiều thầy cô giáo còn được nhận khoản tiền lương dạy thêm giờ (hay gọi là tiền dạy tăng tiết).
Khi nào giáo viên được tính tiền dạy thêm giờ?
Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC quy định rõ: Tiền lương dạy thêm chỉ được thanh toán ở đơn vị hoặc bộ môn thiếu số lượng nhà giáo do cấp có thẩm quyền đã phê duyệt.
Trong trường hợp đơn vị hoặc bộ môn không thiếu nhà giáo thì chỉ được thanh toán tiền lương dạy thêm giờ khi đơn vị đó có nhà giáo nghỉ ốm, nghỉ thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội. Hoặc trong trường hợp giáo viên được cử đi học tập, bồi dưỡng, tham gia đoàn kiểm tra, thanh tra và tham gia những công nhiệm vụ khác do cấp có thẩm quyền phân công, điều động phải bố trí nhà giáo khác dạy thay.
Số giờ dạy thêm được tính trả tiền lương dạy thêm giờ sẽ không quá số giờ làm thêm theo quy định của pháp luật.
Thời gian làm thêm giờ của giáo viên phải tuân thủ theo quy định của Bộ luật Lao động, cụ thể theo quy định tại Điểm C, Khoản 2, Điều 107 Bộ luật Lao động 2019 thì: "Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 01 năm…".
Tranh cãi về định mức một giờ dạy quy định là một giờ dạy 60 phút hay một tiết dạy 35 phút bậc tiểu học, 45 phút bậc trung học"?
Định mức số giờ làm thêm của giáo viên không quá 200 giờ trong 1 năm cũng được nhiều địa phương áp dụng không đồng nhất. Một số trường học tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, quy định dạy bằng giờ mà 1 giờ là 60 phút. Trong khi, giáo viên lại dạy theo tiết (thời gian mỗi tiết phụ thuộc vào từng cấp học).
Nhiều người vẫn đang hiểu rằng, một tiết dạy (giáo viên tiểu học dạy 35 đến 40 phút, trung học dạy 45 phút). Bởi thế, khi tính tiết dạy tăng phải quy đổi từ tiết dạy sang giờ mới đúng.
Vì hiểu như thế nên hàng năm, một số trường học tại Thành phố Hồ Chí Minh đã quy đổi 200 giờ thành 270 tiết (bậc trung học) và khoảng hơn 300 tiết đối với bậc tiểu học.
Nhiều địa phương khác lại cho rằng, quy định 1 giờ dạy và 1 tiết dạy cũng tính như nhau. Vì thế, chỉ đồng ý thanh toán cho những giáo viên dạy tăng từ 200 tiết trở xuống.
Hiểu cụm từ "tiền lương 01 giờ dạy" tại công thức tính tiền lương quy định Thông tư liên tịch 07 như thế nào cho đúng?
Khoản 2, Điều 3 Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 8/3/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập đã quy định rất rõ ràng về cách gọi:
2. Định mức giờ dạy/năm đối với giáo viên mầm non; định mức tiết dạy/ năm học đối với giáo viên phổ thông; định mức giờ giảng dạy/năm học đối với giáo viên trung cấp chuyên nghiệp; tiêu chuẩn giờ giảng/năm học đối với giáo viên, giảng viên dạy nghề; định mức giờ chuẩn giảng dạy/năm đối với giảng viên cơ sở giáo dục đại học, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được gọi chung là định mức giờ dạy/năm.
Vì thế, cụm từ "tiền lương 01 giờ dạy" tại công thức tính tiền lương quy định Thông tư liên tịch 07 được hiểu cụ thể trong từng trường hợp như sau:
* Là tiền lương 01 giờ dạy (60 phút) đối với giáo viên mầm non.
* Là tiền lương 01 tiết dạy đối với giáo viên phổ thông (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung học phổ thông có nhiều cấp học).
* Là tiền lương 01 giờ giảng dạy đối với giáo viên trung cấp chuyên nghiệp.
* Là tiền lương 01 giờ giảng tiêu chuẩn đối với giáo viên, giảng viên dạy nghề; giảng viên cơ sở giáo dục đại học, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Do vậy, định mức tiết dạy/năm học đối với giáo viên phổ thông được gọi chung là định mức giờ dạy/năm (Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC) nên được hiểu, 200 giờ bằng 200 tiết.
Vì thế, các cơ sở giáo dục bậc (tiểu học và trung học) cũng cần rà soát lại cách tính tiền dạy tăng tiết cho giáo viên ở đơn vị mình sao cho thống nhất như quy định của Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC. Tránh tình trạng, mỗi địa phương lại có một cách tính khác nhau gây băn khoăn, thắc mắc trong đội ngũ nhà giáo và tạo sự thiệt thòi, bất công cho quyền lợi của nhiều giáo viên.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/giao-vien-duoc-tinh-tien-day-them-gio-the-nao-17923061720505307.htm