Giáo huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho sự phát triển giáo dục Việt Nam

05:05 - 19/05/2023

Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ thiên tài, là người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Người đã để lại cho nhân dân ta một gia tài và di sản hết sức quý báu, trong đó có hệ thống quan điểm giáo huấn sâu sắc về giáo dục. Chia sẻ của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo về nội dung này.

Nhân kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo - nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục và Đào tạo (nay là Học viện Quản lý Giáo dục) đã có những chia sẻ tâm huyết với phóng viên Tạp chí Công dân và Khuyến học về giáo huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đó suy ngẫm hướng phát triển của giáo dục Việt Nam trong thời đại mới.

Giáo huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho sự phát triển giáo dục Việt Nam - Ảnh 1.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp học của công nhân nhà máy ô tô 1/5 (Hà Nội), lá cờ đầu của phong trào bổ túc văn hóa ngành công nghiệp, ngày 19/12/1963. Ảnh: Tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh

Xây dựng nền giáo dục cho mọi người để "ai cũng được học hành"

Giáo huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho sự phát triển giáo dục Việt Nam - Ảnh 2.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo - nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: Thiên Ân

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo cho biết, ngay từ năm 1930, trong bản báo cáo được viết bằng tiếng Anh gửi Quốc tế Cộng sản, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, lý tưởng của những người cộng sản Việt Nam là thực hiện nền giáo dục cho mọi người, nền giáo dục có tính chất toàn dân.

Tháng 10/1946, khi ở Pháp về, Người đã viết vào cuốn sổ vàng của Bình dân học vụ Hải Phòng: "Ra sức chống giặc dốt cho dân tộc Việt Nam trở thành dân tộc thông thái".

"Ai cũng được học hành" cũng là một trong những ham muốn tột bậc của Người dành cho toàn thể đồng bào và cho những ai yêu nước thương nòi.

Với tầm nhìn thời đại và tư duy toàn cầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng một hệ thống giáo dục quốc dân bao quát giáo dục nhà trường, giáo dục gia đình và giáo dục xã hội.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo cho rằng, mong muốn xây dựng nền giáo dục cho mọi người để "ai cũng được học hành" của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhất quán, thể hiện tầm nhìn chiến lược đối với công cuộc phát triển sự nghiệp giáo dục nước nhà, trong đó phải kể đến Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 Khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo chỉ rõ nhiệm vụ: "Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập".

Ngay từ năm 1947, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào thời kỳ nóng bỏng và gian khổ, về công tác tại Thanh Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao cho chính quyền, các vị trí thức Thanh Hóa nhiệm vụ tổ chức một Ban văn hóa.

Trách nhiệm của Ban văn hóa là làm sao cho đến tháng 6/1947, số người mù chữ phải bớt 50%.

Ban văn hóa phải tìm những cách không cần tốn tiền mà học được, xây dựng các gia đình tỉnh Thanh Hóa thành "gia đình học hiệu", mỗi người dân Thanh Hóa là một "tiểu giáo viên", "cả làng chung gạo nuôi một thầy giáo".

Ngày nay, UNESCO phát động các quốc gia kiến tạo xã hội học tập cũng đã đưa ra những lưu ý vấn đề gia đình học hiệu (learning family).

Thật tự hào khi ý tưởng của thời đại đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh cảm nhận ngay từ khi đất nước Việt Nam còn vô vàn khó khăn.

Người đã truyền tâm ý của mình cho đồng chí, cho nhân dân thực hiện ý tưởng xây dựng xã hội học tập vì lợi ích con người và dân tộc.

Học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn, giáo dục gắn với lao động sản xuất

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo, trong công tác giáo dục và đào tạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn coi trọng phương châm học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn, giáo dục gắn với lao động sản xuất.

Người cho rằng, mục đích giáo dục của mọi thời đại không chỉ giúp học sinh nắm vững kiến thức mà còn biết áp dụng kiến thức vào trong thực tiễn, hình thành kỹ năng, kỹ xảo hoạt động; học để biết, học để làm.

Tháng 9/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự khai giảng Trường Đảng cao cấp tại chiến khu Việt Bắc và viết vào sổ vàng của nhà trường: "Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích, thì phải: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư".

Sau đó, Người tập hợp giảng viên, học viên toàn trường và căn dặn họ để làm được các điều trên, phải thực hiện 4H: "Học - Hỏi - Hiểu - Hành" (theo tư liệu của Giáo sư Trần Quốc Vượng).

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh thêm một nguyên tắc giáo dục quan trọng cho học sinh trong mọi thời đại, đó là giáo dục trong lao động và bằng lao động. Lao động sản xuất vừa là môi trường, vừa là phương tiện giáo dục con người. Mọi phẩm chất nhân cách được hình thành trong lao động và trong hoạt động xã hội.

Và đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng, trong giáo dục, kiến thức là rất cần thiết nhưng đạo đức đóng vai trò quan trọng không kém. Người dạy: "Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó".

Hay trong lần nói chuyện với cán bộ, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1964, Người chỉ rõ: "Dạy cũng như học phải chú trọng đến cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng".

Trong bức thư gửi giáo viên, học sinh, cán bộ và thanh niên ngày 31/10/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "Đối với Đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học tiên tiến của các nước bạn, kết hợp với thực tiễn của nước ta, để thiết thực giúp ích cho công cuộc xây dựng nước nhà. Trung học thì cần đảm bảo cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà, bỏ những phần nào không cần thiết cho đời sống thực tế. Tiểu học thì cần giáo dục các cháu thiếu nhi: Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công".

Vận dụng những giáo huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo, để phát triển nền giáo dục hiện tại và trong tương lai cần xây dựng xã hội học tập là nền tảng, lấy người học làm trung tâm, trong đó, tạo cơ hội học tập suốt đời, học thật, làm thật vừa là phương châm, giải pháp và vừa là mục tiêu của sự nghiệp giáo dục.

"Các lớp con cháu vẫn đang kiên trì học tập và làm theo tư tưởng của Người. Đó là tư tưởng, tầm nhìn vượt thời đại, đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo nói.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/giao-huan-cua-chu-tich-ho-chi-minh-cho-su-phat-trien-giao-duc-viet-nam-179230518144034163.htm