Giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho trẻ mầm non bằng âm nhạc

Thông qua các bài hát, trẻ mầm non được củng cố, bổ sung những hiểu biết về môi trường sống, những việc làm góp phần bảo vệ môi trường, hình thành ý thức, trách nhiệm với môi trường.

Âm nhạc là một loại hình nghệ thuật gắn bó mật thiết với đời sống con người. Nó có sức hấp dẫn kỳ lạ, có tác động mạnh mẽ, làm cho con người tốt đẹp hơn, trong sáng hơn. Bản chất của âm nhạc là niềm vui lạc quan, yêu đời và nâng con người đến với những tình cảm cao thượng. Đối với trẻ thơ, âm nhạc là nguồn sữa nuôi dưỡng tinh thần. 

Giai điệu trầm bổng, sự phong phú của âm hình tiết tấu, phong cách đa dạng của các thể loại âm nhạc sẽ đưa trẻ vào thế giới cái đẹp một cách hấp dẫn và lí thú. Từ đó, trẻ biết cảm nhận cái đẹp thông qua những tác phẩm âm nhạc, trẻ được trải nghiệm, biết chia sẻ những cảm xúc, ý nghĩ của mình về sự đa dạng trong cuộc sống.

Thông qua âm nhạc và các bài hát, trẻ được củng cố, bổ sung những hiểu biết về môi trường sống, những việc làm góp phần bảo vệ môi trường, hình thành ý thức, trách nhiệm với môi trường.

Các bài hát thiếu nhi về bảo vệ môi trường

Nội dung giáo dục ý thức bảo vệ môi trường trong bài hát thiếu nhi

Các bài hát viết cho lứa tuổi thiếu nhi có nội dung phong phú đa dạng, trong đó có nội dung giáo dục ý thức bảo vệ môi trường. Nội dung giáo dục ý thức bảo vệ môi trường trong các bài hát thiếu nhi thường tập trung vào các vấn đề sau:

Giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho trẻ mầm non bằng âm nhạc - Ảnh 1.

Đối với trẻ thơ, âm nhạc là nguồn sữa nuôi dưỡng tinh thần. Hình minh họa

Một là, môi trường của chúng ta: Các yếu tố, thành phần trong môi trường và mối quan hệ giữa chúng với con người, các loại môi trường, chức năng và vai trò của môi trường.

Hai là, sử dụng hợp lý và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên: Các loại tài nguyên thiên nhiên và vai trò của chúng; sử dụng hợp lý và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Ba là, phòng, chống ô nhiễm môi trường: Các biểu hiện của ô nhiễm môi trường; nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường; các hoạt động phòng, chống ô nhiễm môi trường.

Lựa chọn bài hát

Tiêu chí lựa chọn các bài hát cho trẻ mầm non cần có các yếu tố: Đảm bảo tính nghệ thuật, đảm bảo tính giáo dục về ý thức bảo vệ môi trường, đảm bảo tính vừa sức.

Các bài hát được lựa chọn phải có sự đồng tâm phát triển, từ dễ đến khó, đảm bảo vừa sức, phù hợp với khả năng nhận biết về ý thức bảo vệ môi trường của trẻ. Ở lứa tuổi mầm non, khả năng cảm thụ âm nhạc của trẻ là rất tốt. Thông qua âm nhạc và các bài hát, giáo dục trẻ chủ động trong các hoạt động bảo vệ môi trường của mình. Qua nghiên cứu dựa trên các tiêu chí, đặc điểm tâm sinh lý của trẻ mầm non gắn với mục tiêu của giáo dục, tác giả xin đề xuất một số bài hát giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho trẻ trong trường mầm non như sau:

- "Ra vườn hoa" - sáng tác Văn Tấn;

- "Lý cây xanh" - dân ca Nam Bộ;

- "Cho tôi đi làm mưa với" - sáng tác Hoàng Hà;

- "Em yêu cây xanh" - sáng tác Hoàng Văn Yến;

- "Em yêu hòa bình" - sáng tác Nguyễn Đức Toàn;

- "Không xả rác" - sáng tác Đông Phương Trường;

- "Cá vàng bơi" - sáng tác Nguyễn Hải Hà.

- "Chúng em bảo vệ môi trường" - sáng tác Lương Văn Phong;

- "Điều đó tùy thuộc hành động của bạn" - sáng tác Vũ Kim Dung;

- "Không gian xanh" - sáng tác Nguyễn Đức Hiệp;

- "Chung tay bảo vệ môi trường" - sáng tác Võ Văn Lý;

- "Em đi trồng cây" - sáng tác Trần Chinh;

- "Tưới vườn" - sáng tác Trần Văn Cường;

- "Em yêu hòa bình" - sáng tác Nguyễn Đức Toàn.

-"Mỗi ngày đến trường là mỗi ngày vui"- sáng tác Nguyễn Văn Dương;

- "Em vẽ môi trường màu xanh" - sáng tác Giáng Tiên;

- "Trái đất này là của chúng mình" - sáng tác Trương Quang Lục;

- "Màu xanh" - sáng tác Hoàng Rapper, Tronie Ngô;

- "Vì cuộc sống tươi đẹp" - nhạc Bùi Anh Tú, thơ Nguyễn Trọng Hoàn;

- "Hãy giữ hành tinh xanh" - sáng tác Hoàng Rapper;

- "Tự hào Việt Nam luôn xanh tươi"- sáng tác Trần Thanh Dũng.

Giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho trẻ mầm non qua âm nhạc

Với nội dung phong phú, đa dạng của các bài hát thiếu nhi, trường mầm non cần lựa chọn đưa vào sử dụng trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của trẻ nhằm giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho trẻ. Các bài hát phải gắn liền với mọi thời điểm trong chế độ sinh hoạt của trẻ: trong giờ đón trẻ, trả trẻ; trong hoạt động học; hoạt động tham quan, dã ngoại; trong các ngày hội, ngày lễ…

Giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho trẻ mầm non bằng âm nhạc - Ảnh 2.

Thông qua âm nhạc, trẻ được củng cố, bổ sung những hiểu biết về môi trường sống, những việc làm

góp phần bảo vệ môi trường, hình thành ý thức, trách nhiệm với môi trường. Hình minh họa

Trong hoạt động học

Các bài hát thiếu nhi có nội dung giáo dục ý thức bảo vệ môi trường sẽ được thực hiện với các hoạt động âm nhạc như: ca hát, vận động theo nhạc, nghe nhạc, nghe hát, trò chơi âm nhạc và biểu diễn theo chủ đề. 

Ngoài ra, những bài hát đó còn được tích hợp trong các hoạt động học khác như: hoat động làm quen với tác phẩm văn học, hoạt động tạo hình, hoạt động khám phá khoa học về môi trường xung quanh…

Căn cứ vào tính chất, nội dung của từng bài hát, giáo viên đưa các bài hát thiếu nhi có nội dung giáo dục ý thức bảo vệ môi trường theo các chủ đề giáo dục để dạy trẻ. 

Khi thực hiện giáo viên cần cho trẻ quan sát bằng hình ảnh; nghe ghi nhớ giai điệu, lời ca bài hát; đàm thoại về tính chất âm nhạc, nội dung bài hát… Thông qua đó giáo dục trẻ, tạo cho trẻ ấn tượng đậm nét về môi trường xung quanh, kích thích sự hiểu biết về hành vi bảo vệ môi trường, khơi dậy tinh thần tích cực tham gia vào hoạt động bảo vệ môi trường.

Ví dụ 1: Chủ đề "Trường mầm non thân yêu của bé".

Hoạt động dạy hát: Bài hát "Không xả rác" - Sáng tác Đông Phương Trường

Sau khi giới thiệu tên bài hát, tên tác giả, nội dung bài hát, hát mẫu cho trẻ nghe và dạy cho trẻ hát giáo viên đặt câu hỏi: 

Các con thấy giai điệu của bài hát như thế nào? (Vui tươi) 

Bài hát nói lên điều gì? (các bạn cùng nhau dọn vệ sinh cho mái trường đẹp xanh, không xả rác bừa bãi, bỏ rác đúng nơi quy định) 

Để lớp học luôn gọn gàng sạch sẽ chúng ta phải làm sao? (Không để đồ chơi bừa bãi, chơi xong phải thu dọn để đúng nơi quy định ạ!)… 

Qua đó giáo viên giáo dục trẻ có ý thức bảo vệ môi trường bằng các công việc cụ thể như biết thu dọn đồ chơi để đúng nơi quy định, không xả rác bừa bãi, biết để rác đúng nơi quy định… cho môi trường, khuôn viên lớp học, trường học luôn sạch sẽ.

Ví dụ 2: Chủ đề "Thế giới thực vật"

Bài hát "Lí cây xanh" - Dân ca Nam Bộ

Qua giai điệu, nội dung của bài hát giáo viên đàm thoại, đặt câu hỏi: 

Cây xanh có tác dụng gì? (che bóng mát, có nhiều quả ngon, nhiều bông hoa đẹp) 

Chúng mình có yêu cây xanh không? 

Yêu cây xanh chúng mình phải làm gì? (phải trồng cây, tưới nước cho cây, không ngắt lá bẻ cành)

Thông qua nội dung bài hát, trẻ biết được tác dụng của cây xanh, trẻ biết yêu quý, bảo vệ cây xanh và bảo vệ môi trường.

Trong giờ đón, trả trẻ

Trong giờ học buổi sáng, giờ đón trẻ là lúc âm nhạc phát huy lợi thế tạo không khí vui vẻ, hứng khởi, lôi cuốn trẻ đến trường. Nhà trường có thể sử dụng các bài hát cho trẻ nghe có nội dung liên quan đến các hoạt động bảo vệ môi trường trong chương trình tuần lễ bảo vệ môi trường, trồng cây xanh, chủ đề bảo vệ môi trường như:

- Bài hát "Hãy giữ hành tinh xanh" - sáng tác Hà Mai Tân.

- Bài hát "Chúng em bảo vệ Môi trường" - sáng tác Lương Văn Phong.

- Bài hát "Điều đó tùy thuộc hành động của bạn" - sáng tác Vũ Kim Dung.

- Bài hát "Trái đất này là của chúng mình" - sáng tác Trương Quang Lục.

Hoạt động ngoài trời 

Ở hoạt động ngoài trời giáo viên cho trẻ nghe và hát các bài hát thiếu nhi có nội dung giáo dục ý thức bảo vệ môi trường với giai điệu vui tươi, trong sáng, nội dung gần gũi, phù hợp với phong cảch thiên nhiên giáo dục trẻ thông qua nội dung, lời ca của bài hát.

Ví dụ 1: Hoạt động ngoài trời - Chủ đề: Thế giới thực vật - Nội dung: Quan sát cây xanh

Sau khi cho trẻ quan sát các cây xanh che bóng mát, cây ăn quả (cây xoài, cây bàng.. ) cô cho trẻ hát bài "Em yêu cây xanh"; quan sát cây hoa cho trẻ hát bài "Màu hoa". Thông qua đó giáo dục trẻ có ý thức chăm sóc và bảo vệ cây và hoa, không hái hoa, ngắt lá, bẻ cành. Hình thành cho trẻ tình yêu thiên nhiên, cuộc sống...

Ví dụ 2: Hoạt động ngoài trời: Nhặt lá vàng rơi

Giáo viên cho trẻ vừa nhặt lá rơi trên sân trường vừa hát vè theo tiết tấu âm nhac:

Ve vẻ vè ve

Thấy lá vàng rơi

Cùng nhau thi đua

Nhặt lá vàng rơi

Sân trường thêm sạch

Thêm sạch ấy mà thêm sạch…

Những câu hò vè trên đã kích thích giúp cho trẻ hứng thú khi hoạt động; nội dung của bài vè đã giáo dục trẻ nhận thức phải giữ gìn bảo vệ môi trường sạch ở mọi nơi và phát triển tính sáng tạo, thẩm mỹ cho trẻ với mọi sự vật trong thiên nhiên; đồng thời giúp trẻ phát triển ngôn ngữ rèn luyện phát âm chuẩn hơn các từ khó như chữ "v, r".

Trong hoạt động chiều

Cho trẻ tham gia một số hoạt động chiều như: Hát một số bài hát mới có nội dung giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, đọc thơ, đồng dao, giải câu đố, chơi một số trò chơi có âm nhạc kết hợp. 

Hoặc cho trẻ nghe băng đĩa, video các bài hát giáo dục ý thức bảo vệ môi trường. Giáo viên đàm thoại trò chuyện cùng trẻ về tính chất âm nhạc, nội dung bài hát… thông qua đó giáo dục trẻ, giúp trẻ hứng thú và thoải mái sau một ngày học tập.

Trong hoạt động dạo chơi, tham quan

Thông qua các hoạt động dạo chơi, tham quan, các bé được tiếp xúc và thể hiện thái độ trực tiếp của mình với môi trường sống. Vì vậy, giáo viên cần kết hợp những bài hát có nội dung bảo vệ môi trường cho trẻ vừa đi vừa hát để tạo không khí sôi nổi, đoàn kết, đồng thời giáo dục trẻ thông qua nội dung bài hát.

Ví dụ: Khi đi tham quan công viên giáo viên cho trẻ hát bài hát "Ra chơi vườn hoa" - Sáng tác: Văn Tấn. 

Sau khi trẻ hát xong giáo viên đặt câu hỏi: 

Các con thấy trong bài hát có nhắc đến ai? Nhắc đến hình ảnh nào? 

Bài hát muốn nhắc nhở chúng ta điều gì nhỉ?

Thông qua bài hát, trẻ được cảm nhận về cái đẹp xung quanh mình, từ đó trẻ hình thành ý thức bảo vệ môi trường, không ngắt hoa bẻ cành, gìn giữ vẻ đẹp chung của khuôn viên trường lớp nói riêng và khuôn viên nôi công cộng nói chung.

Trong các ngày hội, ngày lễ

Hoạt động ngày hội, ngày lễ là hình thức giúp trẻ thâm nhập vào cuộc sống xã hội trong những thời điểm có ý nghĩa nhất. Ngoài ra, bằng việc tham gia vào các hoạt động ngày lễ, ngày hội trẻ được ôn luyện củng cố kiến thức, kỹ năng học; rèn luyện ý thức tổ chức kỉ luật, sự kết hợp, chia sẻ cùng những người bạn. Bởi vậy, sử dụng các bài hát thiếu nhi để giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho trẻ trong các ngày lễ, ngày hội ở trường mầm non là rất hiệu quả.

Sử dụng các bài hát có nội dung giáo dục ý thức bảo vệ môi trường trong các ngày lễ, ngày hội ở trường mầm non qua các hình thức:

Một là, cho trẻ nghe các bài hát có nội dung giáo dục ý thức bảo vệ môi trường trước và sau khi tiến hành lễ, hội.

Hai là, đưa bài hát có nội dung giáo dục ý thức bảo vệ môi trường vào chương trình văn nghệ ngày lễ, ngày hội.

Đưa bài hát có nội dung giáo dục ý thức bảo vệ môi trường vào chương trình văn nghệ ngày lễ, ngày hội với tiết mục đơn ca, tốp ca, tốp ca hát múa… Người dẫn chương trình cần đưa nội dung bài hát làm lời dẫn dắt, giới thiệu cho tiết mục để giúp trẻ nắm và hiểu được nội dung của bài hát, giáo dục trẻ thông qua nội dung bài hát.

Các ngày lễ ngày hội được tổ chức ở trường mầm non như: Ngày Khai giảng; Ngày Nhà giáo Việt Nam; Tết Trung thu; Giáng sinh; Tết Nguyên đán; Ngày Quốc tế Phụ nữ; Ngày Quốc tế Thiếu nhi; Lễ Bế giảng năm học;…

Trong các ngày lễ, ngày hội có các hoạt động biểu diễn như hát, múa, múa rối, các hoạt động trồng cây, vệ sinh trường lớp, chăm bón cây xanh, làm sạch nguồn nước, tuyên truyền vận động khu dân cư, các bậc phụ huynh tham gia vào hoạt động bảo vệ môi trường, tạo cho trẻ một môi trường học tập trong lành và an toàn. Góp phần nâng cao ý thức và hành vi bảo vệ môi trường cho trẻ em nói riêng và môi trường sống của chúng ta nói chung.

Việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho trẻ mầm non thông qua các bài hát thiếu nhi rất thiết thực. Chính giai điệu, ca từ vui tươi trong sáng của các bài hát đã nhẹ nhàng đi vào tâm hồn trẻ thơ giúp trẻ yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống; từ đó có ý thức tham gia bảo vệ môi trường. 

Giáo dục bảo vệ môi trường cho trẻ mầm non là quá trình giáo dục có mục đích nhằm phát triển những hiểu biết sơ đẳng về môi trường, có sự quan tâm đến vấn đề môi trường phù hợp với lứa tuổi, được thể hiện qua những kiến thức, thái độ, hành vi của trẻ đối với môi trường xung quanh.

Tài liệu tham khảo

1. Trần Hữu Du (1983), Giáo dục âm nhạc trong trường mẫu giáo, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội.

2. Lê Thị Đức - Lý Thu Hiền - Phạm Thị Hòa (2003), Các hoạt động âm nhạc của trẻ mầm non, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội.

3. Phạm Thị Hoà (2008), Giáo trình tổ chức hoạt động âm nhạc cho trẻ mầm non, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.

4. Lý Thu Hiền (1996), Bài soạn hướng dẫn trẻ mẫu giáo hoạt động âm nhạc, Nhà xuất bản Hà Nội, Hà Nội.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/giao-duc-y-thuc-bao-ve-moi-truong-cho-tre-mam-non-bang-am-nhac-179221108163449692.htm