Giáo dục cảm xúc xã hội có quan trọng đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn?

08:56 - 20/12/2023

Việc tập trung vào giáo dục cảm xúc xã hội dành cho trẻ em xuất thân từ gia đình thu nhập thấp hầu như không giúp thu hẹp khoảng cách về kết quả học tập của chúng so với các bạn cùng lứa đến từ gia đình khá giả hơn.

Giáo dục cảm xúc xã hội không giúp thu hẹp khoảng cách về kết quả học tập của học sinh đến từ gia đình thu nhập thấp so với các bạn cùng trang lứa đến từ gia đình giàu có hơn. Ảnh: davidf/Getty Images

Giáo dục cảm xúc xã hội không giúp thu hẹp khoảng cách về kết quả học tập của học sinh đến từ gia đình thu nhập thấp so với các bạn cùng trang lứa đến từ gia đình giàu có hơn. Ảnh: davidf/Getty Images

Giáo dục cảm xúc xã hội có thể cải thiện kết quả học tập của học sinh có hoàn cảnh khó khăn?

Theo The Guardian, một nghiên cứu cho thấy việc giáo dục cảm xúc xã hội về tính cách, sự kiên trì và kiên cường trong trường học có giá trị nhưng không giúp xóa bỏ khoảng cách về thành tích học tập giữa những những học sinh có hoàn cảnh khó khăn và các bạn cùng trang lứa đến từ gia đình khá giả hơn.

Theo đó, trong những năm gần đây, các nhà hoạch định chính sách ở Anh và các nơi khác trên thế giới đã tập trung vào việc giáo dục cảm xúc xã hội cũng như chú trọng vào sự phát triển nhân cách như một cách cải thiện việc học tập cho học sinh, đặc biệt là ở trẻ em xuất thân từ gia đình có thu nhập thấp.

Tuy nhiên, một nghiên cứu của các học giả từ các trường đại học Cambridge, Zurich và Tubingen đã phát hiện ra rằng, tính cách, thái độ hoặc tư duy không liên quan nhiều đến kết quả học tập của học sinh có hoàn cảnh khó khăn. 

Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu được thu thập bởi chương trình đánh giá học sinh quốc tế (Pisa) vào năm 2018 từ hơn 240.000 học sinh 15 tuổi trên 74 quốc gia và nhận thấy sự khác biệt trung bình về kết quả khoa học giữa học sinh giàu và nghèo là rất lớn.

Mặc dù trung bình học sinh xuất thân từ gia đình có điều kiện có kỹ năng cảm xúc xã hội cao hơn, nhưng điều đó không tác động nhiều đến thành tích học tập của họ. Các nhà nghiên cứu tính toán rằng, nếu những học sinh có hoàn cảnh khó khăn có cùng kỹ năng cảm xúc xã hội như những học sinh giàu có hơn và kết quả học tập hoàn toàn giống nhau thì khoảng cách giữa họ sẽ chỉ còn 9%, có thể là ít hơn.

Tác giả chính của nghiên cứu, Tiến sĩ Rob Gruijters của Đại học Cambridge, cho biết: "Sự bất bình đẳng về giáo dục không thể được giải quyết thông qua học tập cảm xúc xã hội. Việc cho rằng trẻ em có thể khắc phục những bất lợi bằng cách nuôi dưỡng tư duy phát triển và đạo đức đã bỏ qua những hạn chế thực sự mà nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn phải đối mặt. Đồng thời cách giáo dục này có chiều hướng đổ lỗi cho các em về sự bất hạnh của chính mình".

Đồng tác giả Nicolas Hubner, trợ lý giáo sư tại Viện Giáo dục thuộc Đại học Tubingen, nói thêm: "Phát triển các kỹ năng cảm xúc xã hội là vô cùng có giá trị đối với trẻ em, nhưng bằng chứng cho thấy nó ít liên quan đến việc học sinh đến từ gia đình thu nhập thấp gặp khó khăn trong học tập. Theo kết quả nghiên cứu của chúng tôi, giáo dục cảm xúc xã hội không phải là liều thuốc kỳ diệu để thu hẹp khoảng cách về kết quả học tập giữa các học sinh".

Thay vào đó, các nhà nghiên cứu kêu gọi các chính trị gia hãy tập trung vào các lý do mang tính cơ cấu dẫn đến thành tích học tập của trẻ em nghèo thường thấp hơn, bao gồm sự khác biệt về chất lượng, nguồn lực, tài chính của các trường mà họ theo học và cơ hội ngoài trường học cho họ cũng ít hơn so với các bạn cùng lứa giàu có hơn.

Paul Whiteman, tổng thư ký hiệp hội lãnh đạo trường học NAHT, cho biết: "Các trường học đã nỗ lực rất nhiều để cố gắng giảm thiểu tác động của hoàn cảnh bất lợi đối với học sinh của mình, nhưng họ không thể giải quyết các nguyên nhân cơ bản dẫn đến nghèo đói cũng như xóa bỏ mọi tác động của nó đối với sự phát triển của trẻ em".

Tuy nhiên, Lee Elliot Major, giáo sư về di động xã hội tại Đại học Exeter, cho rằng: "Điều cực kỳ quan trọng là chúng ta phải giải quyết những khoảng cách kinh tế xã hội rõ rệt bằng cách giáo dục kỹ năng cảm xúc xã hội bởi chúng cần thiết cho sự hưng thịnh trong cuộc sống".

Ông cho biết nghiên cứu mới của Quỹ Nuffield sẽ công bố vào năm tới sẽ chứng minh rằng, các kỹ năng cảm xúc xã hội cũng quan trọng đối với triển vọng cuộc sống như kỹ năng học tập. 

Học tập cảm xúc xã hội là quá trình mà qua đó tất cả trẻ em, thanh thiếu niên và người trưởng thành tiếp thu và áp dụng kiến thức, kỹ năng và thái độ để phát triển nhận thức về bản thân, quản lý cảm xúc và đạt được các mục tiêu cá nhân và tập thể, cảm thấy và bộc lộ được sự đồng cảm với người khác, thiết lập và duy trì các mối quan hệ tích cực, đồng thời đưa ra các quyết định đầy quan tâm và có trách nhiệm.

Nguồn: The Guardian

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/giao-duc-cam-xuc-xa-hoi-co-quan-trong-doi-voi-hoc-sinh-co-hoan-canh-kho-khan-17923121922442121.htm