Gia tốc phát triển của trẻ em trong xã hội hiện đại
Sự phát triển vượt trội về phương diện sinh lý và tâm lý của thế hệ trẻ cuối thập niên 60 với thế hệ trẻ trước đó 20 năm được các nhà tâm lý học gọi là hiện tượng gia tốc phát triển.
Vào cuối thập niên 1960 – 1969, tôi ngồi ở thư viện Usinskji (Moska – Nga) để tìm đọc về xu hướng chọn nghề của học sinh phổ thông các nước Châu Âu. Khi giở tập tạp chí "Khoa học và đời sống" (bản tiếng Nga), đập vào mắt tôi tên một bài báo: "Gia tốc phát triển ở trẻ em". Bài báo vẽ hai cậu bé cùng 10 tuổi, cậu thứ nhất lớn lên trong những năm bom đạn ác liệt của Đại chiến thế giới lần thứ II. Nó 10 tuổi vào năm 1940, khi thế chiến II bắt đầu trước đó ít lâu. Đứa thứ hai tròn 10 tuổi vào năm 1965, khi trên bầu trời đã có vệ tinh nhân tạo và cuộc thám hiểm mặt trăng đã được trao cho Amstrong, người sẽ đi trên con tàu Apollo 11, hạ cánh xuống mặt trăng sau đó không lâu.
Để có ấn tượng trực quan cho người đọc, tác giả vẽ bộ quần áo học sinh phổ thông của cậu bé thứ nhất được cậu bé thứ hai mặc. Cái áo ngắn đến rốn với ống tay áo chỉ phủ kín 2 khuỷu tay, và ống quần thì cũn cỡn, y như người ta mặc quần short lửng vậy.
Cái áo của 20 năm trước đã chật ở hiện tại!
Sự phát triển vượt trội về phương diện sinh lý và tâm lý của thế hệ trẻ cuối thập niên 60 với thế hệ trẻ trước đó 20 năm được các nhà tâm lý học gọi là hiện tượng gia tốc phát triển.
Gia tốc phát triển ở trẻ - thách thức của giáo dục
Vào những năm 60 của thế kỷ trước, với sự phát triển rầm rộ của nền công nghiệp Châu Âu để nhanh chóng phục hồi nền kinh tế đã bị chiến tranh hủy hoại, đời sống xã hội cũng được cải thiện rõ rệt. Những đứa trẻ ở lứa tuổi nhi đồng và thiếu niên nhờ đó đã có chiều cao và sức nặng tăng lên đáng kể. Về phương diện tâm lý, những cuộc cải cách hồi bấy giờ đã giúp cho thế hệ trẻ phát triển nhanh về nhận thức, tăng nhanh về khối lượng kiến thức và các quá trình tâm lý như năng lực kỹ thuật, tư duy sáng tạo, thói quen công nghiệp... đã có những bước tiến ngoạn mục.
Trong đời sống của thế hệ trẻ có một mâu thuẫn mới: Khi đời sống tâm lý và sự phát triển thể chất diễn ra sớm hơn trước thì sự vào đời để tham gia vào thế giới nghề nghiệp lại phải kéo dài thêm thời gian. Điều đó có nghĩa là, đứa trẻ có khả năng sinh đẻ rất sớm vì hiện tượng dậy thì và quan hệ luyến ái giữa các học trò ở cấp phổ thông cơ sở rất dễ xảy ra. Cùng với việc soạn những chương trình và bài giảng về giáo dục giới tính, bất đắc dĩ nhiều trường phổ thông trên thế giới đã phải khuyên học sinh gái uống thuốc tránh thai nhằm không để các em không bị ngắt quãng thời gian đi học do thai nghén và sinh nở.
Thời kỳ làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô những năm 1968 – 1971, tôi phải đọc nhiều cuốn chuyên khảo Tâm lý học lứa tuổi, trong đó, họ mô tả tuổi thiếu niên với những đặc điểm của thế hệ có gia tốc phát triển so với thế hệ sinh ra trong Đại chiến thế giới lần thứ II như thiếu niên muốn thể hiện mình là người lớn, lứa tuổi cường điệu năng lực của mình, lứa tuổi rất dễ tự tử v.v...
Ở Việt Nam lúc đó, tại các khóa đào tạo về Tâm lý học, các sách về Tâm lý học lứa tuổi hoàn toàn là tài liệu dịch từ các cuốn chuyên khảo của Liên Xô. Ngoài ra, các sách Tâm lý học giai đoạn này rất đề cao lý thuyết của Vygotskji, Blonskji... tôn sùng lý thuyết hoạt động của Leontiev, Elkonin, Davydov... Tôi được đào tạo về Tâm lý học kỹ thuật, theo quan điểm học thuật của Lomov, Platonov..., nên chỉ quan tâm đến tâm lý con người trong quan hệ người – máy, đến lao động của người thợ trong môi trường sản xuất dây chuyền. Vì thế, về đặc trưng tâm lý của nhi đồng và thiếu niên giai đoạn đó, tôi không thấy có sách nào của Nga nói đến xu hướng của trẻ đối với những lĩnh vực công nghệ mới như hàng không, sử dụng năng lượng nguyên tử, sản xuất tự động hóa và du hành vũ trụ.
Dù sao thì những bài viết trên sách báo lúc bấy giờ về "gia tốc phát triển" cũng đặt ra trong nhận thức của tôi rằng, nếu tâm lý học lứa tuổi cứ "nhàng nhàng" như vậy thì sẽ không thể là một gợi ý tốt về một cuộc cách mạng giáo dục.
Tâm tư này của tôi đã giúp tôi tò mò hơn về thế hệ trẻ thời đại số của chúng ta, ở chúng đã thể hiện những đặc trưng của gia tốc phát triển trong thế giới công nghệ hiện đại, nhất là thế hệ Alpha và thế hệ Z so với thế hệ Y, X như thế nào. Hơn nữa, việc dạy Tâm lý học và Giáo dục học ở Việt Nam lúc này đã viết về các thế hệ sẽ làm chủ đất nước vào năm 2045 – 2050 ra sao.
Tôi giành một số thời gian để tìm hiểu về sự đánh giá của thế giới đối với thế hệ Alpha và với thế hệ Z. Năm mới 2023 vừa mới bắt đầu, đứa trẻ lớn tuổi nhất của thế hệ Alpha bắt đầu vào lớp 6, còn đứa trẻ nhỏ nhất của thế hệ Z năm nay chuẩn bị lên lớp 7. Khi đứa trẻ đầu tiên của thế hệ Alpha chào đời và đứa bé nhất của thế hệ Z vào học lớp Một, trong xã hội xuất hiện chiếc ipad cùng với một dịch vụ mạng xã hội chia sẻ hình ảnh và video với cái tên Instagram được thành lập, Chương trình xây dựng xí nghiệp thông minh ở Cộng hòa Liên bang Đức (Industry 4.0) mới bắt đầu được hiểu biết rộng rãi ở những nước phát triển.
Những đứa trẻ này mở mắt chào đời đã thấy vây quanh nó những thiết bị có màn hình như máy tính bảng, ipad, điện thoại thông minh, máy tính để bàn và máy tính xách tay, vô tuyến truyền hình... Vì thế, bọn "tí nhau" Alpha được gọi bằng nhiều cái tên vừa lạ, vừa đáng yêu: Thế hệ kính, thế hệ màn hình, được coi là những lớp người mà năng lực kỹ thuật số hầu như là bẩm sinh.
Một suy ngẫm thế này: Tôi ngoài 20 tuổi mới học chụp ảnh. Máy ảnh cơ ngày trước chụp bằng phim nhựa, mỗi cuộn phim chụp được 36 ảnh. Hôm nay chụp vài ảnh, mai chụp vài ảnh..., có khi cả tuần mới chụp hết cuốn phim. Lúc đó, tôi mới tháo phim ra khỏi máy, tráng phim bằng thuốc chuyên dụng, rồi từ phim mới in ảnh. Muốn làm ảnh từ A đến Z, có khi phải mấy ngày, mà sơ ý là ảnh non ánh sáng sẽ trắng bợt, già ánh sáng sẽ tối om. Nếu đến hiệu ảnh chụp, có khi họ ghi giấy hẹn đến cả tuần. Còn muốn ảnh màu thì thợ ảnh phải bôi màu lên ảnh, mất thì giờ hơn.
Tụi nhỏ ngày nay sống trong điều kiện muốn gì thường được đáp ứng ngay. Chúng chụp ảnh bằng điện thoại di động, chụp và gửi đi cho ai đó đang ở bên Nga, bên Mỹ, tất cả chỉ vài phút. Chúng không hiểu ngày trước đi chụp ảnh sao mà lâu mới có kết quả đến vậy.
Sự gia tốc công nghệ chỉ diễn ra trong vài chục năm trời, giữa 2 thế hệ.
Bọn trẻ Alpha và Z vượt trội lứa đàn anh Y về năng lực số, về học ngoại ngữ, về những hoạt động học hành, sinh hoạt xã hội được tổ chức trực tuyến. Chúng được nuôi dưỡng rất khác thế hệ trước. Ở nhà trẻ, lớp mẫu giáo hay trong gia đình, khi chúng khóc, người lớn đưa cho chiếc điện thoại, thế là nín ngay. Để dạy hát, người lớn bật máy, trên màn hình có người vừa hát vừa nhảy, bọn trẻ ào ào làm theo. Người ta bảo, chẳng có cô bảo mẫu nào dỗ trẻ và dạy trẻ như "cô ipad", "cô tablet". Bọn trẻ gắn kết với máy tính, đừng có bao giờ nghĩ đến việc ngăn cản thành công khi muốn tách chúng ra khỏi những thiết bị di động thông minh.
Bọn trẻ kết nối với ông bà rất nhanh qua mạng nhưng chúng cũng ngắt kết nối rất nhanh khi không hứng thú tương tác với người già. Nhiều trẻ chưa hết tuổi nhi đồng đã là chủ sở hữu các kênh mạng xã hội đông đảo người xem, thành thạo là một youtuber, streamer (cung cấp thông tin, hình ảnh, dịch vụ trực tuyến)...
Tôi tìm đọc một số tài liệu trong nước viết về tuổi thiếu niên (11 – 15 tuổi), có tài liệu viết rằng: "Bằng cách trắc nghiệm, người ta thấy tính hay lo lắng ở thiếu niên đã tăng lên rõ rệt (từ 12 tuổi đến 16 tuổi). Mặt khác, lứa tuổi từ 14 đến 18 tuổi là lứa tuổi khủng hoảng về tâm thần".
"Nên kiểm tra tất cả thiếu niên về rối loạn tâm thần như trầm cảm, rối loạn lưỡng cực lo lắng. Tỷ lệ mắc rối loạn về sức khỏe tâm thần tăng lên ở lứa tuổi thiếu niên, đầu tuổi thanh niên có thể dẫn đến ý tưởng hoặc hành vi tự sát. Rối loạn tâm thần, chẳng hạn như rối loạn phân liệt thường xuất hiện ở tuổi thiếu niên muộn. Rối loạn ăn uống như là chán ăn tâm thần, ăn vào là nôn ra là khá phổ biến ở bé gái..."
"Ở lứa tuổi thiếu niên có sự mất cân đối giữa hệ thống tín hiệu thứ nhất với hệ thống tín hiệu thứ hai, phản xạ có điều kiện đối với tín hiệu trực tiếp được hình thành nhanh hơn so với phản xạ có điều kiện đối với tín hiệu từ ngữ. Do đó, ngôn ngữ của thiếu niên hay thay đổi, lúc thì nói chậm, lắp bắp, nhát gừng, lúc thì nói nhanh, nuốt lời, mất chữ...".
Đọc xong các đoạn này, tôi cảm thấy, nếu đúng thiếu niên của ta hiện nay là như vậy thì những lớp con cháu ở các thế hệ sau cách chúng ta hiện nay hai ba chục năm nữa sẽ "con... thua cha!". Chúng ta sẽ tụt hậu tận đâu khi những đứa trẻ Alpha ở Mỹ, Pháp, Đức, Thụy Điển, Nhật Bản trở thành những công dân toàn cầu, sống trong ngôi nhà toàn cầu.
Hy vọng rằng, thuật ngữ gia tốc phát triển acceleration không còn xa lạ khi chúng ta đề cập đến vấn đề phát triển của trẻ em Việt Nam như bao trẻ trên thế giới. Hy vọng tài liệu tôi đúc rút lại trên đây sẽ giúp cho việc hoạch định những kế hoạch tương lai về giáo dục.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/gia-toc-phat-trien-cua-tre-em-trong-xa-hoi-hien-dai-179230208170433357.htm