GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng 3,7 lần sau 19 năm

20:42 - 09/06/2022

Từ mức 547 USD vào năm 2002, đứng thứ 160/195 thế giới, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng 3,7 lần lên mức 3.743 USD vào năm 2021.

Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP Việt Nam năm 2021 đạt khoảng 368 tỷ USD, đứng thứ 5 trong khu vực và thứ 41 trên thế giới.

Top 10 quốc gia có GDP bình quân đầu người lớn nhất thế giới gồm có: Luxembourg (131.302 USD), Ireland (102.394 USD), Thụy Sĩ (93.515 USD), Na Uy (82.244 USD), Mỹ (69.375 USD), Iceland (68.844 USD), Đan Mạch (67.920 USD), Singapore (66.263 USD), Úc (62.619 USD) và Qatar (61.791 USD).

Xét về GDP bình quân đầu người, Singapore là nước dẫn đầu trong nhóm các nước khu vực Đông Nam Á, đạt khoảng 66.263 USD, xếp thứ 8 trên thế giới.

Trong khi đó, GDP bình quân đầu người của Việt Nam trong năm 2021 đạt khoảng 3.743 USD, đứng thứ 6 trong khu vực và thứ 124 trên thế giới. Sau Việt Nam, Philippines, Lào, Campuchia và Myanmar có thứ hạng trên thế giới về GDP bình quân đầu người lần lượt là 129, 139, 156 và 164.

Hiện nay, GDP bình quân của Singapore, Brunei, Malaysia, Thái Lan và Indonesia xếp trên Việt Nam. GDP bình quân của Singapore, Brunei, Malaysia, Thái Lan, Indonesia đang gấp lần lượt là 16 lần, 8 lần, 3 lần, 2 lần và 1,2 lần so với GDP bình quân của Việt Nam.

GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng 3,7 lần sau 19 năm - Ảnh 2.

GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng 3,7 lần sau 19 năm. Ảnh: TTXVN

Trên quy mô thế giới, GDP bình quân đầu người của Việt Nam từng ở mức 547 USD và xếp thứ 160/195 vào năm 2002. Sau 19 năm, con số này tăng 3,7 lần đạt 3.743 USD vào năm 2021.

Việt Nam đã tích cực phát triển kinh tế và cải thiện GDP bình quân đầu người qua nhiều năm. Giai đoạn 2021-2025, Việt Nam định hướng sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chủ yếu theo chiều sâu, hoàn thiện mô hình tăng trưởng đồng bộ trên cả phương diện kinh tế - kỹ thuật, kinh tế - xã hội và kinh tế - sinh thái.

Cùng với đó, Việt Nam sẽ thúc đẩy phát triển trên nền tảng đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy lợi thế so sánh và chủ động hội nhập quốc tế. Từ đó, Việt Nam góp phần đưa GDP bình quân tiệm cận với các nước lớn khác trong khu vực.

Trong năm 2022, Việt Nam phấn đấu đạt GDP bình quân đầu người khoảng 3.900 USD. Cùng với đó, theo Nghị quyết số 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của Chính phủ, Việt Nam phấn đấu GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt khoảng 4.700-5.000 USD.

Đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu sẽ trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 7.500 USD, người dân có chất lượng cuộc sống cao. Cùng với đó, đến năm 2045, Việt Nam đặt mục tiêu sẽ trở thành nước phát triển và có thu nhập cao.

                                                                                                                               PV (tổng hợp)

Nguồn: Tổng hợp

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/gdp-binh-quan-dau-nguoi-cua-viet-nam-tang-37-lan-sau-19-nam-179220609164718039.htm