EVN giải trình nguyên nhân báo lỗ nhưng vẫn có hàng vạn tỉ đồng gửi ngân hàng
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra hàng loạt nguyên nhân lý giải khoản lỗ hơn 26.000 tỉ đồng và việc xin tăng giá điện nhưng hàng loạt công ty con vẫn có hàng vạn tỉ đồng gửi ngân hàng.
Xin tăng giá điện nhưng vẫn có hàng vạn tỉ đồng gửi ngân hàng
EVN vừa có báo cáo gửi Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên, về một số nội dung liên quan đến tình hình sản xuất kinh doanh của tập đoàn được các đại biểu Quốc hội quan tâm tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Liên quan đến phản ánh của báo chí về việc "EVN xin tăng giá điện nhưng hàng loạt công ty con đưa hàng vạn tỉ đồng gửi ngân hàng", EVN cho biết, số tiền này cần được xem xét với số dư nợ ngắn hạn (hơn 60.000 tỉ đồng) tại cùng thời điểm của các công ty thành viên.
Theo EVN, các khoản dư nợ ngắn hạn tại các đơn vị là rất lớn. Đó là chưa tính đến các khoản dư nợ dài hạn. Nhu cầu trả nợ gốc và lãi vay trong năm rất cao nên đòi hỏi các đơn vị phải duy trì số dư đủ trả nợ đến hạn nhằm đảm bảo tín nhiệm tín dụng cho các khoản vay trong thời gian tới.
Ngoài ra, số dư tiền gửi trên được dùng để thanh toán trả nợ cho các nhà cung cấp, thanh toán tiền mua điện cho các nhà máy điện mặt trời mái nhà và nhà máy thuỷ điện nhỏ vào đầu tháng sau theo các hợp đồng đã ký kết.
Ngoài ra, số tiền này cũng dùng để đầu tư hệ thống phân phối - bán lẻ, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải (tiêu thụ điện năng) và chi phí cho sản xuất kinh doanh.
"Các tổng công ty điện lực phải chủ động cân đối dòng tiền phù hợp để đảm bảo thanh toán nợ gốc, lãi vay kịp thời cho các đơn vị tín dụng, thanh toán cho các nhà cung cấp, các nhà máy điện theo quy định và có trách nhiệm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của đơn vị", EVN cho biết.
Vì sao phải nhập khẩu điện trong khi có thể huy động các nguồn năng lượng tái tạo?
Về nguyên nhân nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc mà không mua điện gió và điện mặt trời, EVN cho biết, sản lượng điện nhập khẩu tương đối nhỏ, trong đó nhập từ Lào khoảng 7 triệu kWh/ngày, Trung Quốc 4 triệu kWh/ngày.
Sản lượng điện toàn quốc là trên 850 triệu kWh/ ngày, riêng miền Bắc là 450 triệu kWh/ngày. Tổng sản lượng điện nhập khẩu khoảng hơn 10 triệu kWh/ngày nên tỷ trọng điện nhập khẩu rất thấp, chưa tới 1,3% toàn quốc.
Cũng theo EVN, năng lượng tái tạo thời gian qua phát triển mạnh nhưng chủ yếu chỉ nằm ở khu vực miền Trung và miền Nam. Trong khi khó khăn về cung cấp điện tại một số thời điểm lại diễn ra ở miền Bắc.
Đồng thời, do giới hạn về mặt kỹ thuật, vì phải bảo đảm vận hành an toàn các đường dây truyền tải điện 500 KV Bắc - Nam nên các nguồn điện bổ sung ở miền Trung và miền Nam không hỗ trợ được cho miền Bắc.
Về việc đàm phán, ký hợp đồng mua bán điện các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp, EVN giải trình, đến ngày 31/5/2023, có 50 dự án với tổng công suất hơn 2.750MW chủ đầu tư đề nghị giá điện tạm thời bằng 50% giá trần của khung giá phát điện cho từng loại hình.
EVN đã trình Bộ Công Thương và được phê duyệt 40 dự án, với tổng công suất gần 2.400MW. Trong đó, 7 dự án/phần dự án với tổng công suất trên 430MW đã hoàn thành thủ tục công nhận vận hành thương mại và phát điện lên lưới.
Các dự án/phần dự án còn lại đang hoàn tất chương trình thử nghiệm, hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan để đủ điều kiện đưa vào vận hành trong thời gian sớm nhất.
EVN báo lỗ hơn 26.000 tỉ đồng năm 2022, nguyên nhân do đâu?
Về báo cáo tài chính, EVN cũng đã thông tin tới các đại biểu Quốc hội về khoản lỗ hơn 26.000 tỉ đồng của tập đoàn trong năm 2022.
Theo đó, giá bán lẻ theo biểu giá điện do Chính phủ quy định trong năm 2022 là 1.882,73 đồng/kWh. Trong khi đó giá thành mua điện từ các nhà máy điện (bao gồm chi phí truyền tải, phân phối, bán lẻ, phụ trợ) là 2.032,26 đồng/kWh.
Vì vậy, với mỗi kWh bán cho khách hàng, EVN lỗ 149,53 đồng/kWh. Do đó, năm 2022, số tiền EVN lỗ sản xuất kinh doanh điện là 36.294,15 tỉ đồng.
Nhờ có thu nhập từ các hoạt động khác liên quan tới sản xuất kinh doanh điện là 10.058,36 tỉ đồng, nên số lỗ tổng hợp năm 2022 của EVN là 26.235,78 tỉ đồng.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/evn-giai-trinh-nguyen-nhan-bao-lo-nhung-van-co-hang-van-ti-dong-gui-ngan-hang-179230607170627179.htm