Đưa nước uống có đường vào chịu thuế tiêu thụ đặc biệt: Cần phải xem xét tác dụng ngược
Tại Hội thảo Góp ý đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), các đại biểu, đại diện doanh nghiệp, hiệp hội đã tập trung vào việc phân tích thực trạng sử dụng nước uống có đường, tác động của việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với loại nước uống này.
Nếu đánh thuế nước uống có đường thì người tiêu dùng vẫn có thể tiêu thụ đường từ các sản phẩm khác
Theo Cổng Thông tin điện tử Quốc hội, sáng 5/7, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo Góp ý đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến từ các đại biểu, doanh nghiệp, hiệp hội đối với việc đưa nước uống có đường vào chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Lâm - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia nhấn mạnh: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thừa cân béo phì như chế độ dinh dưỡng không lành mạnh, tiêu thụ các thực phẩm giàu calories, thời gian ngồi tĩnh tại nhiều, ít vận động. Hiện chưa có nghiên cứu tìm thấy mối liên quan duy nhất của thừa cân béo phì với nước giải khát có đường.
Đường có trong nhiều nguồn thực phẩm khác nhau. Nước giải khát có đường không phải là nguồn cung cấp calories nhiều nhất trong các thực phẩm. Chưa có nghiên cứu nào xác định tiêu thụ nước giải khát có đường dễ dàng hơn so với tiêu thụ các thực phẩm có đường khác nên dẫn đến mức tiêu thụ đường từ nước giải khát có đường cao hơn so với tiêu thụ các thực phẩm có đường khác.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Lâm, có rất nhiều loại thực phẩm có chứa đường và hàm lượng calo cao tồn tại trên thị trường (bánh kẹo đều trên 300-400kcal/100g và kem trung bình lần lượt là trên 200kcal trong khi nước giải khát có đường là 44kcal/100g).
Kết quả khảo sát của Viện Dinh dưỡng năm 2018 cũng chỉ ra rằng, so với nước ngọt (21,6% ở khu vực nông thôn và 16,1% ở khu vực thành thị), tỷ lệ trẻ em tiêu thụ các sản phẩm có đường khác (bánh kẹo, kem chè…) còn cao hơn rất nhiều chiếm 51,1% ở khu vực thành thị và 56,4% ở khu vực nông thôn.
Các mặt hàng đồ uống không chính thức, sản xuất thủ công hoặc nhập lậu sẽ có điều kiện phát triển
Đề cập về nội dung trên, Phó Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN Vũ Tú Thành nêu quan điểm: Ở Việt Nam, ngoài nhóm đồ uống công nghiệp còn có sự tồn tại phổ biến của nhóm đồ uống đường phố. Đồ uống đường phố là phân khúc khó khả thi để thu thuế và quản lý về chất lượng hàng hoá, đặc biệt là về hàm lượng đường trong sản phẩm.
Tại Việt Nam, nhu cầu giải khát của người lao động phổ thông, người có thu nhập thấp là rất lớn. Vì vậy nếu như không tiêu thụ các loại đồ uống được sản xuất và lưu thông hợp pháp có hóa đơn thuế thì người tiêu dùng có thể tìm cách tiêu thụ đồ uống được sản xuất thủ công hoặc nhập lậu vốn rất phổ biến trên thị trường và có thể có giá thành rẻ hơn do không phải chịu thuế đặc biệt.
Do đó, việc bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ có tác động tiêu cực đến sự phát triển của ngành công nghiệp đồ uống và tạo điều kiện cho các mặt hàng đồ uống không chính thức, sản xuất thủ công hoặc nhập lậu phát triển, nhất là trong tình hình thu nhập giảm, lạm phát tăng cao như hiện nay.
Đồng thuận với quan điểm trên, Chủ tịch Hiệp hội Rượu, bia, nước giải khát Việt Nam Nguyễn Văn Việt cho rằng, nếu đánh thuế lên nước giải khát có đường thì người tiêu dùng có khả năng chuyển sang tiêu thụ các sản phẩm tương tự khác có lượng đường và calo bằng hoặc cao hơn.
Theo khảo sát về thói quen chọn lựa nước uống của người tiêu dùng thực hiện năm 2018 của Decision Lab, nếu đánh thuế thì sẽ có 49% người tiêu dùng sẽ chuyển sang dùng các sản phẩm thay thế là nước uống chế biến tại chỗ có đường, đây là nguồn đồ uống khó kiểm soát về chất lượng và hàm lượng đường và khả năng thu thuế của cơ quan nhà nước từ các nguồn này là không khả thi. Vậy nên cần phải xem xét tác dụng ngược của hiệu ứng thay thế này.