Dự thảo Luật Nhà giáo: Nhìn đâu cũng thấy vướng?
Nhiều giáo viên trong bàn luận, góp ý cho dự thảo Luật Nhà giáo cho rằng nhiều nội dung trong dự thảo Luật trái với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Điều này làm dấy lên lo ngại, liệu Luật Nhà giáo có thể được Quốc hội thông qua nhanh chóng hay không.
Tại dự Luật Nhà giáo mới nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo (cơ quan soạn thảo) đã thiết kế 10 chính sách của nhà nước về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo với nhiều ưu đãi.
Đề xuất giáo viên được tăng một bậc khi xếp lương lần đầu
Đáng chú ý, nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng một bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Theo ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đề xuất tăng một bậc lương cho giáo viên mới được tuyển dụng cũng xuất phát từ thực tế.
Theo đó, giáo viên trẻ hiện có lương khởi điểm thấp. Người có bằng đại học hưởng hệ số lương 2,34, tổng thu nhập của nhiều giáo viên ở mức 6,8 triệu đồng. Người có bằng cao đẳng ra trường nhận mức thấp hơn.
Theo tính toán, nếu tăng một bậc, lương giáo viên cũng chỉ cao hơn 14% so với các ngành, nghề khác.
Tuy vậy, đề xuất này trái với quy định của Nghị định 115/2020/NĐ-CP. Cụ thể, theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Nghị định 115/2020/NĐ-CP, trong thời gian tập sự, người tập sự được hưởng 85% mức lương bậc 1 của chức danh nghề nghiệp tuyển dụng.
Riêng trường hợp, người tập sự có trình độ thạc sĩ phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm tuyển dụng thì được hưởng 85% mức lương bậc 2 của chức danh nghề nghiệp tuyển dụng.
Nếu làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, làm việc trong ngành, nghề độc hại, nguy hiểm, hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia công an nhân dân… thì được hưởng 100% mức lương bậc 2 của chức danh nghề nghiệp được tuyển dụng.
Đề xuất nhà giáo vẫn được hưởng phụ cấp thâm niên
Về chính sách tiền lương, phụ cấp, Điều 25 dự thảo Luật Nhà giáo (lần 5) quy định như sau: "Nhà giáo ở cơ sở giáo dục công lập hưởng lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Đồng thời hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng."
Thế nhưng, tại Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 có nêu ra nội dung về các khoản phụ cấp bị bãi bỏ khi thực hiện cải cách tiền lương như sau (trích):
"Sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành, bảo đảm tổng quỹ phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương". "Bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu để bảo đảm tương quan tiền lương với cán bộ, công chức)."
Như vậy, khi thực hiện cải cách tiền lương, Nhà nước sẽ xây dựng 5 bảng lương mới theo vị trí việc làm áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Trong đó, sẽ bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề đối với cán bộ, công chức (trong đó có giáo viên), viên chức khi sắp xếp lại các chế độ phụ cấp bảo đảm tổng quỹ phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương.
Đề xuất giáo viên mầm non có thể nghỉ hưu trước 55 tuổi
Trong dự Luật Nhà giáo mới nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non, trường lớp dành cho người khuyết tật có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định và không bị trừ tỉ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.
Nhưng, tại phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, góp ý về nội dung liên quan đến nhà giáo có thể nghỉ hưu trước 55 tuổi (nhưng không bị trừ tỉ lệ lương hưu), Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị xem xét lại.
Bởi vì ông cho rằng, nếu quy định như vậy sẽ phải sửa Luật Bảo hiểm xã hội và đây là điều không nên. Ông cho rằng nên có chính sách khác, còn quy định như vậy sẽ là "đặc quyền, đặc lợi và mâu thuẫn Luật Bảo hiểm xã hội vừa mới thông qua".
Còn Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng cho rằng vấn đề đề xuất nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ hưu và không trừ tỉ lệ lương hưu như quy định trong dự luật sẽ khác với quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội.
Ông nói phải có lý giải hết sức thuyết phục và việc gì cần phải thực hiện khác và trong trường hợp có quy định thực hiện khác cần có đề xuất sửa đổi đồng bộ ở các luật, nếu không sẽ không thực hiện được.
"Nếu quy định giáo viên mầm non nghỉ hưu trước 5 tuổi và được giữ nguyên tỉ lệ lương hưu không bị trừ, đó là quy định khác với Luật Bảo hiểm xã hội và phải được sửa đổi đồng bộ.
Chúng ta nghiên cứu chính sách như thế nào, còn tôi thấy giáo viên mầm non rất vất vả", ông Tùng nêu.
Còn Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cũng đề nghị ban soạn thảo cân nhắc kỹ lưỡng và tiếp thu tối đa ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để quy định việc này.
Nếu dự thảo Luật Nhà giáo được thông qua, giáo viên có còn là viên chức?
Ngày 01/9/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết 126/NQ-CP năm 2024 về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8 năm 2024; trong đó có những nội dung quyết nghị liên quan đến dự án Luật Nhà giáo.
Theo đó, tại Mục 5 Nghị quyết 126/NQ-CP năm 2024 có nêu cụ thể về dự án Luật Nhà giáo như sau (trích): "Tách nhà giáo ra khỏi đối tượng điều chỉnh của Luật Viên chức, nhưng cần kế thừa các quy định còn phù hợp với đặc thù nghề dạy học của Luật này".
Như vậy, do tính chất nghề nghiệp của nhà giáo, nên dự án Luật Nhà giáo cần lưu ý một số nội dung, trong đó, tách nhà giáo ra khỏi đối tượng điều chỉnh của Luật Viên chức, nhưng cần kế thừa các quy định còn phù hợp với đặc thù nghề dạy học của Luật này.
Có thể nhận thấy, "quy định tách nhà giáo ra khỏi đối tượng điều chỉnh của Luật Viên chức, nhưng cần kế thừa các quy định còn phù hợp với đặc thù nghề dạy học của Luật này" là vừa chồng chéo, vừa mâu thuẫn.
Bàn về dự thảo Luật Nhà giáo, một giáo viên bậc trung học phổ thông nêu quan điểm, nhiều nội dung trong dự thảo Luật này trái với các văn bản quy phạm pháp luật hành. Điều này làm dấy lên lo ngại, Luật Nhà giáo khó có thể được Quốc hội thông qua một sớm một chiều.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/du-thao-luat-nha-giao-nhin-dau-cung-thay-vuong-17924101920013657.htm