Dự báo xu thế khí hậu trên cả nước từ tháng 9/2023-2/2024
Từ nửa cuối tháng 8-11/2023, trên Biển Đông có thể xuất hiện 5-7 cơn bão/áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 2-3 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Mùa Đông năm 2023-2024, rét đậm, rét hại có thể xuất hiện muộn và số ngày rét đậm, rét hại có xu hướng xảy ra ít hơn so với trung bình nhiều năm.
Xu thế khí hậu từ tháng 9-11/2023
Theo bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn trên cả nước từ tháng 9/2023-2/2024 của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện nay, trạng thái khí quyển và đại dương đang trong điều kiện El Nino. Dự báo trong 3 tháng tới, El Nino tiếp tục duy trì với xác suất khoảng 85-95%.
"El Nino" là từ được dùng để chỉ hiện tượng nhiệt độ nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và phía Đông Thái Bình Dương (đặc trưng bởi khu vực Nino3.4) cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 0,5 độ C trở lên, thường kéo dài 8-12 tháng, với tần suất lặp lại khoảng 3-4 năm 1 lần.
Các hiện tượng khí hậu cực đoan
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: Từ nửa cuối tháng 8 đến tháng 11/2023, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 5-7 cơn bão/áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 2-3 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Đề phòng những cơn bão có diễn biến phức tạp cả về quỹ đạo cũng như cường độ.
Nắng nóng tiếp tục xảy ra tại khu vực Trung Bộ trong nửa cuối tháng 8/2023 với số ngày nắng nóng cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Tháng 9, nắng nóng còn có khả năng xảy ra ở Trung Bộ với cường độ giảm dần và không kéo dài.
Bão/áp thấp nhiệt đới và gió mùa Tây Nam gây ra gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động trên các vùng biển; ngoài ra hiện tượng mưa lớn, nắng nóng, dông, lốc, sét, mưa đá có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất và sức khỏe cộng đồng ở các khu vực trên phạm vi toàn quốc.
Trong tháng 7/2023, đã xuất hiện 2 cơn bão trên khu vực Biển Đông, bao gồm: Cơn bão số 1 (TALIM) và cơn bão số 2 (DOKSURI). Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia
Xu thế nhiệt độ và lượng mưa
Từ tháng 9-10/2023, nhiệt độ trung bình trên phạm vi toàn quốc phổ biến cao hơn khoảng 0,5-1 độ C so với trung bình nhiều năm; riêng tháng 9 ở Đà Nẵng đến Bình Thuận ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Tháng 11/2023, nhiệt độ trung bình phổ biến cao hơn từ 0,5-1,5 độ C so với trung bình nhiều năm, có nơi cao hơn.
Khu vực Bắc Bộ
Tổng lượng mưa tháng 9/2023 phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 5-10%. Từ tháng 10-11/2023 tổng lượng mưa phổ biến xấp xỉ trung bình nhiều năm; riêng khu Đông Bắc và vùng đồng bằng trong tháng 11/2023 cao hơn từ 10-20% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Khu vực Trung Bộ
Tổng lượng mưa tháng 9/2023 ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm, tháng 10-11/2023 thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 10-25%; riêng khu vực Bắc Trung Bộ trong tháng 11/2023 ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ
Tổng lượng mưa tháng 9/2023 phổ biến ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 5-10%; tháng 10/2023 tổng lượng mưa ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm; tháng 11/2023 tổng lượng mưa ở mức thấp hơn từ 10-20% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Lưu vực sông Mekong: Khu vực thượng lưu, tổng lượng mưa tháng 9/2023 phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 5-10%; từ tháng 10-11/2023 phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm. Khu vực trung lưu, tổng lượng mưa từ tháng 9-11/2023 phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm; riêng ở phía Nam trong tháng 10-11/2023 thấp hơn khoảng 5-15%. Khu vực hạ lưu, tổng lượng mưa tháng 9-10/2023 phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 5-15%; sang tháng 11/2023 ở mức thấp hơn từ 10-20% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Thủy văn và nguồn nước
Khu vực Bắc Bộ
Trên các sông suối khu vực Bắc Bộ xuất hiện các đợt lũ, đỉnh lũ trên các sông ở mức báo động 1, tương đương cùng kỳ năm 2022, thấp hơn trung bình nhiều năm, riêng các sông suối nhỏ từ báo động 1-báo động 2.
Tổng lượng dòng chảy đến các hồ chứa lớn trên sông Đà thiếu hụt từ 10-30% so với trung bình nhiều năm, cao hơn năm 2022 khoảng 20-40%; trên sông Gâm thiếu hụt từ 5-10% so với trung bình nhiều năm, cao hơn năm 2022 khoảng 10-30%; trên sông Chảy thiếu hụt từ 20-30% so với trung bình nhiều năm, cao hơn năm 2022 khoảng 10-20%.
Nguy cơ ngập lụt tại các đô thị, thành phố lớn tiếp tục diễn ra do ảnh hưởng của mưa lớn cục bộ. Lũ quét, sạt lở đất nguy cơ cao xuất hiện tại các tỉnh khu vực vùng núi phía Bắc.
Khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên
Từ nửa cuối tháng 8 đến tháng 11/2023, trên các sông từ Thanh Hóa đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên xuất hiện các đợt lũ. Đỉnh lũ năm 2023 tại hạ lưu các sông chính từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh và Bình Thuận ở mức báo động 1-báo động 2, có sông trên báo động 2; các sông từ Quảng Bình đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên ở mức báo động 2-báo động 3, có sông trên báo động 3. Trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất; ngập úng vùng trũng thấp, khu đô thị và ven sông.
Lưu lượng dòng chảy các tháng từ tháng 9-11/2023, trên các sông ở Thanh Hóa, Quảng Bình, từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên ở mức xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 10-40%, các sông ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Phú Yên và Bình Thuận phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10-60%.
Khu vực Nam Bộ
Sông Đồng Nai: Trên sông Đồng Nai có khả năng xuất hiện 1-2 đợt lũ; mực nước đỉnh lũ tại Tà Lài có khả năng ở mức báo động 1-báo động 2.
Sông Cửu Long: Từ nay đến tháng 11/2023, tổng lượng dòng chảy trên sông Mê Công về đồng bằng sông Cửu Long có xu thế tăng dần và ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 5-15%. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long có xu thế lên dần và có khả năng đạt đỉnh vào cuối tháng 9, đầu tháng 10/2023 ở mức báo động 1 và dưới báo động 1; mực nước tại các trạm hạ nguồn đạt mức cao nhất vào tháng 10, tháng 11 ở mức báo động 3 và trên báo động 3.
Đề phòng sóng lớn kết hợp với nước dâng do ảnh hưởng của bão/áp thấp nhiệt đới, nguy cơ cao gây sạt lở bờ sông, bờ biển
Trong tháng 9/2023, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam nên ngoài khơi vùng biển các tỉnh từ Khánh Hòa trở vào đến Bình Thuận và trên khu vực Giữa Biển Đông sóng cao 2-3m, biển động. Vùng ven biển các tỉnh khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ cần lưu ý đề phòng sóng lớn kết hợp với nước dâng do ảnh hưởng của bão/áp thấp nhiệt đới trong tháng 9-11/2023, nguy cơ cao gây sạt lở bờ sông, bờ biển.
Tháng 10-11/2023, do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, độ cao sóng ở khu vực Vịnh Bắc Bộ, vùng biển ngoài khơi Trung Bộ, trên khu vực Bắc và Giữa Biển Đông có thể đạt 2-4m, biển động.
Ven biển Đông Nam Bộ xuất hiện 5 đợt triều cường
Từ tháng 9 đến tháng 11/2023, tại khu vực ven biển Đông Nam Bộ xuất hiện 5 đợt triều cường: Đợt 1 từ ngày 1-3/9, đợt 2 từ ngày 29/9-3/10, đợt 3 từ ngày 27/10-1/11, đợt 4 từ ngày 13-18/11 và đợt 5 từ ngày 25-30/11.
Trong đó, đợt triều cường từ ngày 27/10 - 1/11 có thể đạt 4,2m, nếu kết hợp với gió mùa Đông Bắc thì đợt triều cường này sẽ có nguy cơ gây ngập úng ở vùng trũng, thấp, khu vực ngoài đê bao các tỉnh ven biển khu vực Đông Nam Bộ.
Xu thế khí hậu từ tháng 12/2023-2/2024
Theo bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn trên cả nước từ tháng 9/2023 - 2/2024 của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia: Dự báo hiện tượng El Nino tiếp tục duy trì tới đầu năm 2024 với xác suất khoảng 85-95%.
Các hiện tượng khí hậu cực đoan
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết từ tháng 12/2023 đến tháng 2/2024 có khoảng 1-2 cơn bão/áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông và có khả năng ảnh hưởng đến khu vực Trung Bộ và các tỉnh phía Nam.
Trong thời kỳ mùa Đông năm 2023-2024, rét đậm, rét hại có khả năng xuất hiện muộn và số ngày rét đậm, rét hại có xu hướng xảy ra ít hơn so với trung bình nhiều năm.
Bão/áp thấp nhiệt đới và gió mùa Đông Bắc có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động trên các vùng biển; ngoài ra hiện tượng mưa lớn, dông, lốc, sét, mưa đá, rét đậm, rét hại, sương muối có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất và sức khỏe cộng đồng ở các khu vực trên phạm vi toàn quốc.
Xu thế nhiệt độ và lượng mưa
Từ tháng 12/2023-2/2024, nhiệt độ trung bình tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ phổ biến cao hơn khoảng 0,5-1,5 độ C, có nơi cao hơn. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ nhiệt độ phổ biến cao hơn khoảng 0,5-1 độ C, có nơi cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Khu vực Bắc Bộ
Tháng 12/2023-02/2024, tổng lượng mưa phổ biến cao hơn khoảng từ 10-20% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Khu vực Trung Bộ:Tháng 12/2023-2/2024, tổng lượng mưa tại khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế phổ biến xấp xỉ trung bình nhiều năm; khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận phổ biến thấp hơn khoảng 10-30% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ
Tháng 12/2023, tổng lượng mưa ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 10-20%; sang tháng 1-2/2024 phổ biến ít mưa và tổng lượng mưa phổ biến thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ (mưa trái mùa ít có khả năng xảy ra trên khu vực).
Lưu vực sông Mekong: Khu vực thượng lưu, tổng lượng mưa tháng 12/2023-01/2024 phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm; tháng 2/2024 phổ biến cao hơn khoảng từ 5-15% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Khu vực trung lưu, tổng lượng mưa từ tháng 12/2023-02/2024 phổ biến ở mức thấp hơn từ 10-20% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Khu vực hạ lưu, tổng lượng mưa từ tháng 12/2023-2/2024 phổ biến thấp hơn từ 15-30% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Thủy văn và nguồn nước
Khu vực Bắc Bộ
Nguồn nước trên các sông suối khu vực Bắc Bộ phổ biến sẽ tiếp tục thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm, cụ thể: Lượng dòng chảy đến các hồ chứa lớn trên lưu vực sông Đà thiếu hụt từ 10-30%; sông Gâm và sông Chảy thiếu hụt từ 5-10% so với trung bình nhiều năm.
Khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên
Trong tháng 12, các sông từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi có khả năng xuất hiện 1-2 đợt lũ nhỏ.
Từ tháng 1-2/2024, dòng chảy trên các sông ở Trung Bộ, khu vực Bắc Tây Nguyên giảm dần. Lượng dòng chảy trên các sông ở Thanh Hóa, từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa và khu vực Nam Tây Nguyên ở mức xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 10-30%, các sông ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Nam Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Thuận và Bắc Tây Nguyên thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10-50%.
Khu vực Nam Bộ
Sông Đồng Nai: Từ tháng 12/2023 đến tháng 2/2024, mực nước trên sông Đồng Nai tại Tà Lài biến đổi chậm với xu thế xuống dần.
Sông Cửu Long: Tổng lượng dòng chảy từ thượng lưu sông Mê Công về hạ lưu và đồng bằng sông Cửu Long từ tháng 12/2023 đến tháng 2/2024 có xu thế giảm dần và có khả năng ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10-20%. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long biến đổi chậm theo triều với xu thế xuống dần.
Trong các tháng mùa khô 2023-2024, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều. Xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long khả năng đến sớm hơn, gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm. Các địa phương ở vùng Đồng bằng Nam Bộ cần sớm có các biện pháp chủ động phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn.
Ven biển Đông Nam Bộ xuất hiện 3 đợt triều cường
Từ tháng 12/2023 đến tháng 2/2024, do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, độ cao sóng ở khu vực Vịnh Bắc Bộ có thể đạt 2-4m, vùng biển ngoài khơi Trung Bộ sóng biển dao động từ 3-5m, biển động mạnh.
Từ tháng 12/2023-2/2024, tại khu vực ven biển Đông Nam Bộ xuất hiện 3 đợt triều cường ở mức cao: Đợt 1 từ ngày 13-17/12/2023, đợt 2 từ ngày 12-15/1/2024, và đợt 3 từ ngày 11-14/2/2024.
Các đợt triều cường này nếu trùng vào thời kỳ gió mùa Đông Bắc có cường độ mạnh tràn xuống phía Nam sẽ có nguy cơ gây ngập úng cho các khu vực trũng, thấp ở cửa sông ven biển khu vực Đông Nam Bộ.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/du-bao-xu-the-khi-hau-tren-ca-nuoc-tu-thang-9-2023-2-2024-17923081616590421.htm