Dự án học tập trong dạy và học Tiếng Pháp chuyên ngành
Vai trò quan trọng nhất của dự án học tập là tạo ra hoạt động thực tiễn cho người học. Người học là trung tâm của quá trình học tập thông qua dự án. Họ là nhân tố chủ chốt, chủ động tìm kiếm và sử dụng tài liệu, để không còn bỡ ngỡ khi bước ra thị trường lao động.
Có thể dễ dàng nhận thấy rằng việc trao đổi thông tin bằng Tiếng Pháp giữa các chuyên gia, các nhà khoa học ngày càng được mở rộng, đa dạng hóa và không thể thiếu trong mọi lĩnh vực, ngành nghề.
Thêm vào đó, xu thế toàn cầu hóa phần nào thúc đẩy ngày càng nhiều sinh viên và chuyên gia tới sinh sống và làm việc tại các quốc gia trên thế giới. Những xu thế này đã thay đổi quan niệm trong giảng dạy Tiếng Pháp chuyên ngành: Chúng ta không tách biệt các thuật ngữ chuyên ngành ra khỏi vốn Tiếng Pháp thông dụng như trước đây nữa mà thay vào đó tổng hợp chúng thành một kĩ năng riêng, được gọi là kĩ năng chuyên ngành.
Trong bài viết này chúng tôi tập trung trình bày vai trò của dự án học tập trong dạy học Tiếng Pháp chuyên ngành tại Khoa Ngôn ngữ và Văn hoá Pháp ở Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội thông qua phương pháp mô tả và phương pháp nghiên cứu trường hợp đặc biệt.
Đây là phương pháp dạy học mà trong thời gian qua chúng tôi thường xuyên áp dụng trong quá trình giảng dạy, và theo chúng tôi là đã mang lại những hiệu ứng tích cực trong quá trình lĩnh hội và áp dụng kiến thức của sinh viên.
Dự án học tập và những ưu điểm của loại hình bài tập này trong giảng dạy Tiếng Pháp
Thuật ngữ "dự án" trong tiếng Anh là project, có nguồn gốc từ tiếng La tinh và ngày nay được hiểu theo nghĩa phổ thông là một đề án, một dự thảo hay một kế hoạch. Khái niệm dự án được sử dụng phổ biến trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong sản xuất, doanh nghiệp, trong nghiên cứu khoa học cũng như trong quản lí xã hội.
Dự án là một dự định, một kế hoạch cần được thực hiện trong điều kiện thời gian, phương tiện, tài chính, nhân lực, vật lực xác định nhằm đạt được mục đích đã đề ra. Dự án có tính phức hợp, tổng thể, được thực hiện trong hình thức tổ chức dự án chuyên biệt.
Trong cuốn "Manuel de français de première année secondaire" (O.N.P.S, 2005), trong quá trình dạy học: "Dự án tuân theo ý định giảng dạy và cho phép tích hợp các lĩnh vực khác nhau (nhận thức, cảm xúc xã hội) thông qua các hoạt động liên quan là phương tiện học tập thích đáng".
Trong thực tế, sự lôi cuốn của việc học thông qua dự án được chứng minh bằng các lý thuyết học tập. Các lý thuyết học tập hiện nay, dựa trên quan điểm của Piaget và Bruner, đều đồng ý về bản chất kiến tạo của quá trình tiếp thu kiến thức.
Theo Piaget, một đứa trẻ học cái mới thông qua hành động. Nó sẽ xây dựng khối kiến thức về một đối tượng thông qua kinh nghiệm tương tác với đối tượng đó. Đối với Bruner, một đứa trẻ cũng xây dựng kiến thức của mình thông qua tương tác xã hội.
Vì vậy, các dự án học tập sẽ tạo điều kiện cho người học dễ dàng tiếp cận với kiến thức một cách có hệ thống vì khi áp dụng phương pháp này, người học được đặt trong những hoàn cảnh đòi hỏi phải hành động, phải tìm tòi, nghiên cứu và phải hệ thống lại kiến thức.
Thuật ngữ "dự án" được sử dụng trong nhiều phương pháp, tuy nhiên, ở đây chúng tôi quan tâm đến sử dụng dự án như một công cụ học tập và quá trình học tập bằng cách thực hiện dự án của người học. Để tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả nhất, người học cần được đặt trong một tình huống đòi hỏi họ hành động, và trong chính tình huống đó, họ sẽ hiểu được tầm quan trọng của kiến thức được tiếp nhận.
Người học cần đặt ra những câu hỏi cho tình huống đó, tự đặt câu hỏi cho bản thân, vì vậy, họ sẽ biết cách đặt mình vào vị trí nghiên cứu liên quan đến một vấn đề xác định. Việc thực hiện một dự án trong lớp sẽ tạo nên tính thú vị, bổ ích cho cả người dạy và người học.
Hình thức sư phạm này cho phép sinh viên đối mặt với một tình huống thực tế và mang lại một ý nghĩa nhất định cho việc học tập. Một dự án nên có mục đích giao tiếp gắn liền với thực tiễn. Nhờ vậy, tiết học sẽ sinh động hơn chứ không chỉ dừng lại ở việc ghi nhớ lí thuyết. Do đó, lớp học sẽ trở thành một môi trường sống mở ra bên ngoài.
Bernard Michonneau nhấn mạnh tầm quan trọng của phương pháp dạy học bằng dự án đối với người học trong học tập và khẳng định: "Do đó, chúng ta cần học cách cung cấp cho người học các dự án học tập có ý nghĩa với tăng động lực học của họ Kết hợp các mục tiêu học tập cụ thể và các mục tiêu theo kế hoạch đề ra, mỗi dự án phải cụ thể hóa kết quả mà người học sẽ đạt được khi tham gia vì đối với những người học trẻ tuổi "làm" một việc bằng Tiếng Pháp đồng nghĩa với "tạo ra" một cái gì đó. Đối tượng được tạo ra (đoạn phim, cuộc triển lãm, báo chí...) trở thành đối tượng của quá trình giao tiếp trong học tập.
Phương pháp mô tả kết hợp với phương pháp nghiên cứu trường hợp đặc biệt
Trong khả năng cho phép về phân công công việc tại đơn vị công tác, chúng tôi thực hiện nghiên cứu này theo phương pháp mô tả kết hợp với phương pháp nghiên cứu trường hợp đặc biệt.
Theo Hubert (1999), phương pháp này hướng tới đánh giá ảnh hưởng của một can thiệp, thay đổi (nhất là về giáo dục) tới một nhóm đối tượng giới hạn, có thể giới hạn tới một đối tượng duy nhất hoặc một nhóm đối tượng rất nhỏ. Phương pháp này phù hợp với hoàn cảnh cụ thể tại đơn vị mà chúng tôi đang làm việc, giảng viên được giao giảng dạy một đơn vị lớp và được phép thay đổi các phương pháp giảng dạy trong đơn vị lớp mà mình phụ trách.
Trong phạm vi nghiên cứu này, chúng tôi đã lựa chọn mẫu thử là 24 sinh viên thuộc lớp học phần tự chọn Hướng dẫn du lịch của khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội trong học kì 2 của năm học 2022-2023. Các sinh viên được Văn phòng Khoa sắp xếp một cách ngẫu nhiên vào danh sách lớp.
Đầu tiên, chúng tôi tiến hành một nghiên cứu thực nghiệm trên hai nhóm sinh viên (nhóm thực nghiệm và nhóm đối chứng) trong lớp học phần Hướng dẫn du lịch. Nhóm thực nghiệm (gồm 12 sinh chia thành 3 nhóm nhỏ) được giáo viên hướng dẫn thực hiện mỗi 3 tuần một dự án học tập (quay video hướng dẫn tại điểm, thiết kế tập gấp du lịch,…) trong khi nhóm đối chứng (gồm 12 sinh viên còn lại chia thành 3 nhóm nhỏ) được giáo viên giao các bài tập dưới dạng tình huống nhập vai hoặc thuyết trình với sự hỗ trợ của máy chiếu tại lớp.
Sau 9 tuần diễn ra thực nghiệm, chúng tôi tiến hành thu thập ý kiến của 2 nhóm sinh viên thông qua bảng hỏi và phỏng vấn. Dựa trên những dữ liệu thu thập được, chúng tôi đề xuất một số khuyến nghị cụ thể nhằm phát huy ưu điểm và cải thiện nhược điểm của các dự án học tập đã áp dụng trong quá trình học môn Hướng dẫn du lịch.
Kết quả nghiên cứu
Các câu hỏi trong bảng hỏi chủ yếu khai thác sự phát triển các kỹ năng và kiến thức ở sinh viên nhóm thực nghiệm sau khi thực hiện 3 dự án. Sau khi phân tích câu trả lời của sinh viên, chúng tôi nhận thấy rằng quá trình thực hiện các dự án học tập có một số tác động tích cực đến sự phát triển kiến thức và kỹ năng của các em.
Cụ thể, về năng lực hành động, 38% sinh viên nhận thấy rằng năng lực hành động của mình phát triển tốt, 57% nhận thấy nó ở mức khá và phần còn lại (5%) cho rằng nó ở mức trung bình.
Theo các sinh viên, kiến thức về từ vựng du lịch và lĩnh vực du lịch phát triển tốt nhất sau các dự án: 72% sinh viên cho biết từ vựng của họ phát triển tốt và 28% còn lại nhận thấy mảng kiến thức này phát triển khá tốt.
Ngoài ra, tất cả sinh viên đều ghi nhận sự thay đổi tích cực trong kiến thức của họ trong lĩnh vực du lịch: 68% cho rằng kiến thức du lịch của họ phát triển tốt và 32% cho rằng nó được cải thiện khá tốt.
Ngoài ra, các kiến thức khác như ngữ pháp, văn hóa xã hội, theo đánh giá của đại đa số sinh viên (71% và 78%), phát triển khá tốt sau dự án và phần còn lại (29% và 22%) phát triển tốt.
Để nhìn rõ hơn những ưu và nhược điểm các chuỗi dự án học tập đã thực hiện, chúng tôi tiến hành lấy ý kiến 3 giáo viên giảng dạy Tiếng Pháp chuyên ngành. Khi đặt câu hỏi về chất lượng của các nhiệm vụ được giao cho sinh viên trong quá trình thực hiện dự án, chúng tôi đã nhận được những ý kiến khác nhau từ các giáo viên.
Theo hai trong số ba giáo viên được phỏng vấn, các nhiệm vụ trong dự án có thể giúp sinh viên của họ tiếp cận kiến thức được giảng dạy trong các giờ học Tiếng Pháp du lịch trên lớp. Tất cả các thầy cô được phỏng vấn đều nhận định rằng các nhiệm vụ tạo cảm hứng đã giúp hầu hết sinh viên huy động và áp dụng kiến thức sẵn có vào các dự án.
Về kỹ năng, theo giáo viên, năng lực giao tiếp, đặc biệt là giao tiếp trong du lịch và kỹ năng nghiệp vụ du lịch là những kỹ năng phát triển mạnh nhất sau dự án trong khi các kỹ năng khác như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tự học, năng lực hành động của học sinh không được cải thiện nhiều.
Cụ thể, một giáo viên chỉ rõ rằng "năng lực viết đoạn văn giới thiệu một địa điểm du lịch, kỹ năng giới thiệu khách sạn, nhà hàng, dịch vụ du lịch, năng lực chuyên môn ngành du lịch như thiết kế một tập gấp du lịch hấp dẫn và hiệu quả trong quảng bá du lịch và năng lực thu thập, xử lí và phân tích thông tin du lịch đã được cải thiện đáng kể".
Thảo luận và khuyến nghị sư phạm
Trên thực tế, chúng tôi nhận thấy rằng các dự án học tập được thực hiện trong giờ học Hướng dẫn du lịch, với những nhiệm vụ thú vị và hiệu quả, có thể khiến sinh viên gia tăng động lực hơn học tập và làm quen với nghiệp vụ du lịch. Ngoài ra, các dự án học tập cũng mang lại một số kết quả đáng khích lệ sau:
Những vấn đề mà sinh viên gặp phải (phát âm, thiếu từ vựng, thiếu tự tin, thiếu chủ động) được đưa ra thảo luận trong quá trình làm việc nhóm và trình bày sản phẩm chung của nhóm, sau đó dần dần được cải thiện trong những dự án sau.
- Quá trình trao đổi giữa người dạy và người học trở nên dễ dàng, cởi mở và hiệu quả hơn.
- Động lực, trách nhiệm trong làm việc nhóm và tinh thần đồng đội của sinh viên trong nhóm thực nghiệm được đánh giá tốt.
- Sinh viên tạo lập được một số thói quen học tập tốt như tự chủ, sáng tạo, tìm kiếm thông tin, trao đổi ý kiến và tư duy phản biện.
Trên thực tế, chúng tôi cho rằng dự án học tập là một phần không thể thiếu trong giảng dạy môn Hướng dẫn du lịch, một môn học có nhu cầu tiếp cận thực tế cao.
Áp dụng dự án học tập đặt người học vào các tình huống nghề nghiệp thực tế và yêu cầu họ hành động, làm việc cùng nhau theo nhóm để tạo ra sản phẩm cuối cùng. Đây là một phương pháp sư phạm dựa trên quan điểm hành động mà người học được áp dụng kiến thức và kỹ năng của mình để hoàn thành nhiệm vụ trong các dự án học tập về du lịch.
Sinh viên học được những cái mới thông qua thực hiện các nhiệm vụ do giáo viên gợi ý. Cách tiếp cận này một mặt làm tăng động lực học tập, mặt khác giúp các em nâng cao kiến thức và kỹ năng ngôn ngữ, giao tiếp, hành động và chuyên môn. Ngoài ra, nó còn rèn luyện và phát triển cho các em một số kỹ năng mềm cần thiết và hữu ích cho sự nghiệp của sinh viên.
Tóm lại, vai trò quan trọng nhất của dự án học tập là tạo ra hoạt động thực tiễn cho người học. Người học là trung tâm của quá trình học tập thông qua dự án. Họ là nhân tố chủ chốt, chủ động tìm kiếm và sử dụng tài liệu để thực hiện các bước nhằm tạo nên một sản phẩm học tập và người dạy là người định hướng và dẫn dắt quá trình thực hiện dự án.
Vai trò của người dạy trong phương pháp dạy học thông qua các dự án học tập là đưa ra những gợi ý cho người học nhằm kích thích suy nghĩ của họ và hướng dẫn họ thông qua các nhiệm vụ khác nhau.
Bởi vậy, một mặt, dự án góp phần đáng kể giúp người học vận dụng kiến thức và kĩ năng mà mình có một cách chủ động hơn, mặt khác tạo điều kiện cho người học có những trải nghiệm thực tiễn ngay trên ghế nhà trường tránh bỡ ngỡ khi bước vào thị trường lao động.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/du-an-hoc-tap-trong-day-va-hoc-tieng-phap-chuyen-nganh-179240628113618114.htm