Đồng bằng sông Hồng sẽ trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao của cả nước
Ngày 14/6, tại tỉnh Nam Định, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng bằng sông Hồng dẫn đầu trong 6 vùng kinh tế - xã hội về hầu hết các chỉ số giáo dục và đào tạo
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhìn nhận, thời gian qua, giáo dục và đào tạo của vùng Đồng bằng sông Hồng đã đạt được những kết quả quan trọng, đáng ghi nhận nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, sự quan tâm của toàn xã hội. Tuy nhiên, giáo dục của vùng vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức.
"Bộ Giáo dục và Đào tạo mong muốn sẽ cùng với các địa phương thảo luận, nhận diện bức tranh giáo dục vùng Đồng bằng sông Hồng; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về những việc đã làm được trong thời gian qua và trên cơ sở đó đề ra các giải pháp để tiếp tục phát triển giáo dục vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn 2045", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gợi mở tại hội nghị.
Báo cáo tình hình phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đồng bằng sông Hồng giai đoạn 2011-2022 và nhiệm vụ, giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, năm học 2022-2023, toàn vùng Đồng bằng sông Hồng có 11.440 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên.
Tỉ lệ huy động trẻ em, học sinh đi học đúng độ tuổi ở cấp học của vùng đều gia tăng và đứng đầu cả nước.
Tỉ lệ huy động trẻ nhà trẻ đạt 39,9% (cao hơn 14,5% so với bình quân cả nước). Tỉ lệ huy động trẻ mẫu giáo đạt 98,6% (cao hơn 6,2% so với bình quân cả nước). Tỉ lệ đi học đúng độ tuổi các cấp học phổ thông lần lượt là 99,9% đối với cấp tiểu học; 98,7% đối với cấp trung học cơ sở và 92,9% đối với cấp trung học phổ thông.
Không chỉ nổi bật ở chất lượng giáo dục đại trà, Đồng bằng sông Hồng còn giàu truyền thống về giáo dục mũi nhọn và giáo dục năng khiếu. Tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2023, 6/11 tỉnh trong vùng và Đại học Quốc gia Hà Nội nằm trong tốp 10 địa phương, đơn vị có nhiều giải học sinh giỏi quốc gia và nhiều giải Nhất học sinh giỏi quốc gia nhất cả nước.
Năm 2022, toàn vùng có 18 học sinh đạt giải Olympic khu vực, quốc tế và kỳ thi khoa học kỹ thuật quốc tế (chiếm 54,5% tổng số thí sinh đạt giải). Năm 2023, đây tiếp tục là vùng có số học sinh được lựa chọn tham gia các đội tuyển tham dự Olympic quốc tế nhiều nhất cả nước.
Giáo dục đại học của vùng ngày càng khẳng định là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước.
Toàn vùng hiện có 109 cơ sở giáo dục đại học và gần 600 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Nhiều cơ sở giáo dục đại học đã được xếp hạng cao và tăng thứ bậc trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế. Số lượng sinh viên đại học đứng đầu cả nước. Công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đã đạt được nhiều kết quả tích cực, sản phẩm nghiên cứu ứng dụng ngày càng tăng về số lượng và chất lượng.
Nhiều thuận lợi, nhiều kết quả nhưng giáo dục Đồng bằng sông Hồng cũng đang đối diện với không ít khó khăn. Sự phát triển nóng về kinh tế, cùng với tốc độ đô thị hóa, tăng dân số cơ học nhanh hàng đầu cả nước đã làm cho các vấn đề xã hội, trong đó có giáo dục dù được quan tâm vẫn đang chậm hơn so với sự phát triển. Thiếu trường, thiếu lớp; thiếu giáo viên đang đang đặt ra cho Đồng bằng sông Hồng thách thức để giữ vững và nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục.
Bên cạnh đó, chất lượng lao động của vùng Đồng bằng sông Hồng mặc dù cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước song vẫn còn thấp so với yêu cầu của một vùng kinh tế phát triển khi mà vẫn còn gần 2/3 lực lượng lao động chưa qua đào tạo hoặc không có bằng cấp/chứng chỉ.
Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 14 của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định mục tiêu: Đến năm 2030, Đồng bằng Sông Hồng trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao của cả nước; đi đầu về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số. Tầm nhìn 2045, Đồng bằng Sông Hồng trở thành trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Để triển khai thực hiện được các mục tiêu trên, các nhiệm vụ trọng tâm được xác định cho giáo dục Đồng bằng sông Hồng là tập trung vào quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo; bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục; các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; hợp tác, kết nối và liên kết vùng nhằm phát triển giáo dục và đào tạo; xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển giáo dục và đào tạo.
Cần tập trung xây dựng các mô hình giáo dục phổ thông bắt kịp với khu vực
Tại hội nghị, đại diện các địa phương, ngành Giáo dục, cơ sở giáo dục đại học vùng Đồng bằng sông Hồng chia sẻ kết quả giáo dục đạt được, nhận diện khó khăn, thách thức; đưa đề xuất và trao đổi giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo Đồng bằng sông Hồng trong thời gian tới.
Đánh giá trong giáo dục và đào tạo, vùng Đồng bằng sông Hồng là dẫn đầu cả nước với nhiều kết quả tích cực, Giáo sư Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đưa ra minh chứng cụ thể, trong đó có 2 con số nhận diện, đó là: kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông (chất lượng đào tạo đại trà) và kết quả thi học sinh giỏi quốc gia (đào tạo mũi nhọn) luôn chiếm ưu thế trong top 10 cả nước.
Một số thách thức giáo dục và đào tạo vùng đang đối mặt cũng được Giáo sư Nguyễn Văn Minh chỉ ra. Trong đó có việc, dù tập trung hầu hết cơ sở giáo dục đại học lớn, nhưng chưa có sự kết nối đa chiều trong đào tạo nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho vùng.
Rất nhiều trường phổ thông ở các tỉnh/thành đạt "trường chuẩn", có kết quả tốt, nhưng chưa có các hình mẫu điển hình, nhất là trong thời kỳ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Rất nhiều khu công nghiệp ra đời, nhưng kèm theo đó là sự dịch chuyển cơ học về dân số, đặt ra yêu cầu về trường, lớp, không gian hoạt động, đời sống văn hóa, tinh thần đang gặp không ít khó khăn, rộng hơn là dân trí, giáo dục môi trường.
Giáo sư Nguyễn Văn Minh cho rằng, cần tập trung xây dựng các mô hình giáo dục phổ thông bắt kịp với khu vực. Trong đó, ngoài chất lượng mũi nhọn, cần tính đến phân luồng, hướng nghiệp, nhằm vào nhân lực có chất lượng đáp ứng cho công nghệ cao; giảm thiểu cung ứng lao động phổ thông thuần túy. Đồng thời, bảo đảm đội ngũ về số lượng, cơ cấu, nhất là đội ngũ đáp ứng triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018; bảo đảm thu nhập giáo viên tương ứng với thu nhập vùng…
Chia sẻ kết quả, thuận lợi, thách thức của giáo dục địa phương, ông Nguyễn Văn Phê - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hưng Yên kiến nghị sớm ban hành "Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2030, tầm nhìn đến năm 2045" để địa phương có căn cứ trong việc định hướng chiến lược phát triển giáo dục của địa phương, ưu tiên đầu tư xây dựng trường lớp theo hướng đạt chuẩn quốc gia, giữ vững kết quả phổ cập giáo dục.
Với các địa phương trong vùng, theo ông Nguyễn Văn Phê, cần tăng cường phối hợp, chia sẻ các kinh nghiệm, bài học, cách làm hay trong phát triển giáo dục ở mầm non, phổ thông. Hợp tác quy hoạch theo vùng trong quy hoạch các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học tránh đầu tư dàn trải lãng phí thiếu hiệu quả.
Việc thực hiện tinh giản biên chế phải tính đến đặc thù của ngành Giáo dục, đảm bảo định biên giáo viên trên lớp, không thực hiện cắt giảm biên chế theo tỉ lệ chung đối với ngành Giáo dục.
Thách thức "vượt qua chính mình" trong giáo dục và đào tạo
Phát biểu kết luận hội nghị, bên cạnh ghi nhận những kết quả, thành tựu to lớn của giáo dục và đào tạo vùng Đồng bằng sông Hồng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn dành nhiều thời gian đề cập tới những thách thức trong phát triển giáo dục và đào tạo của vùng xuất phát từ chính vị trí cao và những thành tựu trong hiện tại.
Thách thức đầu tiên, theo Bộ trưởng là thách thức "vượt qua chính mình trong giáo dục và đào tạo".
"Nếu từ vị trí thấp khi giải quyết được những vấn đề thấp sẽ lên cao, nhưng khi đạt được kết quả tốt thì việc đổi mới nữa, tăng trưởng nữa sẽ là thách thức. Thách thức vượt lên chính mình", Bộ trưởng lý giải, đồng thời cho rằng, những gì là kinh nghiệm có thể sẽ là rào cản, níu kéo và tạo nên sức ỳ khi thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Ở vị trí "người dẫn đầu" trong giáo dục cũng đặt ra cái khó cho Đồng bằng sông Hồng khi phải giải quyết nhu cầu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao và cả cung cấp nhân tài cho sự phát triển của vùng.
Với một vùng đất hiếu học, quan tâm tới sự học, giáo dục luôn nhận được quan tâm hàng đầu như Đồng bằng sông Hồng, theo Bộ trưởng, đây cũng là áp lực.
Chỉ ra những hạn chế, tồn tại xuất phát từ nhu cầu học tập cao, sự quan tâm lớn với giáo dục, Bộ trưởng nhắc tới vấn đề thiếu trường, thiếu lớp, thiếu giáo viên; chọn trường, chọn lớp; dạy thêm, học thêm; áp lực thái quá cho học sinh; bệnh thành tích trong giáo dục.
Bộ trưởng cũng cho rằng, vùng Đồng bằng sông Hồng cần đẩy mạnh sắp xếp quy hoạch mạng lưới, từ sắp xếp hệ thống giáo dục phổ thông, đến liên cấp và hệ thống các trường đại học, cao đẳng.
"Chuẩn hóa" cũng là từ khóa được Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề cập với giáo dục Đồng bằng sông Hồng. Theo Bộ trưởng, so với cả nước, tỉ lệ trường chuẩn của vùng khá cao nhưng phải vươn lên chuẩn cao hơn, dần đạt được các chuẩn mang tính quốc tế, nhất là ở các địa phương có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội như Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Phòng…
Từ yêu cầu đẩy mạnh xã hội hoá để người học có nhiều cơ hội hơn, chia sẻ nhiều hơn cho hệ thống công lập, Bộ trưởng cho rằng, các địa phương trong vùng cần tiếp tục huy động các nguồn lực cho phát triển giáo dục và đào tạo.
Đối với xã hội hoá giáo dục, các địa phương vừa tăng cường quản lý nhà nước, vừa tăng cường hỗ trợ cho hệ thống giáo dục ngoài công lập, để hệ thống này phát huy được, thể hiện được vai trò của mình.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tới một số nhiệm vụ cụ thể khác như chuẩn bị kỹ lưỡng cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023; phát huy lợi thế của một vùng tập trung cao và đa dạng các trường đại học, trong đó có những trường đại học hàng đầu để giải bài toán nhân lực và tạo con đường xây dựng xã hội học tập cho vùng đất hiếu học, thích học và học có chất lượng nhất cả nước.
Vùng đồng bằng Sông Hồng bao gồm 2 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, Hải Phòng và 9 tỉnh: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình. Đây là vùng có vai trò, vị trí chiến lược, quan trọng bậc nhất của cả nước về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; là trung tâm hàng đầu về y tế, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ với đội ngũ trí thức giỏi và lực lượng lao động có chất lượng cao.