Đồng bằng sông Cửu Long: Tiến trình “sống chung" với xâm nhập mặn
Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất của Việt Nam, đang phải đối mặt với tình trạng xâm nhập mặn ngày càng trầm trọng, đe dọa cuộc sống và sinh kế của hơn 20 triệu người dân.
Khai thác nước ngầm quá mức chịu đựng
Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với thảm họa nghiêm trọng do khai thác nước ngầm quá mức. Các chuyên gia liên tục cảnh báo về tình trạng này, nhưng các biện pháp phòng chống vẫn chậm hơn nhiều so với tốc độ khai thác.
Theo báo cáo mới nhất của dự án "Chiến lược thích ứng với sụt lún và đô thị hóa ở Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam nhằm ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn gia tăng", được thực hiện bởi Trường Đại học Cần Thơ hợp tác với Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, Liên đoàn Địa chất Thủy văn và Khoa Khoa học Trái Đất, Đại học Hà Lan (Rise&Fall), Việt Nam đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nên ngừng khai thác nước ngầm càng sớm càng tốt.
Ông Tom Kompier, Bí thư thứ nhất về Nước và Khí hậu của Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan cảnh báo: Khai thác nước ngầm quá mức đang làm trầm trọng thêm tình trạng sụt lún ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Số liệu thống kê cho thấy, nhu cầu sử dụng nước ngầm ở Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng tăng, trong khi tổng dự trữ nước ngầm hàng năm lại giảm. Người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long sử dụng tới 80% khối lượng nước ngầm của cả vùng. Nhóm Rise&Fall đã đo đạc tốc độ sụt lún tại Đồng bằng sông Cửu Long lên tới 1-4,7 cm/năm.
Với độ cao chỉ hơn 1-2 mét so với mực nước biển, Đồng bằng sông Cửu Long - nơi sinh sống của hơn 20 triệu dân và sản xuất lương thực cho 200 triệu người khác - đang đối mặt với thảm họa nghiêm trọng do khai thác nước ngầm quá mức.
Một nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng nước biển đang xâm nhập vào cả nước mặt và nước ngầm. Nghiên cứu cho thấy rằng nước biển xâm nhập vào hệ thống nước mặt ven biển nhiều hơn vào mùa khô so với mùa mưa. Vào mùa khô, nước biển chiếm tới 29,5% lượng nước mặt, trong khi vào mùa mưa chỉ chiếm 4,12%.
Đồng thời nước biển cũng đang xâm nhập vào hệ thống nước ngầm ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, sự xâm nhập này ít mang tính mùa vụ hơn so với nước mặt. Tỷ lệ nước biển trong nước ngầm thay đổi tùy theo độ sâu của giếng và khoảng cách đến biển. Nước ngầm nông bị nhiễm mặn nhiều hơn nước ngầm sâu.
Các chuyên gia khuyến nghị, thay vì sử dụng nước ngầm, cần đầu tư nhiều hơn vào cải tạo kênh để giúp nông dân có nước sạch phục vụ sản xuất. Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ phải trả giá đắt cho sự khai thác tài nguyên nước thiếu bền vững này.
Hệ thống thuỷ điện dày đặc, sông Mê kông đổi dòng
Sông Mê Kông bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng chảy qua Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và chia làm hai nhánh khi đổ vào Việt Nam (Sông Tiền và Sông Hậu). Hạ lưu sông Mê Kông rộng 49.502km2 trong đó Đồng bằng sông Cửu Long chiếm phần lớn với 39.000km2 với hơn 20 triệu người sinh sống.
Đồng bằng sông Cửu Long cung cấp hơn 50% lương thực và hơn 60% thủy sản cho cả nước. Từ xa xưa đời sống nhân dân Đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào chế độ dòng chảy của hai con sông này. Nhìn chung tài nguyên nước ở đồng bằng dồi dào nhưng phân bố không đều theo mùa, vào mùa khô lưu lượng bình quân khoảng 2.500m3/s có những thời điểm thấp hơn 1,500m3/s.
Ngoài ra Đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của thủy triều bán nhật triều không đều từ Biển Đông với biên độ từ 3-3.5m và nhật triều không đều với biên độ từ 0.8-1.2m từ Biển Tây. Thủy triều ảnh hưởng Đồng bằng sông Cửu Long theo theo ba hướng (Biển Đông, Biển Tây và vùng giáp biển Đông và Tây) thông qua hệ thống sông rạch chằng chịt của đồng bằng. Vào mùa khô xâm nhập mặn là một vấn đề nan giải ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Sông Mê Kông là một trong những con sông quan trọng nhất ở Đông Nam Á, cung cấp nước, thực phẩm và các dịch vụ hệ sinh thái thiết yếu cho hàng triệu người. Tuy nhiên, việc xây dựng nhiều con đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông đã làm thay đổi đáng kể dòng chảy tự nhiên của con sông, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho hạ lưu.
Trong những thập niên gần đây, các nước thượng nguồn sông Mê Kông có kế hoạch tăng cường sử dụng nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp cũng như cho thủy điện và các hoạt động kinh tế khác. Kết quả tất yếu dẫn tới sự suy giảm lưu lượng nước từ thượng nguồn và thiếu nước vào mùa khô từ tháng tư đến tháng năm hằng năm.
Theo báo cáo mới nhất của Uỷ hội Sông Mê Kông Quốc tế (MRC), có tới 11 đập thủy điện lớn và hàng chục đập thủy điện nhỏ đã được xây dựng hoặc đang được xây dựng trên dòng chính của sông Mê Kông. Những con đập này đã làm thay đổi dòng chảy tự nhiên của con sông, dẫn đến tình trạng mực nước thấp hơn, dòng chảy chậm hơn và nhiệt độ nước cao hơn.
Trong vòng 7 năm qua, đã có 7 siêu dự án thủy điện chặn dòng chính Mê Kông vận hành trong đó có 6 dự án dòng chính ở Trung Quốc và 1 dự án dòng chính ở Lào.
Tháng 7/2019, thủy Điện siêu lớn Xayaburi âm thầm đi vào hoạt động mà không thông báo cho các nước thành viên của Ủy hội Mê Kông khiến lượng mưa về sườn Tây Trường Sơn ít hơn 60% trung bình các năm.
Ngày 20/02/2020, tại hội nghị bộ trưởng ngoại giao Mê Kông - Lan Thương, ngoại trưởng Trung Quốc đã tuyên bố sẽ xả nước giúp các quốc gia láng giềng chống hạn, tuy nhiên đập thủy điện Xayaburi bên Lào hoạt động, sau đó, người Thái cũng có siêu dự án Kong-Loei-Chi-Mun 75 tỷ USD khiến lượng nước về hạ nguồn giảm mạnh.
Ngoài ra, Campuchia đang có kế hoạch chuyển nước qua hệ thống kênh đào vào Vịnh Thái Lan. Về lâu dài, nếu dự án này được triển khai sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán ở Đồng bằng sông Cửu Long trong những năm tới.
Những thay đổi này đã có tác động tiêu cực đến hệ sinh thái của sông Mê Kông. Số lượng cá di cư đã giảm đáng kể do chúng không thể vượt qua các con đập. Điều này đã ảnh hưởng đến nguồn cung cấp thực phẩm và thu nhập của những người dân phụ thuộc vào nghề cá.
Ngoài ra, hệ thống thủy điện dày đặc cũng làm tăng nguy cơ lũ lụt và hạn hán. Khi các con đập được xây dựng, chúng sẽ giữ lại nước, dẫn đến tình trạng mực nước thấp hơn ở hạ lưu. Điều này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán trong mùa khô. Ngược lại, khi các con đập xả nước, chúng có thể gây ra lũ lụt ở hạ lưu. Tình trạng lũ lụt gia tăng có thể phá hủy nhà cửa, đất nông nghiệp và cơ sở hạ tầng.
Sông Mê Kông đổ vào Đồng bằng sông Cửu Long lượng nước rất lớn, trung bình 475 tỷ m3/năm, chiếm 53-57% tổng lượng dòng chảy toàn lãnh thổ Việt Nam. Lượng mưa tại chỗ ở Đồng bằng sông Cửu Long đạt khoảng 56-58 tỷ m3/năm, chỉ bằng 1/7 lượng nước sông Mê Kông đổ về.
Theo Uỷ hội sông Mê Kông (MRC), chuỗi thuỷ điện trên dòng chính sông Mê Kông của Trung Quốc, Lào hoạt động, lượng nước đổ về Đồng bằng sông Cửu Long sẽ giảm 27%/tháng và xâm nhập mặn trên sông Tiền, sông Hậu tiến sâu thêm 10-18km; sạt lở bờ biển gia tăng, biển tiến vào nội đồng hơn 50m.
Các ngân hàng Mỹ và châu Âu ước tính, sản lượng đánh bắt cá hàng năm tại lưu vực sông Mê Kông trị giá 7 tỷ USD/năm giảm đi 70% do xây dựng các đập thuỷ điện thượng nguồn. 75% lượng phù sa bị ngăn lại. Thiếu hụt phù sa dẫn đến hệ luỵ là Đồng bằng sông Cửu Long bị suy thoái, cao trình đồng bằng hạ thấp xuống. Xâm nhập mặn vào nội đồng diễn ra trên diện rộng. Hệ sinh thái nước ngọt dần bị thay thế bởi hệ sinh thái nước mặn lợ, thiếu nước ngọt cho cây trồng, cho con người và vật nuôi. Sự sống ở Đồng bằng sông Cửu Long dần thay đổi.
Các chuyên gia cảnh báo rằng nếu hệ thống thủy điện trên sông Mê Kông tiếp tục được mở rộng, những tác động tiêu cực đến hệ sinh thái và sinh kế của người dân sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn. Họ kêu gọi các chính phủ trong khu vực hợp tác để quản lý bền vững sông Mê Kông, bao gồm cả việc đánh giá tác động môi trường của các dự án thủy điện và tìm kiếm các nguồn năng lượng tái tạo thay thế.
Khai thác và sử dụng đất sai mục đích
Hoạt động của con người là nguyên nhân gây ra hiện tượng nhiễm mặn trong đất, khiến đất không còn phù hợp cho nông nghiệp. Điều này được gọi là nhiễm mặn thứ cấp.
Việc tăng cường sử dụng nước tưới có chất lượng kém, tưới tiêu ồ ạt ở vùng khí hậu bán khô cằn đến khô cằn và thiếu sự rửa trôi của đất có thể làm tăng thêm hiện tượng nhiễm mặn đất.
Tình trạng nhiễm mặn đất nông nghiệp và khả năng tiếp cận nguồn nước ngọt hạn chế đang đe dọa an ninh lương thực toàn cầu và sinh kế của nhiều nông dân trong đó có Đồng bằng sông Cửu Long.
Đa số nông dân vẫn sử dụng các biện pháp canh tác truyền thống để tưới tiêu và bón phân, khiến độ mặn trong đất thậm chí còn tăng lên. Ở nhiều nơi, đất nhiễm mặn trở nên không thể canh tác được.
Hầu hết hệ thống canh tác nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long đang áp dụng phương pháp tưới tràn. Cách tưới này phù hợp với bối cảnh xưa khi các đập thủy điện thượng nguồn chưa có. Nhưng giờ đây, cách này là cách phí phạm nguồn nước nhất.
Việc trồng lúa vụ 3 đã ngốn một lượng nước khổng lồ của các ngành khác khiến giờ đây lúa cũng không cứu được, cây ăn trái cũng không cứu được và người dân thiếu nước sinh hoạt.
Nhiều nhánh sông vẫn còn nước ngọt nhưng đã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Hoạt động chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, khu công nghiệp đẩy hết chất thải xuống sông và vì thế nước ngọt có còn cũng không dùng được nữa.
Vai trò của rừng ngập mặn giúp bảo vệ bờ biển, có tác dụng giảm sóng gió, bảo vệ bờ biển chống lại sạt lở và xói mòn. Hệ thống rễ cây giúp cố định đất và hấp thu sóng động mạnh từ biển. Rừng ngập mặn ngăn chặn nước mặn từ biển xâm nhập sâu vào đất liền, bảo vệ nguồn nước ngọt và đất canh tác. Nhưng trong thời gian dài, rừng ngập mặn ở tỉnh Tiền Giang bị mất phần lớn do nguyên nhân chính là chuyển đổi rừng ngập mặn sang nuôi trồng thủy sản, tiếp theo mới là do sạt lở bờ biển. Điều này có thể thấy tác động của biến đổi khí hậu biểu hiện qua việc xâm nhập mặn không thể suy nghĩ đơn giản là do sự biến đổi khí hậu mà phần lớn có sự tác động từ phía con người.
Theo nghiên cứu của nhóm tác giả Phùng Thái Dương và Tôn Sơn (2021) của Đại học Đồng Tháp, từ năm 1988-2018 trong vòng 30 năm thì diện tích rừng ngập mặn giảm 218 ha (giảm 7,3 ha/năm). Tốc độ phục hồi của rừng ngập mặn tại đây là 36 ha/năm, thấp hơn so với tốc độ rừng ngập mặn bị mất trong thời gian này (43 ha/năm), chỉ có 224 ha rừng ngập mặn không thay đổi.
Nguyên nhân dẫn đến rừng ngập mặn biến mất dần phần lớn là do việc chuyển đổi rừng ngập mặn để nuôi trồng thủy hải sản (chủ yếu nuôi tôm) chiếm 63,1% và từ việc sạt lở bờ biển chiếm 31,6%. Rừng ngập mặn được phục hồi chủ yếu từ mặt nước biển ven bờ (chiếm 66,6%); trồng mới rừng ngập mặn trong các ao nuôi tôm bị bỏ hoang, hoặc trồng rừng ngập mặn và nuôi trồng thủy hải sản (chiếm 27,6%).
Siêu dự án cống ngăn mặn Cái Lớn – Cái Bé với vốn đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng góp phần kiểm soát mặn và giảm thiệt hại hạn hán, còn tăng mực nước ngọt vào mùa khô là tác động có lợi đến sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân - nguyên chủ nhiệm Chương trình cấp nhà nước điều tra cơ bản tổng hợp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã lưu ý hết sức thận trọng với việc xây dựng cống ngập mặn tác động sâu sắc đến môi trường tự nhiên, đến sản xuất, sinh kế của cả triệu người dân trong vùng ảnh hưởng.
Việc quá tin tưởng vào phát triển của khoa học công nghệ, kỹ thuật mà thiếu đi sự tôn trọng quy luật tự nhiên như các dự án “Ngọt hóa bán đảo Cà Mau”, “Ngọt hóa Bắc Bến Tre” tạo ra mâu thuẫn giữa người trồng lúa với người nuôi tôm. Cụ thể là người nuôi tôm cần nước mặn nhưng lại có thể gây ảnh hưởng xấu đến người trồng lúa.
Các nhận xét của Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân hoặc các chuyên gia về Đồng bằng sông Cửu Long đã phản ánh nỗi lo ngại nếu quá tập trung vào các dự án hao tốn tiền của nhưng khi hạn mặn cực đoan xảy ra thì thiệt hại vẫn là không đong đếm hết.
Biến đổi khí hậu toàn cầu, nước biển dâng
Biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng khoảng 1,1°C kể từ thời kỳ tiền công nghiệp, dẫn đến băng tan và mực nước biển dâng. Từ năm 1901, mực nước biển toàn cầu đã tăng khoảng 20cm. Theo báo cáo Đánh giá quốc gia về biến đổi khí hậu, nước biển dâng và các biện pháp ứng phó của Việt Nam (VACCA), ở Đồng bằng sông Cửu Long, mực nước biển dự kiến sẽ tăng từ 30 đến 60cm vào cuối thế kỷ này.
Theo số liệu của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, diện tích đất bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn đã tăng từ khoảng 400.000 ha vào năm 1990 lên khoảng 1 triệu ha vào năm 2020.
Độ mặn của nước ở các cửa sông chính của Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã tăng đáng kể trong những năm gần đây. Ví dụ, độ mặn tại cửa sông Cửu Long đã tăng từ khoảng 1 phần nghìn vào những năm 1990 lên khoảng 4 phần nghìn vào năm 2020. Năng suất lúa đã giảm khoảng 5-10% do xâm nhập mặn.
Khi dòng chảy của sông Mê Kông giảm, nước biển dâng có thể tràn vào hạ lưu, gây ra tình trạng xâm nhập mặn. Xâm nhập mặn làm cho nước không thể sử dụng được cho mục đích tưới tiêu và uống, đồng thời có thể làm chết các loài thực vật và động vật. Tình trạng xâm nhập mặn đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, nơi phụ thuộc nhiều vào nước ngọt của sông Mê Kông.
Sự xâm nhập của nước biển có thể gây ra nhiều vấn đề, bao gồm: nước uống bị nhiễm mặn, đất đai bị thoái hóa, hệ sinh thái ven biển bị phá hủy.
Tiến trình xây đê bảo vệ Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang diễn ra chậm hơn tiến trình của biến đổi khí hậu. Nước từ thượng nguồn sông Mê Kông đang được các quốc gia đầu nguồn sử dụng cho mục đích riêng của đất nước họ. Việc đắp đập, làm thuỷ điện, rẽ dòng chảy đi hướng khác. Dường như nguồn nước và nguồn điện - đang trở thành một sự xung đột từ những công trình thuỷ điện.
Xâm nhập mặn cũng đang gây ra các vấn đề về sức khỏe cho người dân Đồng bằng sông Cửu Long. Theo số liệu của Sở Y tế Cần Thơ, số ca mắc các bệnh liên quan đến nước bị nhiễm mặn, chẳng hạn như tiêu chảy, nhiễm trùng da và các bệnh về đường hô hấp, đã tăng đáng kể trong những năm gần đây.
Hơn nữa, hiện tượng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long còn phụ thuộc vào dòng nước từ thượng nguồn sông Mê Kông. Các nước thượng nguồn sông Mê Kông cũng chịu ảnh hưởng của El Nino, ảnh hưởng đến việc sử dụng nước.
Ngoài những khó khăn mà nông dân phải đối mặt, tình trạng nhiễm mặn còn là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh lương thực, khi dân số ngày càng tăng nhưng đất sản xuất ngày càng bị thu hẹp lại.
Xâm nhập mặn tàn phá Đồng bằng sông Cửu Long
Ngày 14/3 năm 2016, xâm nhập mặn lần đầu tiên tiến đến Cần Thơ, đánh dấu một mốc lịch sử đáng buồn về sự tiến sâu của thảm họa này. Tiếp theo, tỉnh Bến Tre đã công bố tình trạng thiên tai lịch sử. Có 60-80% diện tích lúa vụ 3 ở các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, Kiên Giang và Bạc Liêu bị mất trắng. Nhiều thửa ruộng không thể canh tác lại trong vụ tiếp theo.
Năm 2024, xâm nhập mặn diễn ra từ đầu tháng 12 và đạt mức lịch sử mới từ giữa tháng 1, vượt qua mốc lịch sử năm 2016 và sớm hơn 2 tháng so với các năm trước. Nguồn nước ngọt phục vụ canh tác và sinh hoạt ở Đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nước thượng nguồn đổ về theo các nhánh sông. Tuy nhiên, lượng mưa tại đồng bằng không được giữ lại do thiếu hồ chứa, dẫn đến tình trạng mưa bao nhiêu chảy hết ra biển bấy nhiêu. Đất đai khô cằn, háo nước nên mưa không đủ ngấm vào đất, càng trầm trọng thêm tình trạng thiếu nước.
Ngày 6/4/2024, Tiền Giang trở thành tỉnh đầu tiên công bố tình trạng khẩn cấp do hạn mặn và thiếu nước sinh hoạt. Trong khi đó, ngay từ đầu tháng 4, Cống Cái Lớn ở Kiên Giang đã đóng hoàn toàn 11 cửa để kiểm soát mặn.
Báo quốc tế đưa tin: “Bát cơm" Việt Nam nứt nẻ trong đợt nắng nóng khủng khiếp - nói về tình trạng những đồng lúa khô hạn tại Cà Mau kéo dài từ tháng hai tới tận bây giờ. Hơn 80 kênh rạch ở huyện Trần Văn Thời, Cà Mau hoàn toàn cạn kiệt. Cũng tại huyện này, từ đầu năm cho tới nay đã ghi nhận 340 vụ sụt lún, lở đất, thiệt hại hơn 13 tỷ đồng.
Tại Tiền Giang, người dân phải mua nước ngọt với giá 300.000 đồng/m3 để tưới sầu riêng. Ở Tây Nam Bộ, giá nước ngọt dao động từ 150.000 đến 200.000 đồng/m3, thậm chí có nơi lên tới 450.000 đồng/m3.
Tại Cà Mau, hàng trăm điểm sạt lở và sụt lún đã xảy ra trong thời gian qua, phá hủy nhà dân và nhiều công trình hạ tầng giao thông. Hầu hết các địa phương không còn khả năng khai thác nước ngầm do mạch nước ngầm đã tụt sâu do khai thác quá mức.
Trong tâm trí nhiều người, miền Tây vẫn là nơi “làm chơi ăn thiệt” vì sự màu mỡ của nó. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu và sự đầu tư không tương ứng về hạ tầng đã làm cho vùng đất này không còn là nơi “đất lành chim đậu nữa”, nhiều người rời bỏ làng quê để “đi Bình Dương”.
So với các vùng khác trên cả nước, Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ xuất cư cao nhất cả nước. Khu vực hiện có hơn 10 triệu lao động trong độ tuổi, chiếm gần 20% số lao động trong độ tuổi của cả nước. Tuy nhiên, số lao động đang làm việc tại địa phương thấp hơn nhiều so với con số này. Vì có đến 1,1 triệu người lần lượt bỏ xứ ra đi kiếm kế sinh nhai.
Tại các công trình xây dựng ở Bình Dương, lực lượng lao động chân tay chủ yếu đến từ các tỉnh miền Tây như Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang... Trước đây, họ là nông dân, nhưng do thiếu đất canh tác, mất mùa, hạn hán, họ không đủ sống. Vì vậy, họ quyết định di cư cả gia đình đến Bình Dương để tìm kiếm cơ hội mưu sinh.
Theo thống kê của Sở Lao động Thương Binh Xã hội tỉnh Cà Mau, trong 5 năm qua, trung bình mỗi năm có 25.000 lao động rời quê đến các tỉnh miền Đông và Thành phố Hồ Chí Minh để tìm việc. Thậm chí, tại một số vùng quê trù phú của miền Tây, cả gia đình cũng di cư.
Không chỉ nông dân và người trẻ, ngay cả doanh nghiệp ở miền Đồng bằng sông Cửu Long cũng có nguy cơ "đi Bình Dương". Bởi vì doanh nghiệp ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay cũng phải đối mặt với áp lực quá lớn từ việc phải xây kè cống, làm điện gió,...chi phí sản xuất cao nhưng phải áp dụng mức giá thị trường do cạnh tranh khốc liệt.
Tình trạng chung của các tỉnh ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long là nhiều lao động nông thôn rời quê lên thành phố mưu sinh để kiếm thêm thu nhập vì thu nhập từ những mảnh ruộng thấp. Tuy nhiên, đa số lao động đều thiếu tay nghề, chuyên môn kỹ thuật.
Người lớn li hương, ở Đồng bằng sông Cửu Long giờ đây nhiều nơi chỉ còn người già và trẻ em. Nhiều hệ luỵ kèm theo vấn đề di cư tự phát. Năm 2019, tỷ lệ đi học chung của Đồng bằng sông Cửu Long chỉ là 60%, thấp nhất cả nước; tỷ lệ đi học đúng tuổi chỉ đạt 55%.
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho rằng: Nếu tình trạng di dân tiếp tục như hiện nay, thì đến năm 2030, khả năng cao là dân số của vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn chưa đến 17 triệu người.
Những yếu tố khách quan như tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và thời tiết cực đoan; hay các yếu tố chủ quan như việc xây dựng các con đập ở thượng nguồn dòng Mê Kông cũng là những nguyên nhân dẫn đến điều kiện sinh kế của người dân ở đây giảm dần.
Theo kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng vào năm 2016, nếu nước biển dâng 100cm thì gần 39% diện tích vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập. Thực tế và dự báo trên cho thấy sinh kế làm ăn của hơn 20 triệu cư dân trong vùng buộc phải thay đổi.
"Đi Bình Dương" nhọc nhằn mưu sinh, làm công nhân hoặc những công việc chân tay chỉ giúp người dân duy trì mức sống, không đủ để xây dựng chất lượng sống, chăm sóc con cái... Rất nhiều con số thống kê thể hiện tình trạng phạm tội, tệ nạn xã hội gia tăng ở Đồng bằng sông Cửu Long. Biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn... kéo theo bất ổn về xã hội.
Một số giải pháp tức thời giảm xâm nhập mặn Đồng bằng sông Cửu Long
Lựa chọn nông nghiệp mặn
Nông nghiệp mặn là phương pháp trồng trọt trên đất bị nhiễm mặn, sử dụng nước mặn hoặc nước lợ để tưới tiêu. Bằng cách sử dụng các loại cây trồng chịu mặn và áp dụng các kỹ thuật canh tác đặc biệt, nông nghiệp mặn có thể giúp khôi phục đất bị nhiễm mặn và sản xuất lương thực.
Nếu toàn bộ nước mặn trên thế giới được sử dụng để tưới tiêu, lượng nước sẵn có cho nông nghiệp có thể tăng gấp đôi. Điều này đặc biệt quan trọng ở những khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi tình trạng nhiễm mặn.
Nông nghiệp mặn cũng giúp bảo vệ môi trường bằng cách giảm thiểu thiệt hại do nhiễm mặn. Các biện pháp bền vững được áp dụng trong nông nghiệp mặn và quản lý nước giúp bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên và đa dạng sinh học liên quan.
Để thực hiện nông nghiệp mặn, cần phải điều chỉnh các kỹ thuật canh tác truyền thống. Bốn trụ cột chính của nông nghiệp cần được điều chỉnh bao gồm: Giống cây trồng, thuỷ lợi, phân bón, quản lý đất.
Thêm các công trình hồ chứa
Các hồ chứa được tạo ra bằng cách nạo vét sâu trên các nhánh sông và kênh rạch nội đồng, cho phép lấy nước tự nhiên vào mùa mưa và lưu giữ nước để sử dụng trong mùa khô. Hệ thống máy bơm 2 chiều có thể được sử dụng để tăng cường khả năng tích nước. Thay vì chặn nước mặn vào, hãy giữ nước ngọt bên trong. Điều này không chỉ giúp duy trì cân bằng sinh thái mà còn hỗ trợ đa dạng sinh học.
Các hộ nuôi tôm và trồng cây ăn trái thường có các hồ nước. Việc điều chỉnh thời gian mở cống có thể giúp cung cấp nước ngọt vào các hồ này, đặc biệt ở những khu vực không gặp trực tiếp ảnh hưởng từ biển.
Việc xây dựng hệ thống hồ chứa đòi hỏi cả hệ thống dẫn nước và cơ sở hạ tầng xử lý nước. Mặc dù có thể tạo ra chi phí ban đầu, nhưng việc này sẽ mang lại hiệu quả lớn hơn so với việc xây cống và đê ngăn mặn. Hơn nữa, việc đào hồ còn tạo ra diện tích đất sử dụng cho việc trồng cây và xây dựng.
Mô hình hồ chứa gia đình không chỉ giúp giảm áp lực về nhu cầu nước mà còn khuyến khích người dân bảo vệ nguồn nước và duy trì cân bằng sinh thái. Để đảm bảo an toàn, các hồ nước cần được bảo vệ chặt chẽ và tránh ô nhiễm.
Dừng xây cống ngăn mặn ở cửa biển
Đồng bằng sông Cửu Long đã có số lượng cống ngăn mặn vô cùng lớn, điều này đồng thời chặn nguồn nước trên các dòng chính và nhánh lớn trước khi chúng chảy ra biển. Tuy nhiên, Đồng bằng sông Cửu Long là một vùng đất yếu, bằng phẳng, thấp với đặc trưng bởi lớp phù sa bồi đắp. Xây cống ngăn mặn đi kèm xây đê để bảo vệ vùng đất, ngăn nước mặn xâm nhập ruộng đồng là một việc vô cùng tốn kém đối với địa hình đất thấp, chủ yếu là ruộng vườn, rừng ngập mặn liên kết với bờ biển.
Việc xây dựng cống ngăn mặn tại các nhánh lớn cửa sông ở Đồng bằng sông Cửu Long đã gây ra những tác động không nhỏ đến môi trường sinh thái và ngư nghiệp tại vùng. Các cống ngăn mặn lớn không chỉ ảnh hưởng đến quá trình thoát lũ khi có sự cố tại các thủy điện thượng nguồn, mà còn tăng nguy cơ ngập lụt ở khu vực trung tâm của đồng bằng.
Tác động tiêu cực của việc xây cống ngăn mặn không chỉ dừng lại ở mức độ rủi ro lũ lụt, mà còn lan rộng đến đa dạng sinh học. Cửa sông là nơi sinh sản quan trọng cho nhiều loài cá di cư, nhưng khi bị chặn bởi cống ngăn mặn, khả năng sinh sản của chúng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sự giảm số lượng và mật độ của các loài cá này không chỉ dẫn đến tuyệt chủng một cách đơn lẻ, mà còn gây ra sự đồng loạt suy giảm trong chuỗi thức ăn, ảnh hưởng đến sinh kế của ngư dân trong vùng cũng như sự suy giảm đáng kể của nguồn lợi từ vựa cá tôm phong phú của Đồng bằng sông Cửu Long.
Bởi thế, bất kể công trình nào được xây dựng cần tính đến chi phí cũng như quy luật tự nhiên để đảm bảo sinh kế trong bà con vùng xâm nhập mặn.
Lọc nước lợ thành nước ngọt bằng năng lượng mặt trời
Trong bối cảnh nước ngầm suy giảm nghiêm trọng và gây nguy cơ sụt lún đất tại Đồng bằng sông Cửu Long, việc áp dụng công nghệ lọc nước RO kết hợp sử dụng năng lượng mặt trời là giải pháp tối ưu và bền vững. Mặc dù, công nghệ này có thể dẫn tới việc tăng giá nước nhưng cũng giúp nâng cao ý thức bảo vệ nguồn nước quý giá của người dân.
Cấm/hạn chế khai thác nước ngầm
Việc khai thác nước ngầm đang gây ra tác động nghiêm trọng đến Đồng bằng Sông Cửu Long khiến vùng đất này ngày càng bị lún sâu, thậm chí có nguy cơ bị thấp hơn mặt nước biển trong tương lai gần. Khai thác quá mức cũng dẫn đến việc nước ngọt ở các sông hồ bị giảm sút đáng kể. Vì lẽ đó, việc hạn chế từng bước và dần dần chấm dứt hoạt động khai thác theo kế hoạch là hết sức cần thiết. Việc này cần được thực hiện cùng lúc với việc thay thế bằng hệ thống lọc nước RO quy mô cụm gia đình và cá nhân.
Chuyển đổi mô hình tưới tràn sang tưới nhỏ giọt tự động
Mô hình tưới tự động là một hệ thống tưới cây được thiết kế để hoạt động mà không cần sự can thiệp chủ động của con người. Hệ thống này sử dụng các thiết bị tự động, cảm biến, và công nghệ điều khiển để quản lý lịch trình tưới, lượng nước được cung cấp, và thậm chí là loại nước được sử dụng. Mục tiêu của mô hình này là tối ưu hóa việc sử dụng nước, nâng cao diện tích tưới trong một lần vận hành, thay thế và giảm công sức lao động.
Mô hình tưới tự động giúp giảm lãng phí nước, tối ưu hóa sử dụng nguồn nước, và giảm công sức lao động. Nó còn giúp nâng cao chất lượng và năng suất của cây trồng thông qua việc cung cấp lượng nước và dưỡng chất phù hợp theo nhu cầu thực tế của cây trong từng giai đoạn phát triển.
Trong những ngày khô hạn nhất, khi giá nước tăng lên đến 250.000-300.000 VND một m3, việc sử dụng vòi nước phun tưới cây vẫn được coi là lãng phí. Đối với cây ăn trái, việc áp dụng phương pháp tưới nước nhỏ giọt từ sớm có thể giúp tiết kiệm đến 9/10 lượng nước so với việc tưới phun hoặc tưới tràn. Sự tiết kiệm nước cũng được thể hiện thông qua việc chuyển đổi mô hình canh tác lúa, từ tưới tràn cả vụ sang các phương pháp tưới ướt - khô xen kẽ.
Chuyển từ canh tác 3 vụ sang mô hình một vụ tôm một vụ lúa hoặc lúa tôm
Việc chuyển đổi từ canh tác lúa vụ 3 sang nuôi tôm là một giải pháp mang tính chiến lược, giúp tiết kiệm lượng nước đáng kể để phục vụ các mục đích khác trong mùa khô. Nhiều địa phương vẫn tiếp tục sử dụng lượng nước lớn để tưới lúa vụ 3, dẫn đến tình trạng héo úa và thiếu nước cho cây ăn quả cũng như sinh hoạt. Bởi việc canh tác lúa vụ 3 ở khu vực thượng nguồn sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt cho khu vực hạ lưu. Đây là một kế hoạch cần sự phối hợp chặt chẽ từ ủy ban điều phối nguồn nước giữa các cơ quan chuyên ngành.
Việc canh tác lúa tôm sẽ có hiệu quả hơn khi thích nghi được với tình trạng đất nhiễm mặn, nguồn nước lợ.
Trồng thêm và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tổng diện tích rừng ngập mặn Đồng bằng sông Cửu Long giảm từ 185.800ha năm 1973 xuống còn 102.160ha vào năm 2020, trong đó mất 2.150ha/năm do mở rộng nuôi trồng thủy sản và 430ha/năm do xói mòn bờ biển.
Từ năm 2015 đến nay, 10.042ha rừng ngập mặn đã được trồng và phục hồi. Dự kiến tiếp tục trồng thêm 2.631ha nữa từ giờ đến 2025.
Đưa thực hành tiết kiệm nước vào giáo dục trong trường học và khu dân cư
Việc đưa giáo dục về bảo vệ nguồn nước vào cộng đồng cần được thực hiện một cách toàn diện trên toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả đối với du khách đến với vùng đồng bằng. Họ cần nhận thức và được tuyên truyền về việc bảo vệ các hồ chứa, nguồn nước từ kênh rạch để không gây ô nhiễm cho nguồn nước.
Các cộng đồng có thể ký kết các hiệp ước để thống nhất trong từng khu phố để bảo vệ các dòng kênh.
Việc đưa giáo dục về bảo vệ nguồn nước vào các trường học nhằm truyền đạt cho thế hệ sau của vùng đồng bằng ý thức rằng Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với tình trạng cạn kiệt nguồn nước. Chúng ta không còn nguồn nước phong phú như trước và cần phải tiết kiệm sử dụng nguồn nước một cách bền vững.
Người dân đồng bằng đã có truyền thống trữ nước mưa trong lu. Điều này có thể là giải pháp tích nước cho mỗi hộ gia đình để sử dụng trong những tháng hạn kiệt. Từ từ căn nhà đến xã, huyện, tỉnh; cần có sự đồng bộ và hợp tác trong quản lý nguồn nước. Đặt lợi ích chung lên đầu. Thêm nữa, luật pháp cần được thiết lập và minh bạch, vì tầm nhìn lớn hơn, vì tương lai của Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và an ninh lương thực của Việt Nam nói chung.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/dong-bang-song-cuu-long-tien-trinh-song-chung-voi-xam-nhap-man-179240411190437019.htm