Đồng bằng Sông Cửu Long "khát" nhân lực chất lượng cao
Tỉ lệ lao động đã qua đào tạo hiện chất lượng còn thấp, Đồng bằng sông Cửu Long loay hoay tìm cách giải bài toán nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Lý giải nguyên nhân tỉ lệ lao động qua đào tạo của Đồng bằng sông Cửu Long thấp nhất cả nước
Đến hết năm 2020, tỉ lệ lao động ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã qua đào tạo có chứng chỉ là khoảng hơn 15%, thấp hơn nhiều so với trung bình chung cả nước là 24,5% (số lao động được đào tạo kể cả chưa có chứng chỉ trong cả nước là 64,5%). Nhân lực Đồng bằng sông Cửu Long được thông qua đào tạo thấp dẫn tới kinh tế vùng chưa phát triển tương xứng với đầu tư.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hiện dân số của Đồng bằng sông Cửu Long chỉ tăng khoảng 10.000 người. Tỉ lệ tăng dân số tự nhiên là 0,55‰ thấp nhất trong số các vùng và thấp hơn hẳn so với mức trung bình của cả nước (9,7‰).
Toàn vùng hiện có khoảng 10 triệu lao động. Tỉ lệ lao động qua đào tạo của Đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạt 15%, thấp hơn cả Tây nguyên và thấp hơn nhiều so với cả nước (26%).
Báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022 chỉ ra ba vòng xoáy mà vùng này đang phải đối mặt gồm: “vòng xoáy ngân sách” phản ảnh tình trạng thiếu đầu tư trầm trọng; “vòng xoáy lao động” xuất phát từ tình trạng thiếu cơ hội việc làm nên lao động trẻ di cư từ Đồng bằng sông Cửu Long đến các khu vực đô thị và công nghiệp ở Ðông Nam Bộ. Và “vòng xoáy cơ cấu kinh tế” là căn nguyên của hai vòng xoáy trên.
Tại Diễn đàn quốc tế Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long - SDMD 2022, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, Giáo sư, Tiến sĩ Hà Thanh Toàn phân tích về thực trạng chất lượng nguồn nhân lực của vùng này. Theo ông, với diện tích tự nhiên khoảng 40.000km2, dân số 18 triệu người, trước đây vùng Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp 25% GDP cả nước, nhưng gần đây do "đi rất chậm" nên sụt giảm chỉ còn khoảng 18%.
Lao động tại Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay phần lớn chưa qua đào tạo, chỉ khoảng 7% trên tổng số dân ở bậc đại học, so với cả nước là 63%; cho thấy vấn đề đào tạo và trình độ nguồn nhân lực của khu vực rất thấp.
Gần đây nhất, tại Hội nghị Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030 diễn ra vào ngày 21/6/2023 tại Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, nếu lấy con người là trung tâm, chủ thể, động lực, mục tiêu, là nguồn lực cho sự phát triển thì đây cũng là điểm nghẽn lớn nhất. Đặc biệt là vấn đề nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.
Một trong những nguyên nhân chính cản trở tiến trình "hóa rồng" của miền Tây Nam Bộ là "điểm nghẽn" về nhân lực mà trong thời gian tới các cấp, các ngành phải tập trung tháo gỡ.
Tuy nhiên, bài toán nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng Đồng bằng sông Cửu Long càng trở nên khó giải khi nhân lực qua đào tạo, đặc biệt là sinh viên ở miền Tây sau khi tốt nghiệp không muốn trở về làm việc tại địa phương với suy nghĩ ở lại Thành phố Hồ Chí Minh hoặc các tỉnh thành vùng Đông Nam Bộ nơi có nhiều cơ hội, thu nhập tốt hơn.
Vấn đề này đang đặt ra yêu cầu cấp thiết là phải có chiến lược đào tạo cho toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long để vừa thu hút nhân lực trình độ cao trở về quê hương, vừa tăng cường đào tạo đối với những nhân lực trẻ đang ở tại địa phương trong quá trình khởi nghiệp, giúp họ thuận lợi trong phát triển kinh tế ngay tại quê hương.
Đã có giải pháp nhưng vẫn loay hoay nâng cao chất lượng nhân lực Đồng bằng sông Cửu Long
Trước những thách thức lớn về phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng, Đồng bằng sông Cửu Long đã liên tục tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo với sự góp mặt của nhiều chuyên gia uy tín. Đa số các chuyên gia nhận định, để giải bài toán giữ chân nhân lực cao, cần phải có phương án đào tạo gắn với thực tiễn.
Trong công bố quy hoạch phát triển Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ nêu rõ mục tiêu đưa vùng này trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới; có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân khoảng 6,5%/năm cùng mức ngân sách đầu tư 45.000 tỉ đồng.
Với làn sóng đầu tư nhất là các doanh nghiệp nước ngoài được mời gọi cùng sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp nội tại, nguồn nhân lực ở Đồng bằng sông Cửu Long cần được xem là vấn đề cấp bách. Chính sách nguồn nhân lực phải là chiến lược cho cả vùng mà không phải của riêng một tỉnh, thành phố nào.
Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), giải pháp cơ chế đặc thù để phát triển nguồn nhân lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua cải thiện các tác nhân đầu vào. Việc cải thiện chất lượng nguồn nhân lực tại khu vực nên được nhìn nhận thông qua giải quyết hai điểm yếu chính: giảm tỉ lệ bỏ học và nâng cao vai trò nguồn nhân lực có trình độ.
Cụ thể, cần thiết kế chính sách tạo động cơ đi học. Các địa phương nên có cơ chế khuyến khích và chế tài tác động trực tiếp đến hành vi của người dân, thay đổi tư duy ngắn hạn và việc theo đuổi lợi ích trước mắt khiến họ lựa chọn giải pháp bỏ học sớm ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Đồng thời, cần tạo lập cơ hội việc làm để nâng cao vai trò của nguồn nhân lực có trình độ cao, tạo động cơ cho lực lượng lao động theo đuổi việc học tập, phát triển bản thân, kích thích hệ thống giáo dục chuyên ngành phát triển. Giáo dục chuyên ngành cần liên kết với các doanh nghiệp, thị trường lao động để đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng nguồn lực.
Các chính sách giải quyết những tồn tại của hệ thống giáo dục nên tác động trực diện vào nguyên nhân gây giảm chất lượng nguồn nhân lực, điều này vừa giúp tiết kiệm chi phí và thời gian vừa đảm bảo người dân phản ứng hiệu quả với các chính sách trong ngắn hạn.
Ngoài ra, cần tạo hệ sinh thái sáng tạo để thu hút và giữ chân nhân tài, xây dựng nền kinh tế tri thức như một cú hích phát triển nguồn nhân lực cho Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là nhóm giải pháp giúp tạo ngoại lực tác động từ bên ngoài. Việc tạo hệ sinh thái sáng tạo đòi hỏi nhiều thời gian và quyết tâm từ phía lãnh đạo các địa phương.
Các chuyên gia từ các cơ sở giáo dục, trong đó có giáo dục đại học đặt vấn đề phải đổi mới chương trình đào tạo thích ứng trong điều kiện mới, ứng phó với biến đổi khí hậu, với hội nhập quốc tế; ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin. Tiếp đến là đào tạo, phân luồng tốt hơn bởi hiện nay phân luồng đào tạo nghề và đào tạo trình độ đại học chưa hiệu quả. Ngoài ra, nguồn nhân lực đã tốt nghiệp một thời gian khá dài cần đào tạo lại để nâng cao trình độ, đáp ứng điều kiện mới.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/dong-bang-song-cuu-long-khat-nhan-luc-chat-luong-cao-179231214105630663.htm