Đổi mới giáo dục trung học phổ thông theo minh triết Hồ Chí Minh
Các nền giáo dục hiện đại trên toàn cầu đang kêu gọi mọi người chia sẻ tri thức vì chỉ khi chia sẻ tri thức rộng rãi đến chừng mực nào đó, giá trị cận biên của tri thức có thể tiến tới 0. Nền giáo dục chia sẻ tri thức sẽ là nền giáo dục ít tốn kém nhất.
"Học tập suốt đời" là một lẽ sống
Nói đến "minh triết" (wisdom), tôi luôn nhớ đến 2 nhân vật vĩ đại: Thomas Jefferson và Hồ Chí Minh.
Thomas Jefferson là người viết Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ, làm Tổng thống Hoa Kỳ và mất vào ngày Quốc khánh Hoa Kỳ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người viết Tuyên ngôn Độc lập Việt Nam, làm Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mất vào ngày Quốc khánh Việt Nam.
Minh triết giáo dục của Thomas Jefferson kết tinh trong câu nói bất hủ: "Anh ta nghe ý kiến của tôi và tự nhận lấy kiến thức cho mình mà không hề làm giảm kiến thức của tôi; giống như anh ta thắp sáng ngọn nến của anh ta bằng ngọn nến của tôi và nhận được ánh sáng mà không hề làm tôi bị tối đi".
Ý kiến trên đây hoàn toàn giữ nguyên giá trị khi nền giáo dục hiện đại trên toàn cầu đang kêu gọi mọi người chia sẻ tri thức (share knowledge), và khi chia sẻ tri thức rộng rãi đến chừng mực nào đó, giá trị cận biên của tri thức sẽ tiến tới 0. Nền giáo dục chia sẻ tri thức sẽ là nền giáo dục ít tốn kém nhất.
Ý kiến trên ngày nay đang trở thành một triết lý khuyến học của Việt Nam khi xây dựng xã hội học tập đã thành một xu hướng toàn cầu. Trong xã hội học tập, học tập suốt đời (Lifelong learning) đã trở thành một lẽ sống.
Minh triết giáo dục là mệnh đề gói một ý tưởng thông thái mang giá trị trường tồn trong thời gian và không gian.
Khái niệm "Minh triết"
Tôi không trích bất cứ một từ điển nào đó về định nghĩa thế nào là minh triết, mà muốn thao tác hóa khái niệm này theo hiểu biết của mình.
Minh triết là một trí tuệ sáng suốt, một sự thông thái trong lối tư duy. Trí tuệ đó chi phối hành động, hành vi, văn hóa ứng xử, lối sống con người: Một hành động minh triết, một lối sống minh triết... Nói cách khác, minh triết thường gắn với những trải nghiệm chứ không kết thành tư tưởng.
Minh triết thể hiện tầm cao của tri thức, kể cả tri thức tiên nghiệm (transcendence, a priori) và tri thức hậu nghiệm (a posteriori). Song, nói đến các bậc hiền triết, những trí thức lớn, những lãnh tụ thiên tài thì tính tiên nghiệm là một đặc trưng của sự sắc sảo về trí tuệ.
Tiên nghiệm là loại tri thức không cần hoặc có trước kinh nghiệm. Đó là tri thức mệnh đề, nó khẳng định sự đúng hay sai của sự vật, khẳng định không hành động thế này, mà phải hành động thế kia.
Người tri thức đạt tới trình độ minh triết trong tư duy là người thấy được cái mà người khác chưa thấy, thấy lo khi những người khác chưa lo. Đó là nỗi ưu hoạn trong nghiệp của nhà tri thức.
Hồ Chí Minh cũng đã lấy lời người xưa "Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc" (lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ) để nhắc nhở cán bộ Đảng rằng, chỉ làm theo điều này thì dân mới tin yêu mình.
Những ý kiến có tính tiên nghiệm của Hồ Chí Minh về giáo dục đã tồn tại xuyên thế kỷ và gặp gỡ tư tưởng giáo dục tiên tiến của thế giới trong thế kỷ 21.
Năm 1945, Hồ Chí Minh viết thư cho các em học sinh, nhắc nhở rằng, các em sẽ được nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có. Nhưng mãi đến năm 2018, những nhà đổi mới chương trình phổ thông mới đưa ra khẳng định "Chương trình mới này định hướng phát triển năng lực học sinh". Không ít người khen đây là một ý tưởng đặc sắc. Như vậy, quan điểm phát triển năng lực của Người bị bỏ quên 73 năm. May mà họ đọc được tài liệu nào đó của phương Tây, nếu không còn quên lâu.
Vào những năm 50 của thế kỷ trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn giáo viên phải đào tạo những công dân tốt, những cán bộ tốt, giáo dục phải hướng vào mục tiêu "Học để làm người", phải thực hiện phương thức "học không bao giờ cùng" để tiến bộ. Sau hơn 30 năm, UNESCO mới nói đến "Learning to be", và sau đó mới nói đến đào tạo "Công dân học tập" (Learning Citizen) và "học tập suốt đời" (Lifelong learning).
Minh triết Hồ Chí Minh và tri thức tiên nghiệm của Người nếu được ngành giáo dục tiếp thu kịp thời hơn thì có thể giáo dục của ta đã tạo ra lối đi riêng và nó không mang nhiều khuyết tật như bây giờ.
Đề xuất một vài nguyên tắc về đổi mới giáo dục theo minh triết Hồ Chí Minh
1. Đổi mới không có nghĩa là làm khác trước. Làm khác trước có thể là làm kém hơn trước và cũng có thể làm hơn trước.
Các giá trị mà Đổi mới phải đạt là làm có chất lượng hơn, có hiệu quả hơn và dân hài lòng hơn. Đây là 3 số đo về tính đổi mới.
2. Đổi mới phải là một sự sáng tạo, không ăn cắp mô hình của người khác, không giáo điều chủ nghĩa, không kinh nghiệm chủ nghĩa. Tri thức mới, công nghệ mới là nền tảng của sự đổi mới. Tư duy phản biện và tư duy sáng tạo có vai trò định hướng cho việc tìm kiếm mô hình mới.
3. Đổi mới không được rơi vào tình trạng chắp vá vụn vặt để đối phó với tình thế. Đổi mới phải được tiến hành đồng bộ tất cả những gì cần thay đổi. Tư duy hệ thống (System Thinking) và lối tư duy tăng trưởng (Growth Mindset) sẽ giúp cho việc đổi mới tránh khỏi tình trạng gặp đâu sửa đấy, thiếu tầm nhìn bao quát và rơi vào lý luận nửa vời.
4. Đổi mới triệt để là một nguyên tắc. Phải bám chắc vào xu thế phát triển giáo dục toàn cầu, không để tụt hậu mà phải tìm con đường đi riêng, sao cho bắt kịp dòng chảy toàn cầu hóa để đủ năng lực hội nhập quốc tế. Cương quyết đoạn tuyệt với cách làm truyền thống đã lỗi thời.
Xác định những vấn đề đổi mới giáo dục giai đoạn 2025-2035
1. Công việc đầu tiên của đổi mới giáo dục trung học phổ thông là đổi mới mô hình trường trung học phổ thông cho phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế tri thức dưới tác động thúc đẩy của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Cần thay mô hình trường trung học phổ thông truyền thống bằng mô hình trường trung học phổ thông chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Số hóa và xanh hóa trường học là xu hướng tất yếu của nhà trường trung học phổ thông toàn cầu.
Nhà trường số sẽ tăng dần việc sử dụng các phương tiện và phương pháp học tập trực tuyến, bớt dần phần học tập theo phương pháp trực tiếp, ban đầu cần có sự kết hợp offline với online để học sinh có kỹ năng số, học tập và tự học trên nền tảng sử dụng những công nghệ học tập để có thể học mọi lúc, mọi nơi (Ubiquitous Learning). Đây là phương thức học tập và chia sẻ tri thức trong những thời gian và không gian khác nhau.
Theo hướng xanh hóa, nhà trường cố gắng tạo ra lối sinh hoạt học đường gắn trong môi trường thiên nhiên, mặt khác, nhất là ở thành phố, phải giáo dục cho học sinh trung học lối sống xanh, lối tư duy xanh, ý thức bảo vệ môi trường xanh.
2. Trong thập niên 2021-2030, đối tượng phục vụ của trường trung học phổ thông là những lớp trẻ thuộc thế hệ Z (Thế hệ sinh ra trong khoảng thời gian 1997-2012). Thế hệ này được gọi bằng nhiều tên như Net Generation (Thế hệ mạng), Gigital Natives (Thế hệ số bẩm sinh), Internet Generation (Thế hệ mạng thông tin toàn cầu), Pluralist Generation (thế hệ đa nguyên)...
Đến năm 2030, trường trung học phổ thông sẽ có những lứa học sinh của thế hệ Alpha, lớp trẻ sinh ra trong khoảng thời gian 2012 - 2027. Đây là thế hệ với các tên gọi khác nhau như Glass generation (Thế hệ kính), Screen Generation hay Screenagers (Thế hệ màn hình), iGeneration (Thế hệ điện tử), Neo-Digital Natives (Thế hệ mới số hóa bẩm sinh)...
Các thế hệ Z và Alpha sống nhiều hơn cha anh trong thế giới hiện thực - ảo, trải nghiệm trên mạng Internet nhiều hơn hẳn so với thế hệ X, Y (và với các thầy giáo đang dạy chúng), chúng học ngoại ngữ rất nhanh, ngay từ bé chúng đã khá thành thạo trong việc kết nối bạn bè trên các mạng xã hội, mua bán online, nhiều kỹ năng học trực tuyến, mặt khác, tư duy phản biện của chúng sớm phát triển, do đó, không dễ gì nói mà chúng nghe ngay.
Việc dạy chúng bằng sách giáo khoa vốn đã dùng dạy cho bố mẹ chúng, dùng các phương pháp áp đặt chúng là "không ổn".
Cần nhớ câu nói của John Dewey: "Nếu như chúng ta dạy học sinh hôm nay như chúng ta dạy ngày hôm qua thì chúng ta sẽ cướp ngày mai của chúng".
3. Đổi mới giáo dục trung học phổ thông là một hành trình theo một lối đi riêng, một mô hình trường học phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội và văn hóa giáo dục Việt Nam, tìm ra triết lý giáo dục riêng cho giáo dục trung học.
André Dazin nói chí lý: "Chớ có bị quốc gia đi trước nào đó thôi miên, mà phải tạo ra mô hình cho mình bằng những nhân cách mà ta tạo ra".
- Trường học của ta cần "dân chủ hơn", tôn trọng những nhu cầu học tập của từng học sinh, không áp đặt học sinh chỉ tuân thủ kiến thức trong sách giáo khoa chật hẹp (có khi còn có "sạn") và kiến thức vốn đang có của thầy giáo. Nhà trường không được tuyệt đối hóa sự chính xác và duy nhất đúng của sách giáo khoa, không chấp nhận sự coi nhẹ những kiến thức trong tài nguyên giáo dục. Nhà trường phải dạy cho học sinh hiểu rằng, kiến thức trong sách giáo không đủ cho học sinh đi vào tương lai, bởi kiến thức đó chỉ là hạt cát so với kiến thức của nhân loại, mênh mông như sa mạc.
Mọi học sinh đều nên nhớ và biết câu nói của Isaac Newton: Điều ta biết chỉ là một giọt nước. Điều ta chưa biết là một đại dương (What we know is a drop. What we don't know is an ocean).
Nhà trường dân chủ thật sự quan tâm đến việc dạy học sinh biết "Học tập hợp tác", "Chia sẻ tri thức". Sự hợp tác Thầy - Trò, Trò - Trò; sự chia sẻ tri thức sẽ làm cho tri thức hàng ngày được tiếp thu nhiều lên theo cấp số cộng so với học tập trong sự đơn độc.
Nhà trường dân chủ sẽ giúp học trò phát triển năng lực "đa trí tuệ", nuôi dưỡng và làm cân bằng sự đa trí tuệ trong nhân cách học sinh.
Nhà trường dân chủ đoạn tuyệt với lối phân luồng học sinh theo tiêu chí cực kỳ sai trái: điểm kiểm tra các môn học mà kém thì đi học nghề, điểm cao thì đi học đại học. Cách làm này là một hành xử thô bạo, tạo cho học sinh tâm lý thất bại học đường. Trên thực tế, không ít học sinh có điểm kém về môn Văn, môn Toán nhưng lại trở thành những doanh nhân thành đạt; lại có những học sinh giỏi của trường chuyên Amsterdam hay được đội vòng nguyệt quế trong kỳ thi lên đỉnh Olympia, nhưng không làm được gì nên chuyện đáng khen.
4. Nhà trường trung học là nơi giúp học sinh phát hiện tài năng của chính mình và đam mê sự học. Những trường học hiện đại trên thế giới đang có xu hướng cá nhân hóa việc dạy học, giảm bớt thời gian thuyết giảng trên lớp, tăng thời gian trải nghiệm trong cuộc sống để học sinh hiểu rõ chính mình. Cần chú ý rằng, kéo dài độ dài của năm học, của ngày học không phải là điều kiện quan trọng nhất về chất lượng học tập. Người ta bắt đầu hiểu rằng, nên dành ít thời gian cho việc học các môn truyền thống, tăng thời gian cho học sinh thực hiện các dự án, các chuyên đề và những hoạt động tích hợp.
Khai thác triệt để những tri thức trên Internet, học sinh trung học phổ thông sẽ có thêm khả năng lựa chọn nghề nghiệp (tức là tự hướng nghiệp). Các em sẽ biết, đến thời điểm mình tốt nghiệp trung học thì những nghề nào sẽ biến mất do không đáp ứng yêu cầu của hệ thống sản xuất hiện đại, nghề nào là "hot" nhất mà thế hệ Z dễ theo đuổi (trong khi các thế hệ đàn anh không làm được). Các em cũng sẽ hiểu rằng, tại nơi mình cư trú, việc thành lập một Startup theo kiểu nào sẽ dễ thành công hơn. Nói cách khác, các em sẽ tự học được nhiều điều về khởi nghiệp, sẽ tự mình sáng tạo ra những doanh nghiệp nhỏ hoặc siêu nhỏ khi trong tay chỉ có đồng vốn ít ỏi, khi không tiếp cận được với những nhà đầu tư mạo hiểm (Venture Capitalist) hoặc nhà đầu tư thiên thần (Angel Invertor).
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/doi-moi-giao-duc-trung-hoc-pho-thong-theo-minh-triet-ho-chi-minh-179241024104650147.htm