Đọc "Việt kiệu thư" để biết về chuyện nước ta thời trước
Khi quân Minh sang xâm lược nước ta đầu thế kỷ 15, chúng cướp sạch sách vở, phá hết văn bia. Văn tịch nước ta gần như mất hết. Để tìm hiểu về chuyện nước ta trước đó, phải đọc trong những sách vở Trung Quốc, trong đó có "Việt kiệu thư", cuốn sách được viết trước khi bộ "Minh sử" được biên soạn.
"Việt kiệu thư" - ngọn nguồn dân sinh và phong tục hay dở của một phương
Khi Lý Văn Phượng hoàn thành cuốn "Việt kiệu thư" này vào tháng 6 năm Canh Tý, niên hiệu Gia Tĩnh thứ 19 (1540) thời Minh, thì bộ "Minh sử" còn chưa biên soạn. Do đó, có thể xác định ông đã phải sưu lục từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau, các ghi chép, truyện ký của cá nhân. Như "Bình định An Nam lục" của Khâu Tuấn; "Hà trung tiết truyện" trong "Hiệu tần tập" của Triệu Bật, "Thông nghị đại phu Công bộ Hữu thị lang Dần Am La công Giản mộ bi" của Vương Anh... Cũng như ông đã tập hợp các tài liệu thư tịch sử chí, phương chí của các triều đại, từ Hán đến Minh, do các tác giả người Việt và Hán biên soạn.
Tác giả Lý Văn Phượng đỗ tiến sĩ khoa Nhâm Thìn niên hiệu Gia Tĩnh thứ 11 (1532) khi 30 tuổi, từng làm quan Thiêm sự tại các tỉnh giáp biên giới Việt Nam như Quảng Đông, Vân Nam. Tên sách được ông đặt theo quan điểm của các triều đại phong kiến Trung Quốc, coi nước ta là cõi "hoang kiệu", tức vùng rừng núi hoang sơ.
Theo lời "Tựa" tác giả soạn, nguyên nhân ông biên soạn cuốn sách được giải thích là:
"Xét, duyên do những sự dựng đặt, hưng phế ở An Nam, ghi chép tản mát trong các sách vở, những kẻ bàn nghị có khi khảo cứu chẳng được đầy đủ, vì vậy Phượng tôi, nhân khi chính sự thư nhàn bèn thu thập lấy mà chú giải sắp xếp lại, được hai mươi quyển...".
Lý Văn Phượng cũng cho biết về phương pháp biên soạn: "Phần đầu nói về địa dư, phong tục, vật sản, ấy là xét về ngọn nguồn dân sinh. Tiếp đến là chiếu thư, chế, sắc, là trọng lời nói của vua vậy. Rồi kế đến là việc biên niên lập quốc, chế độ trước sau, ấy là chép việc thực vậy. Tiếp đến chép là thư sớ, di văn, là để cho tường tận vậy… Lại tiếp đến văn, phú, thi, từ, cùng là thần, thiếp của nước ấy hễ có một điều hay cũng được chép đủ, là để thấy phong tục hay dở ưa chuộng của một phương vậy. Hợp cả lại mà gọi sách ấy là Việt kiệu thư".
Đặc biệt, sách của Lý Văn Phượng có tập hợp kèm có nhiều sắc chỉ của nhà Minh cho các tướng trong thời kỳ chiến tranh xâm lược Đại Việt chỉ có thể tìm thấy trong "Việt kiệu thư". Đó chính là những tư liệu mà như các nhà nghiên cứu trước đây đã nhận định rằng "có thể bổ sung thêm cho chính sử", khiến "Việt kiệu thư" luôn là cuốn sách tham khảo quan trọng cho các nhà nghiên cứu khi tìm hiểu về lịch sử và địa lý Việt Nam.
Do tầm quan trọng về mặt tư liệu như vậy, nên không chỉ các nhà nghiên cứu về lịch sử, mà người yêu sử nước ta đều nên đọc "Việt kiệu thư". Sách vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà Văn và Công ty Tao Đàn dịch và xuất bản trong tủ sách "Hiểu Việt Nam", do nhà nghiên cứu Châu Hải Đường khảo đính và dịch, dựa theo bản in trong Thư viện quốc gia Bắc Kinh theo bản chép tay đời nhà Thanh, có đối chiếu với bản chụp từ Thư viện tư liệu quốc gia Nhật Bản.
Gần 500 trang sách dịch đem đến cho độc giả, các nhà nghiên cứu nội dung 8 quyển "Việt Kiệu thư" của Lý Văn Phượng, từ Quyển 1 đến Quyển 8, là những cuốn có nhiều tư liệu về lịch sử, địa lý hơn cả. Còn các quyển từ 9 đến 20, chủ yếu gồm thư sớ, văn thơ... sẽ được dịch và công bố sau.
"Việt kiệu thư" - cuốn sách tham khảo quan trọng
Tuy nhiên đọc các phần này, đã chứa đựng các sự kiện chính yếu trong lịch sử Việt Nam có liên hệ với Trung Quốc, từ quá trình lập quốc, thay đổi triều đại, diên cách hành chính, chiếu thư chế sắc, thư sớ di văn, hình luật, binh chế, trường học, phong tục, sản vật, thơ phú qua các triều…
Đây là những thông tin hữu ích cho việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam, lịch sử quan hệ Việt – Trung trong nhiều thế kỷ thời kỳ trung đại. Các thông tin này bổ sung cho những ghi chép sơ lược và khuyết thiếu của "An Nam truyện" trong Minh sử cũng như nhiều tài liệu ghi chép, thư tịch cổ khác của cả Việt Nam và Trung Quốc của Việt Nam.
"Việt kiệu thư" chép được nhiều tư liệu hơn "An Nam truyện" hay "An Nam chí lược", ví dụ mục "Núi sông", "An Nam chí lược" biên chép 3 điều thì "Việt Kiệu thư" có 60 điều. Mục "Sản vật", "An Nam chí lược" có 42 điều thì "Việt kiệu thư" có 51 điều…
Sách được bổ sung gần 100 bản chiếu của các vua nhà Minh, sắc từ đời Hồng Vũ đến Gia Tĩnh, cho đọc giả thời nay thấy nhiều thông tin độc đáo về sự chuẩn bị, thái độ của nhà Minh cũng như bản chất của cuộc chiến tranh xâm lược nước ta đầu thế kỷ 15, mà chính sử Trung Quốc vẫn cho là "giúp Trần diệt Hồ".
Nhiều mật chỉ của Minh Thành Tổ đã bộc lộ rõ ý đồ tàn phá hủy diệt đối với văn hóa và con người Đại Việt khi ấy. Tuy ẩn dưới những vỏ bọc ngôn từ thế nào thì bản chất xâm lược và hủy diệt của cuộc chiến tranh ấy với đất nước, con người, văn hóa Đại Việt cũng không thể che dấu.
Dịch giả Châu Hải Đường cũng đã cố gắng đối chiếu giữa hai văn bản "Việt kiệu thư" từ Trung Quốc và Nhật Bản, tìm các nguồn tư liệu để bổ sung, chỉnh sửa các lỗi sai từ bản in, chú giải các chi tiết để độc giả nắm rõ hơn nội dung. Các các quan điểm của Lý Văn Phượng trong việc xác định Trung Quốc là "thiên triều", coi nước ta là "phiên bang" nên ngôn từ, văn phong của ông ta đứng trên góc nhìn đó. Như coi việc lập quốc, xưng đế của các vua nước ta là "tiếm", "trộm xưng", các cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta bị coi là "làm phản"… đều được dịch giả giữ nguyên nhưng chú thích rõ ràng, để độc giả nắm các thông tin chân thực và hiểu rõ bản chất của nội dung dưới lớp vỏ ngôn ngữ.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/doc-viet-kieu-thu-de-biet-ve-chuyen-nuoc-ta-thoi-truoc-179220727081957348.htm