Doanh thu du lịch của nhiều tỉnh, thành đạt hàng nghìn tỉ đồng trong kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5
Kết thúc kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, doanh thu du lịch của nhiều tỉnh thành trên cả nước đạt hàng nghìn tỉ đồng. Đây là tín hiệu hứa hẹn một mùa du lịch hè khởi sắc.
Theo Sở Du lịch thành phố Hà Nội, trong 5 ngày nghỉ lễ (từ 29/4 đến hết ngày 3/5), Hà Nội đón hơn 719 nghìn lượt khách du lịch, gồm 69.500 lượt khách du lịch quốc tế và 650.000 lượt khách du lịch nội địa. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 2.400 tỉ đồng.
Theo thống kê, một số điểm du lịch trọng điểm tại thành phố Hà Nội có lượng khách du lịch đến trong dịp nghỉ lễ có sự tăng trưởng mạnh mẽ như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám đón khoảng 30.000 lượt khách; Hoàng thành Thăng Long đón 31.400 lượt khách; Bảo tàng Dân tộc học đón 11.000 lượt khách; Di tích Nhà tù Hoả Lò đón 27.410 lượt khách; Di tích Cổ Loa đón 5.000 lượt khách; Vườn quốc gia Ba Vì đón 17.000 lượt khách; Làng cổ Đường Lâm đón khoảng 10.000 lượt khách; Vườn thú Hà Nội đón 130.898 lượt khách...
Ước tính kỳ nghỉ lễ năm nay, công suất sử dụng phòng bình quân khối khách sạn, căn hộ du lịch đạt khoảng 58,4%, tăng 16,2% so với kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 năm 2022.
Theo thống kê từ Tổng cục Du lịch, Thanh Hóa là "điểm sáng" của du lịch nội địa khi lượng khách đến tỉnh Thanh Hóa dịp lễ năm nay cao kỷ lục so với mọi năm.
Các điểm du lịch thu hút đông du khách nhất tỉnh Thanh Hóa có thể kể đến: thành phố Sầm Sơn (850.000 lượt khách); thị xã Nghi Sơn (78.200 lượt khách); thành phố Thanh Hóa (39.800 lượt khách); Suối cá thần Cẩm Lương (18.300 lượt khách)... Công suất sử dụng phòng trong dịp nghỉ lễ đạt khoảng 81,5%.
Với tỉnh Nghệ An, nhờ thời tiết thuận lợi cho các hoạt động tham quan, vui chơi giải trí nên các điểm đến ở đây rất đông khách du lịch. Trong 5 ngày nghỉ lễ, tỉnh Nghệ An đón 780.000 lượt khách, bằng 110% so với năm 2022. Công suất sử dụng phòng bình quân ước đạt trên 80%. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 1.500 tỉ đồng.
Tỉnh Ninh Bình đón hơn 340 ngàn lượt du khách, tăng 63% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, lượng khách quốc tế hơn 24 nghìn lượt. Công suất sử dụng phòng đạt từ 85 - 90%. Doanh thu du lịch đạt 320 tỉ đồng.
Các điểm đến hút khách nhất là phố cổ Hoa Lư (69.500 lượt khách), Tràng An (70.700 lượt khách), Chùa Bái Đính (65.600 lượt khách), vườn chim Thung Nham (44.900 lượt khách), Tam Cốc (31.000 lượt khách), vườn quốc gia Cúc Phương (14.810 lượt khách).
Theo thống kê từ Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh, trong kỳ nghỉ 30/4-1/5 năm nay, khoảng 950.000 lượt khách đã ghé các điểm du lịch nội thành thành phố Hồ Chí Minh, tăng 126% so với cùng kỳ năm 2022.
Lượng khách đông giúp doanh thu du lịch của thành phố tăng cao, ước đạt 3.130 tỉ đồng và tăng hơn 94%. Công suất phòng hơn 70%, tăng 7%.
Trong đó, khách tham quan tại các khu điểm du lịch, vui chơi giải trí ước khoảng 950.000 lượt; khách du lịch nội địa đến thành phố Hồ Chí Minh ước khoảng 320.000 lượt.
Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết, điểm nhấn của chuỗi ngày lễ năm nay là chương trình tham quan Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia trụ sở Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Sau hai ngày tổ chức, chương trình tham quan đón tiếp hơn 1.500 lượt khách trong và ngoài nước.
Trong 5 ngày nghỉ lễ, tỉnh Thừa Thiên Huế đón 99.000 lượt khách, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó có khoảng 36.300 lượt khách quốc tế, tăng gấp 26 lần so với năm 2022. Doanh thu du lịch ước đạt 153 tỉ đồng.
Dịp lễ năm nay, lượng khách đến Huế đông là nhờ hiệu ứng của tuần lễ Festival nghề truyền thống Huế và các lễ hội hưởng ứng của các địa phương. Ngoài ra, ngành du lịch đã tạo một số sản phẩm dịch vụ hấp dẫn, thu hút du khách như: phố đi bộ, địa điểm chụp ảnh mới ở các địa phương.
Ước tính có khoảng 250.000 lượt du khách và người địa phương đến tham quan hội.