Doanh nghiệp xăng dầu: Nợ thuế nhưng thừa tiền để cá nhân phạm pháp
Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu. Nhiều doanh nghiệp nợ thuế bảo vệ môi trường nghìn tỷ, nhưng lại thừa tiền cho vay nợ, dẫn tới những sai phạm nghiêm trọng.
Nhiều vi phạm, tồn tại trong quản lý xăng dầu
Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, thời gian qua, công tác quản lý, điều hành thị trường xăng dầu đã có nhiều kết quả tốt, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định xã hội... Tuy nhiên, quá trình thực hiện không tránh khỏi những tồn tại, thiếu sót.
Theo kết luận thanh tra, xăng dầu là mặt hàng quan trọng, thiết yếu, là yếu tố "đầu vào" của các hoạt động sản xuất kinh doanh; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số cơ chế, chính sách liên quan đến kinh doanh xăng dầu đã bộc lộ nhiều bất cập; công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu của một số bộ, ngành có nhiều hạn chế, tồn tại, vi phạm... dẫn đến, gián đoạn nguồn cung xăng dầu tại một số thời điểm, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, phát triển kinh tế...
Kết quả thanh tra cho thấy, Tổng cục Thuế và nhiều cục Thuế thực hiện chưa đầy đủ, chưa đúng quy định, thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến nhiều thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nợ thuế bảo vệ môi trường hàng nghìn tỷ đồng trong nhiều kỳ, nhiều năm, vi phạm quy định.
Thông tin về việc nợ thuế bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp là một vấn đề nghiêm trọng. Việc đánh giá và thu hồi các khoản nợ thuế là một phần quan trọng của việc quản lý ngân sách và tuân thủ các quy định pháp luật.
Xử lý các doanh nghiệp xăng dầu vi phạm để ổn định thị trường
Với vai trò trong việc giám sát, Thanh tra Chính phủ cũng đã có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành liên quan thực hiện các biện pháp xử lý về cơ chế, chính sách; về kiểm điểm, xử lý trách nhiệm; xử lý kinh tế.
Trong đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ, tài liệu vụ việc để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật với một số nội dung sau:
Một là, hành vi vi phạm pháp luật trong việc kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu; việc sử dụng Quỹ BOG tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức.
Hai là, Hành vi vi phạm pháp luật trong việc kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu tại Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil.
Ba là, hành vi vi phạm pháp luật trong việc kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu; việc sử dụng Quỹ BOG sai mục đích bình ổn giá tại Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà.
Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng chuyển kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm nêu tại kết luận thanh tra.
Thuế bảo vệ môi trường là một loại thuế được áp dụng lên các hoạt động, sản phẩm hoặc dịch vụ gây ra tác động tiêu cực đến môi trường. Mục tiêu của loại thuế này không chỉ là thu ngân sách mà còn là khuyến khích sử dụng tài nguyên môi trường một cách hiệu quả hơn và giảm thiểu tác động xấu đối với môi trường.
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tại thời điểm 31/10/2022, một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu còn nợ, chưa nộp ngân sách Nhà nước số tiền thuế bảo vệ môi trường là 6.323.909 triệu đồng.
Tại thời điểm 30/9/2022, có 6/15 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu được thanh tra đang nợ tiền thuế bảo vệ môi trường là 3.219.344,6 triệu đồng.
Liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty Xuyên Việt Oil, trước đó, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an (A09) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra Lệnh tạm giam đối với 02 bị can trong vụ án hình sự: "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", xảy ra tại Công ty Xuyên Việt Oil và một số cơ quan, tổ chức liên quan, quy định tại các Điều 219 Bộ luật Hình sự.
Trước đó, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định về việc thu hồi Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu đối với Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil.
Một trong những nguyên nhân là vì công ty này chậm nộp thuế, số thuế cưỡng chế lên tới trên 684 tỉ đồng. Từ tháng 6/2023, Xuyên Việt Oil là liên tục doanh nghiệp đứng đầu danh sách nợ thuế với số tiền lên đến 1.529 tỉ đồng và nhiều lần bị cơ quan thuế nhắc nhở, bêu tên. Trong đó chỉ riêng tiền thuế bảo vệ môi trường hơn 1.244 tỉ đồng và số tiền Quỹ Bình ổn xăng dầu hình thành tại doanh nghiệp này lên tới hàng trăm tỉ đồng.
Đáng chú ý, các cá nhân các bị can Mai Thị Hồng Hạnh, sinh năm 1979, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil và Nguyễn Thị Như Phương, sinh năm 1992; Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil đều được điều tra về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" với số tiền hàng nghìn tỷ đồng. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp này mặt ngoài vẫn than nghèo trốn nợ, nhưng bên trong đã làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng cho các cá nhân.
Việc thất thoát hàng nghìn tỷ đồng từ các doanh nghiệp vào tay cá nhân thông qua cách thức không minh bạch là một hành vi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngân sách quốc gia và có thể dẫn đến những hậu quả lớn cho cả cộng đồng và nền kinh tế, cần được xử lý nghiêm minh.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/doanh-nghiep-xang-dau-no-thue-nhung-thua-tien-de-ca-nhan-pham-phap-179240105120058116.htm