Điện gió ngoài khơi đầy tiềm năng, nhưng khó khai phá

18:00 - 05/10/2022

Không khó để nhận ra điện gió ngoài khơi là nguồn năng lượng tái tạo tiềm năng, dồi dào của Việt Nam, tuy nhiên, dù đã có nhiều đề xuất khảo sát nhưng việc đi vào khai thác thực tiễn vẫn vấp phải nhiều vướng mắc, khó khăn.

Điện gió ngoài khơi đầy tiềm năng, nhưng khó khai phá - Ảnh 1.

Tập đoàn Năng lượng tái tạo Mainstream (Mainstream Renewable Power) và đối tác Việt Nam, Tập đoàn AIT, đã lắp đặt hệ thống đo gió LiDAR cho dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi Bến Tre công suất 500 MW.
Ảnh: Nangluongvietnam.vn

55 đề xuất khảo sát điện gió ngoài khơi 

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến ngày 31/8, cơ quan này đã nhận được 55 đề xuất khảo sát điện gió ngoài khơi. 

Có một đề xuất đo gió do nhà đầu tư trong nước đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường chấp thuận với diện tích 36m2 để lắp đặt trạm Lidar gió trên biển phục vụ lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi Bến Tre.

Theo đó, tổng công suất đề xuất là trên 100.000 MW; đề xuất có công suất nhỏ nhất là 500 MW; đề xuất có công suất lớn nhất là 6.000 MW. Tổng diện tích đề xuất khảo sát trên biển xấp xỉ 30.000km2,

Ngoài ra, theo thống kê chưa đầy đủ từ các địa phương có biển, có khoảng 40 đề xuất khảo sát điện gió ngoài khơi mà 100% là của nhà đầu tư trong nước, có phạm vi vùng biển từ 6 hải lý trở vào thuộc thẩm quyền thẩm định, chấp thuận của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh.

Đối với Việt Nam, đến thời điểm này phần lớn mọi người đều nhìn thấy và hiểu về những tiềm năng to lớn của ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi.
Ông Sebastian Hald Buhl, Giám đốc quốc gia Tập đoàn Ørsted tại Việt Nam

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia và nhà đầu tư, điện gió ngoài khơi là một ngành có tiềm năng to lớn. Bởi lẽ, đây là nguồn tài nguyên thiên nhiên chưa được khai thác và giống như tài nguyên dầu khí của Việt Nam, có thể mang lại nguồn lợi kinh tế đáng kể đồng thời giúp cung cấp lượng điện năng nội địa đáng tin cậy để đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của Việt Nam, nhất trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng toàn cầu đang diễn ra với giá các loại nguyên liệu than, dầu, khí đều tăng cao.

Vướng mắc chồng chất 

Sau khi nhận được các đề xuất khảo sát điện gió ngoài khơi, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương liên quan; Tổ chức các cuộc họp tham vấn, trao đổi với các bên liên quan.

Theo đó, về phía Bộ Quốc phòng, cơ quan này đề nghị cần điều chỉnh quy mô, diện tích khi khu vực khảo sát chồng lấn với khu vực dành cho các hoạt động quốc phòng, hoặc luồng hàng hải; cần lưu ý đến các vấn đề về an toàn hàng hải, quản lý người phương tiện nước ngoài trong vùng biển Việt Nam.

Cùng vấn đề này, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị không cấp phép khảo sát đo gió, địa chất, địa hình trên biển với một số khu vực biển đề xuất khảo sát bị chồng lấn với luồng hàng hải quốc gia.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu việc đo gió, khảo sát địa chất địa hình trên biển không được xâm phạm các khu vực bảo tồn, nuôi trồng thủy sản hiện hữu.

Còn Bộ Công An khẳng định, các tổ chức, cá nhân nước ngoài chưa được phép thực hiện hoạt động đo gió, khảo sát địa chất, địa hình trên vùng biển Việt Nam theo quy định tại khoản 4, Điều 9 Nghị định số 11.

Bộ Công thương cho biết, các tổ chức, cá nhân tự bỏ kinh phí điều tra khảo sát và chịu mọi trách nhiệm trong trường hợp dự án không được cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Các nguồn năng lượng tái tạo nếu được đưa vào quy hoạch chỉ có tổng công suất, phần lớn không có tên và không có chủ đầu tư. Việc lựa chọn Nhà đầu tư sẽ được thực hiện theo các quy định của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Điện gió ngoài khơi đầy tiềm năng, nhưng khó khai phá - Ảnh 5.

Điện gió ngoài khơi vẫn đang gặp phải nhiều vướng mắc về pháp lý, lẫn kỹ thuật.

Trước những vướng mắc, băn khoăn trên của các bộ ngành liên quan, Bộ Tài nguyên và Môi trường bày tỏ, để giải quyết vấn đề này rất khó khăn, bởi ngoài vấn đề vướng về pháp lý thì về mặt kỹ thuật cũng chưa quy định rõ.

Cụ thể, hiện chưa có quy định về diện tích khu vực biển chấp thuận cho sử dụng để đo gió, khảo sát địa chất, địa hình, đánh giá tác động môi trường trên biển là bao nhiêu ha trên 1 MW công suất dự kiến đối với từng khu vực biển.

Cũng chưa có quy định công suất điện gió tối đa cho một dự án là bao nhiêu, chẳng hạn 500 MW, 1.000 MW hay 2.000 MW… để vừa đảm bảo khuyến khích nhà đầu tư tham gia dự án, vừa đảm bảo cân đối hệ thống truyền tải điện.

Ngoài ra, cũng chưa có quy định công suất dự kiến để khảo sát là bao nhiêu MW trong từng thời kỳ quy hoạch cho phù hợp với tổng công suất điện gió ngoài khơi lũy kế đến năm 2030 được xác định khi Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) được phê duyệt.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho hay, hiện chưa có tiêu chí lựa chọn nhà phát triển dự án có kinh nghiệm, năng lực và có cam kết rõ ràng về tiến độ, chất lượng khảo sát điện gió ngoài khơi. Chưa có quy hoạch các vùng biển có tiềm năng và khả năng phát triển điện gió.

Trong thời gian xử lý, tháo gỡ các vướng mắc nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất Thủ tướng Chính cho phép tạm dừng việc thẩm định, chấp thuận khảo sát điện gió ngoài khơi, cho đến khi Chính phủ ban hành Nghị quyết về hoạt động đo gió, quan trắc, điều tra, khảo sát địa chất, địa hình đánh giá tác động môi trường trên biển.

Nhìn ra thế giới 

Trên thế giới, điện gió ngoài khơi đã được nhiều quốc gia khai thác từ sớm và hiện đang được chú trọng đẩy mạnh đầu tư, phát triển như một nguồn năng lượng tái tạo tiềm năng.

Tại Mỹ, ngày 15/9, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố kế hoạch thúc đẩy các dự án điện gió nổi ngoài khơi nhằm tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo.

Bộ Nội vụ Mỹ nêu rõ chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2035 sẽ sản xuất 15 GW điện gió nổi ngoài khơi, đủ để cung cấp điện cho hơn 5 triệu hộ gia đình. Mỹ cũng tìm cách đến năm 2035 giảm 70% chi phí sản xuất điện gió nổi ngoài khơi.

Trước đó, theo giới chức Mỹ, 2/3 tiềm năng khai thác điện gió ngoài khơi nằm ở các vùng nước sâu - như ngoài khơi bờ biển California và Oregon - đòi hỏi phải có các tua-bin điện gió nổi. Chính phủ Mỹ đã thông báo tài trợ gần 50 triệu USD để nghiên cứu và phát triển chương trình này. Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm cho biết bộ này sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ để đảm bảo rằng các dự án điện gió nổi ngoài khơi không ảnh hưởng đến hoạt động đánh bắt cá và môi trường sống của động vật hoang dã.

Điện gió ngoài khơi đầy tiềm năng, nhưng khó khai phá - Ảnh 6.

Trang trại gió Seagreen. Ảnh: windeurope.org

Còn tại Scotland, ngày 23/8, trang trại gió Seagreen đã đi vào hoạt động. Trang trại có tổng cộng 114 tua bin với tổng công suất 1.075 MW, đủ khả năng cung cấp điện cho 1,6 triệu hộ gia đình. Dự kiến trang trại sẽ đi vào hoạt động hoàn toàn trong nửa đầu năm 2023.

Dự án Seagreen có trị giá 4,3 tỉ USD, là dự án trang trại điện gió ngoài khơi lớn nhất ở Scotland và cũng là công trình điện gió có độ sâu nhất thế giới, với độ sâu 59m so với mặt nước biển.

Là nhà phát triển điện gió ngoài khơi thế giới với hơn 30 năm kinh nghiệm trong phát triển, xây dựng và vận hành các trang trại điện gió ngoài khơi trên toàn cầu, "ông lớn" năng lượng Orsted của Đan Mạch nổi danh với loạt công trình điện gió lớn nhất thế giới như Hornsea 1, Hornsea 2.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/dien-gio-ngoai-khoi-day-tiem-nang-nhung-kho-khai-pha-17922100510010213.htm