Đề thi tuyển sinh Ngữ văn 10 đề cập đến phương châm hội thoại trong thơ có hợp lí?
Sở Giáo dục và Đào tạo Long An vừa tổ chức kì thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2023-2024. Đáng chú ý, đề thi môn Ngữ văn có một câu ở phần đọc hiểu được nhiều giáo viên, giảng viên cho là phản cảm.
Theo đó, phần đọc hiểu cho ngữ liệu là một đoạn trích trong bài "Bếp lửa" của nhà thơ Bằng Việt. Trong đó, câu 2 hỏi: "Trong đoạn thơ, nhân vật người bà đã vi phạm phương châm hội thoại nào? Vì sao?"
Liên quan đến câu hỏi của đề thi này, nhiều giáo viên Ngữ văn bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông và giảng viên đại học đã có những chia sẻ nhận định.
Một giảng viên ở An Giang thốt lên: "Bà vừa chạy giặc vừa trồng rau nuôi con, chăm cháu; mới xong bình dân học vụ, có ai nói, ai chỉ cho bà biết phương châm hội thoại là gì đâu... Để giờ này (đề thi) kết tội bà "vi phạm". Tội bà quá mà tụi con ơi!"
Cùng tâm trạng, giáo viên N.C.T ở Bình Định bày tỏ: "Ôi thuơng bà quá. Tại sao lại tách ra một câu như vậy để hỏi nhỉ. Bất ổn quá khi nó đang nằm trong cả đoạn thơ thủ thỉ tâm tình của hai bà cháu".
Còn thầy giáo S.T ở Quảng Ngãi thẳng thắn: "Câu hỏi vô duyên, chả hiểu gì về thơ, về tình yêu thương của bà dành cho cháu, cả bố mẹ của cháu nữa...".
"Ngôn ngữ thơ và ngôn ngữ sinh hoạt khác nhau mà. Lý thuyết "Phương châm hội thoại" chỉ nên vận dụng trong "hội thoại", là ngôn ngữ trong giao tiếp hằng ngày, không áp đặt cho thơ", thầy giáo N.H ở Thành phố Hồ Chí Minh bình luận.
Phân tích sâu hơn về câu hỏi của đề thi này – chuyên ngành ngôn ngữ học, giảng viên C.M.L, Trường Đại học Quy Nhơn nêu quan điểm:
"Câu hỏi: "Người bà trong đoạn thơ đã vi phạm phương châm hội thoại nào?" Chắc chắn học sinh sẽ trả lời: "về chất", "về lượng" hay về phương châm gì đó mà chúng đã học. Khi trả lời như vậy, ắt trong đầu học sinh nghĩ xấu về bà hoặc bà đã có tội làm xấu tiếng Việt.
Ngữ dụng học với lý thuyết hội thoại chủ yếu áp dụng cho tranh luận logic, tức xác lập mối quan hệ tương tác chặt chẽ của đối thoại. Không thể dùng lý thuyết này đánh giá quan hệ giao tiếp thông thường, giao tiếp nghệ thuật. Càng không thể áp dụng cho thơ.
Ngữ dụng học xác định nghĩa thực dụng ở bối cảnh trong lời lẫn ngoài lời, kể cả chủ thể và đối tượng trong lời nói, nhưng việc cắt xén lời nói ra khỏi ngữ cảnh, bỏ qua chủ thể và đối tượng rồi đánh giá thì tự nó phản dụng học. Ngữ dụng học là sản phẩm của giới nghiên cứu ngôn ngữ. Học sinh phổ thông học tiếng Việt để sử dụng đúng và tốt, không thể nhầm tưởng mỗi học sinh đều là một nhà nghiên cứu ngôn ngữ.
"Cách dạy học và ra đề thi Ngữ văn như hiện nay chẳng khác nhồi vào suy nghĩ của trẻ em gây hoang tưởng rằng trẻ em là bậc thầy ngôn ngữ đứng ra dạy khôn cho cha mẹ, ông bà của chúng", giảng viên C.M.L bức xúc.
Thầy giáo Phan Anh, giáo viên Ngữ văn bậc trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thêm, bài thơ "Bếp lửa" của nhà thơ Bằng Việt là những hồi tưởng và suy ngẫm của người cháu đã trưởng thành, nhớ lại những kỉ niệm đầy xúc động về người bà và tình bà cháu. Qua đó, tác giả bộc lộ những tình cảm sâu nặng đối với gia đình, quê hương, đất nước.
Đoạn thơ được trích dẫn trong đề thi tái hiện, trong sự tàn khốc của cuộc chiến tranh: "Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi/ Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi/ Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh".
Trước bi kịch của hiện thực ấy, người bà vẫn mạnh mẽ, kiên cường sống và nuôi nấng người cháu. Bà đã dặn dò cháu: "Vẫn vững lòng, bà dặn cháu đinh ninh:/ Bố ở chiến khu, bố còn việc bố,/ Mày có viết thư chớ kể này kể nọ,/ Cứ báo nhà vẫn được bình yên!"
Mặc cho sự khó khăn thiếu thốn nơi quê nhà, bà vẫn nói rằng có thể lo toan mọi việc, mục đích để các con yên tâm công tác, phục vụ cách mạng. Lời dặn của bà không chỉ tạo chỗ dựa vững chắc cho những đứa con xa nhà mà còn là điểm tựa vững chắc cho cả người cháu.
Hình ảnh người bà qua lời dặn đã làm nổi bật lên vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ, người mẹ anh hùng Việt Nam. Họ không những giàu lòng vị tha mà còn giàu đức hi sinh. "Thế nhưng, đề thi lại hỏi: "Trong đoạn thơ, nhân vật người bà đã vi phạm phương châm hội thoại nào?", là cách đặt câu hỏi khiên cưỡng, áp đặt, khác nào làm hỏng nội dung, nghệ thuật của bài thơ "Bếp lửa". Trong khi đó, đây là bài thơ đẹp, đã để lại ấn tượng với bao thế hệ học trò" - thầy giáo Phan Anh nêu băn khoăn.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/de-thi-tuyen-sinh-ngu-van-10-de-cap-de-phuong-cham-hoi-thoai-trong-tho-co-hop-li-179230608134242476.htm