Đề thi thử tốt nghiệp Ngữ văn tỉnh Bắc Giang bàn về việc không đánh mất bản thân
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang vừa tổ chức kì thi thử tốt nghiệp trung học phổ thông (lần 2), trong đó đề thi môn Ngữ văn bàn về những việc bản thân cần làm để không đánh mất những điều quý giá mình đang có.
Gợi ý đọc hiểu trích đoạn thơ "Bóng lá"
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính là biểu cảm.
Câu 2. Trong hai khổ thơ đầu, hình tượng người mẹ được khắc họa qua những từ ngữ, hình ảnh: lá trầu khô, nước dòng sông, mắt ướt, chân chim.
Câu 3. Biện pháp tu từ ẩn dụ thể hiện trong các hình ảnh: than hồng, mầm xanh, tro tàn, lá vàng, có tác dụng diễn tả những chiêm nghiệm đầy xót xa và nỗi hối tiếc của người con về những sai lầm, mê muội của tuổi trẻ: mải mê chạy theo những giá trị phù phiếm, đánh mất tuổi trẻ, nhiệt huyết và cả những gì quý giá mình đang có, để rồi nhận lại là những mất mát, tàn phai.
Câu 4. Nội dung của câu thơ là thời khắc chiếc lá lìa gãy khỏi cành, chỉ điềm không lành, thời khắc mẹ rời xa cõi trần.
Không đánh mất bản thân và giá trị quý giá mình đang có
Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp, kết hợp lí lẽ và dẫn chứng để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng cần nêu rõ được những điều bản thân cần làm để không đánh mất những giá trị quý giá mình đang có.
Thí sinh có thể lập luận theo hướng nhận thức đúng đắn về bản thân, hiểu được những giá trị quý giá mà mình đang có. Mỗi người đều nên chăm chỉ học tập, lao động để không ngừng tạo ra những giá trị mới cho bản thân. Quan tâm, chăm sóc người thân trong gia đình; chia sẻ, giúp đỡ những người xung quanh, lan tỏa tình yêu thương và sự tử tế.
Dũng cảm đấu tranh với cái xấu, cái ác, những bất công để bảo vệ những giá trị tốt đẹp trong hiện tại. Không chạy theo những giá trị ảo, tỉnh táo, sáng suốt sống trọn vẹn trong từng khoảnh khắc của hiện tại.
Hình tượng người lái đò trong đoạn trích "Người lái đò sông Đà"
Giới thiệu hình tượng người lái đò: là người lao động bình dị vô danh trên mảnh đất Tây Bắc xa xôi của tổ quốc, gắn bó với nghề lái đò trên sông Đà.
Hình tượng người lái đò trong trận vượt thác: với tốc độ phi phàm và sự chính xác đến mức tuyệt đối, người lái đò khéo léo đưa con thuyền vượt qua trùng vi thạch trận hiểm nguy bậc nhất, bộc lộ rõ bản lĩnh của một vị dũng tướng, sự thành thạo lão luyện của một người lao động tâm huyết với nghề và sự tài hoa một người nghệ sĩ chèo đò với tay lái ra hoa.
Hình tượng người lái đò sau trận vượt thác: thản nhiên tận hưởng hương vị của cuộc sống, tuyệt nhiên không nhắc một lời nào đến chiến thắng vừa qua nơi ải nước, bộc lộ phẩm chất khiêm nhường của người lao động bình dị mà phi thường, anh hùng mà nghệ sĩ, dũng cảm mà tài hoa.
Về nghệ thuật: Khắc họa hình tượng người lái đò Sông Đà trong mối quan hệ mật thiết với hình tượng Sông Đà; vận dụng tổng hợp tri thức ở nhiều lĩnh vực, nhiều ngành nghệ thuật; ngôn ngữ phong phú, trác tuyệt, câu văn phóng túng, tự do; giọng văn hào hứng, say mê; phép so sánh, liên tưởng kì thú; nghệ thuật đòn bẩy.
Đánh giá chung: Đoạn trích đã khắc họa tuyệt đẹp cái Tài, cái Dũng, cái Tâm của người lái đò Sông Đà. Qua đó, nhà văn ngợi ca kì tích lao động của con người trong công cuộc chinh phục thiên nhiên, khám phá và tôn vinh chất vàng mười đã qua thử lửa trong tâm hồn những con người lao động Tây Bắc.
Hình tượng người lái đò đã thể hiện những nét độc đáo trong phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân: ngông, tài hoa, uyên bác. Đồng thời, qua nhân vật, nhà văn muốn gửi tới người đọc một thông điệp sâu sắc: chủ nghĩa anh hùng cách mạng không chỉ có ở trong chiến đấu mà còn có ngay trong công cuộc lao động dựng xây đất nước.
Nhận xét về những chuyển biến trong quan niệm nghệ thuật về con người của Nguyễn Tuân từ sau cách mạng tháng Tám
Nguyễn Tuân luôn khám phá con người ở phương diện tài hoa, nghệ sĩ. Trước cách mạng, Nguyễn Tuân tìm vẻ đẹp tài hoa nghệ sĩ trong quá khứ, trong lớp người "đặc tuyển", phi thường; con người lí tưởng là con người cô đơn nổi loạn, bất hòa với thực tại.
Sau cách mạng, ông đi tìm vẻ đẹp tài hoa nghệ sĩ của con người ngay trong hiện tại; hướng ngòi bút của mình đến những con người lao động bình dị vô danh. Ông phát hiện ra nét tài hoa nghệ sĩ của họ ngay trong công việc lao động vô cùng nguy hiểm nhưng cũng vô cùng cao cả.
Hình tượng con người lí tưởng là những con người bình dị mà tài hoa, có sự gắn bó hài hòa giữa riêng - chung, cá nhân - cộng đồng. Họ là con người của thời đại hôm nay đang cống hiến sức mình để bảo vệ và dựng xây đất nước.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/de-thi-thu-tot-nghiep-ngu-van-tinh-bac-giang-ban-ve-viec-khong-danh-mat-ban-than-179230523204826992.htm