Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn: Khoảng lặng chờ đợi để thành công
Theo công văn hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc đổi mới trong ra đề kiểm tra và thi Ngữ văn đã xuất hiện nhiều đề Ngữ văn sáng tạo, giàu cảm xúc. "Trong hành trình đi đến thành công, bạn có dành cho mình khoảng lặng chờ đợi?" - là một đề văn như vậy.
Sở Giáo dục và Đào tạo Bà Rịa - Vũng Tàu vừa tổ chức kì thi học sinh giỏi lớp 12, trong đó câu nghị luận xã hội của đề Ngữ văn mang tính phản biện cao: Trong hành trình đi đến thành công, bạn có dành cho mình khoảng lặng chờ đợi?
Còn câu nghị luận văn học yêu cầu làm sáng tỏ nhận định: "Thơ là… sự im lặng giữa các từ. Nếu người ta lắng nghe cái im lặng đó, thì có những tiếng dội vang rất đa dạng và tinh tế" (Tố Hữu).
Học sinh có cơ hội chứng tỏ tài năng phản biện xã hội
Giải thích: "Hành trình đi đến thành công" là quá trình đầy nhọc nhằn, vất vả, thậm chí có nhiều khó khăn và thử thách mà con người cần phải có ý chí, nỗ lực để hiện thực hóa ước mơ, mong muốn, hoài bão của mình.
"Khoảng lặng chờ đợi" là khoảng thời gian con người tạm dừng lại ở trạng thái mong ngóng, suy tư về những điều sẽ đến trên hành trình cuộc sống của mình; là khoảnh khắc biết suy nghĩ, chiêm nghiệm về quá khứ, hiện tại để lập kế hoạch cho tương lai.
Bàn luận: Con đường đi đến thành công không phải bao giờ cũng suôn sẻ mà là một hành trình nhiều chặng, nhiều ngã rẽ, nhiều lựa chọn, nhiều biến cố… rất cần đến những khoảng lặng chờ đợi.
Những khoảng lặng chờ đợi có ý nghĩa rất quan trọng với thành công của mỗi người: giúp chúng ta bình tâm, lắng lòng để kiểm chứng, nhìn nhận mọi vấn đề một cách chu đáo; chuẩn bị tâm thế đón nhận, ứng phó với những khó khăn, thử thách trước mắt; kiên nhẫn tin và hi vọng vào ngày mai; tái tạo mọi năng lượng tích cực để chuẩn bị hành trình tiếp theo.
Phê phán những người hời hợt, nông cạn, thiếu kiên nhẫn, thiếu niềm tin. Khoảng lặng chờ đợi là khoảnh khắc tạm dừng chứ không phải là lùi bước, là chấm hết; không phải là "há miệng chờ sung", thụ động, buông xuôi, chậm trễ; mà chính là "xốc" lại hành trang để vững vàng bước tiếp.
Nếu trên hành trình ấy có quá nhiều khoảng lặng chờ đợi thì đôi khi sẽ khiến chúng ta bỏ lỡ cơ hội, khó hiện thực hóa ước mơ, khó chạm đến thành công. Trong hành trình đi đến thành công, bên cạnh những khoảng lặng, chúng ta cần phải năng động, sáng tạo, nhạy bén.
Phần nghị luận văn học giàu cảm xúc thơ
Giải thích: Thơ là một thể loại trữ tình, là sự thổ lộ một cách mãnh liệt những cảm xúc cá nhân của người nghệ sĩ. "Thơ là… sự im lặng giữa các từ": đề cập đến chất thơ của thơ. Thơ thường không bộc lộ ở những điều được viết ra mà là ở những chỗ trống, những khoảng trắng, ở sự im lặng giữa các chữ các lời; đó là những điều được cảm qua ý nghĩa ngoài lời chứ không phải ở ý nghĩa mặt chữ của câu thơ.
"Nếu người ta lắng nghe cái im lặng đó": Thái độ đồng cảm, biết phát hiện trong quá trình cảm thơ, tiếp nhận thơ của người đọc. "Tiếng dội vang rất đa dạng và tinh tế": đề cập đến giá trị của thơ ca. Thơ đọng lại trong lòng người đọc sự sâu sắc về nội dung và sự tinh tế về hình thức thể hiện. Thơ còn để lại những thông điệp, những dư âm, có những tác động nhất định vào tâm hồn người đọc, đánh thức những tình cảm sâu kín nhân bản. Ý kiến của nhà thơ Tố Hữu đã chỉ ra được đặc trưng, bản chất của thơ ca.
Bàn luận: Nhận định của nhà thơ Tố Hữu về thơ rất đúng đắn. Văn học nói chung và thơ ca nói riêng đều sử dụng ngôn từ nghệ thuật làm phương tiện biểu hiện. Ngôn ngữ của thơ ca là ngôn ngữ đòi hỏi sự cô đọng hàm súc. Đôi khi chỉ là một hình ảnh thơ, một tứ thơ mà lại mở ra nhiều ý nghĩa, nhiều cách hiểu khác nhau.
Ngôn ngữ thơ còn là ngôn ngữ được chưng cất từ cảm xúc, được chắt chiu và gạn lọc, đó là ngôn ngữ đã đạt đến độ tinh, vậy nên có sự đa dạng về mặt ý nghĩa cũng như cách hiểu. Một bài thơ có tiếng vang, là bài thơ thể hiện được những tình cảm sâu kín, nhân bản dưới hình thức thơ điêu luyện, tinh tế. Để làm được điều đó, nghệ sĩ phải thật sự là một tấm lòng đôn hậu, nhân văn và phải có tài năng nhất định.
Sự lắng nghe của người đọc chính chính là quá trình giải mã, suy ngẫm, phát hiện ra được vẻ đẹp bất ngờ, tinh tế của thơ ca. Người đọc ngoài năng lực rung cảm, thẩm bình và nhạy bén trước ngôn ngữ thì sự đồng điệu với tác giả, trải nghiệm sống phong phú cùng vốn văn hóa sâu sắc là con đường để đến với thơ. Học sinh chọn và phân tích một số bài thơ hoặc khổ thơ tiêu biểu để minh họa.
Đánh giá: Tầm vóc tư tưởng, tài năng nghệ thuật của nhà thơ bộc lộ ngay trong chính cách nhà thơ lựa chọn và sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh. Bởi vậy, khi sáng tác, nhà thơ cần chú ý phát hiện, sáng tạo được những "mắt thơ" có giá trị. Ý kiến của nhà thơ Tố Hữu là một gợi ý cho bạn đọc về cách đánh giá, nhận diện một tác phẩm thơ đặc sắc; đặt ra thử thách đối với các tác giả khi cầm bút sáng tác.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/de-thi-hoc-sinh-gioi-van-can-khoang-lang-cho-doi-de-thanh-cong-17923010214194342.htm