Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn "cực chất": Cảm xúc cũng cần được nghỉ ngơi như cảm cúm

14:25 - 20/12/2022

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tổ chức kì thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 12 trong đó có môn Ngữ văn. Đề thi môn này được nhiều giáo viên đánh giá hay, có "đất" cho học sinh sáng tạo. Đề gồm 2 câu: nghị luận xã hội và nghị luận văn học, thời gian làm bài 180 phút.

Một đề thi học sinh giỏi Ngữ văn hay: Cảm xúc cũng cần được nghỉ ngơi như cảm cúm - Ảnh 1.

Một đề thi học sinh giỏi Ngữ văn hay: Cảm xúc cũng cần được nghỉ ngơi như cảm cúm.

Nghị luận xã hội

Trên Báo Hoa Học Trò mới đây, tác giả Khánh An có bài viết "Cảm xúc cũng cần được nghỉ ngơi như cảm cúm". Trong đó, tác giả bài viết có kể lại câu chuyện bản thân từng viết đơn xin phép nghỉ học vì lý do đang cảm thấy buồn bã, bị stress. Nhưng lí do đó không thuyết phục được giáo viên.

Theo anh/chị, nhà trường có nên chấp nhận những lý do nghỉ học như tác giả bài viết nêu ra hay không? Vì sao?

Nghị luận văn học

Trong tập tiểu luận "Đi tìm sự thật biết cười" (Umberto Eco, Vũ Ngọc Thăng dịch, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2004, trang 64), nhà văn Umberto đã viết: "Tác giả nên biến mất sau khi viết xong để khỏi làm phiền".

Anh/ chị hiểu như thế nào về ý kiến trên? Bằng trải nghiệm văn học của mình, anh/ chị hãy bình luận ý kiến đó.

Một đề thi học sinh giỏi Ngữ văn hay: Cảm xúc cũng cần được nghỉ ngơi như cảm cúm - Ảnh 2.

Học sinh xin nghỉ vì lý do "cảm xúc bất ổn" đi vào đề thi Ngữ văn học sinh giỏi.

Gợi mở về câu nghị luận xã hội

Nêu quan điểm của bản thân về vấn đề: Học sinh cần nêu rõ quan điểm của mình về việc nhà trường nên hay không nên chấp nhận lí do học sinh nghỉ học do đang buồn, bị stress…

Buồn bã, cảm thấy chán nản, stress là lúc cảm xúc của con người đang bị "cảm cúm", trạng thái tinh thần bất ổn. Đó là lúc con người khó có khả năng tiếp thu, học tập như ở trạng thái tâm lí bình thường.

Bàn luận: Cảm xúc của mỗi con người góp phần rất quan trọng, thậm chí điều khiển con người trong suy nghĩ, hành động. Trạng thái tinh thần bất ổn sẽ ngăn trở con người đạt kết quả cao trong học tập, làm việc.

Sức khỏe tinh thần là vấn đề hết sức quan trọng để giữ cho con người cân bằng được cảm xúc và có suy nghĩ tích cực. Vấn đề này cần được nhìn nhận một cách khách quan, đúng đắn và phải được quan tâm sâu sắc, nhất là đối với lứa tuổi học sinh – lứa tuổi thanh thiếu niên.

Khi cảm xúc thật sự bị "cảm cúm", khi tinh thần con người đang ốm, đang bất ổn thì cần phải được quan tâm, chăm sóc, chữa trị. Mặc dù căn bệnh này khó nhìn thấy bằng mắt thường nhưng nó thực sự tổn thương đến con người, nhất là học sinh, nếu không được để tâm hồn chăm sóc.

Cuộc sống càng hiện đại, sức khỏe tinh thần con người càng dễ tổn thương. Mỗi lúc cảm xúc "cảm cúm" con người cần được nghỉ ngơi chữa lành cơn đau. Song, điều này không đồng nghĩa với việc lười nhác, biện hộ, ỷ lại… tìm mọi cách để trốn tránh việc học.

Bài học: Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần con người, đặc biệt là ở lứa tuổi học sinh.

Xã hội, nhà trường, gia đình cần có những chương trình, hoạt động cụ thể để giúp học sinh cân bằng cảm xúc và có suy nghĩ tích cực. Xem xét và chấp nhận lí do nghỉ học vì buồn bã, stress của học sinh cũng là một việc cần cân nhắc nghiêm túc.

Mỗi cá nhân cần cố gắng sống lạc quan, xây dựng cho mình tư duy tích cực, thế giới quan và nhân sinh quan đúng đắn.

Bàn thêm về câu nghị luận văn học

Giải thích: "Bước đi của văn bản" đề cập đến sự tiếp nhận của người đọc. Với sự tiếp nhận đó, văn bản sản sinh ra nghĩa và trở thành tác phẩm. Sự tiếp nhận của người đọc khá độc lập với chủ ý của tác giả.

Ý kiến của nhà văn Umberto Eco bàn về tính độc lập của văn bản trong mối quan hệ với cả "cha đẻ" của nó là tác giả. Đời sống của tác phẩm tùy thuộc vào các yếu tố tự thân của nó và sự tiếp nhận của đọc giả.

Bàn luận: Trong quá trình sáng tác, những trải nghiệm phong phú của bản thân tác giả được thể hiện trong văn bản. Tác giả gửi gắm tình cảm thái độ và thông điệp của mình qua các tầng lớp ý nghĩa của văn bản. Chủ ý của tác giả nằm sâu bên trong các yếu tố của văn bản.

Tuy nhiên, văn bản khi đã có sự sống (được tiếp nhận) thì nó lại độc lập với tác giả. Khi đó, tác giả không còn tác động đến tác phẩm. Tự thân tác phẩm có các yếu tố quy định cách hiểu về nó và nó có đời sống riêng, không còn phụ thuộc vào định hướng của tác giả. Điều này xuất phát từ đặc trưng của văn học là nghệ thuật ngôn từ và mang tính đa nghĩa.

Khi văn bản đến với người đọc, việc người đọc tiếp nhận văn bản với tất cả trải nghiệm của bản thân sẽ khởi động quá trình tạo nghĩa của văn bản, lúc đó văn bản sẽ trở thành tác phẩm. Song, ý nghĩa của tác phẩm cũng không hoàn toàn do người đọc tùy tiện, áp đặt mà nó phải dựa trên các yếu tố tự thân của văn bản quy định.

Quá trình tiếp nhận là quá trình gặp gỡ giữa chủ ý của người viết và chủ ý của người đọc thông qua tác phẩm văn học. Đời sống độc lập của một tác phẩm và sự tiếp nhận khác nhau giữa các thế hệ, các cá nhân… tạo nên ý nghĩa hết sức đa dạng và phong phú của tác phẩm. Đó chính là sức sống mãnh liệt của tác phẩm văn chương.

Thông qua quá trình trải nghiệm để bình luận ý kiến: Tùy vào trải nghiệm văn học của mình, trên cơ sở hiểu biết về tác giả,tác phẩm, học sinh tùy chọn tác phẩm để phân tích, làm rõ vấn đề lí luận văn học đã bàn ở trên, từ đó bình luận về ý kiến đó.

Thông qua việc phân tích tác phẩm cụ thể, học sinh chứng minh được: Tác phẩm văn học vừa bộc lộ tâm tư, tình cảm, thái độ… của tác giả, vừa có đời sống độc lập với chủ ý của người tạo ra nó.

Người đọc với sự tiếp nhận của mình đã làm giàu có, phong phú thêm cho ý nghĩa của tác phẩm tạo nên sức sống mãnh liệt của mỗi tác phẩm.

Ý kiến của nhà văn Umberto Eco thể hiện cái nhìn khách quan, đúng đắn về vai trò của tác giả - tác phẩm - độc giả, mỗi yếu tố đều quan trọng và góp phần tạo nên giá trị của tác phẩm. Đó là sự hấp dẫn muôn đời của văn chương.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/de-thi-hoc-sinh-gioi-ngu-van-cuc-chat-cam-xuc-cung-can-duoc-nghi-ngoi-nhu-cam-cum-179220818182244308.htm