Đề khảo sát Ngữ văn: Giá trị của việc trân trọng, yêu thương chính mình

08:26 - 16/05/2024

Câu nghị luận xã hội đề khảo sát chất lượng học sinh lớp 12 (lần 2) môn Ngữ văn tỉnh Thanh Hoá yêu cầu học sinh bàn về giá trị của việc trân trọng, yêu thương chính mình.

Đề khảo sát Ngữ văn: Giá trị của việc trân trọng, yêu thương chính mình- Ảnh 1.

Giá trị của việc trân trọng, yêu thương chính mình giúp ta có thể chấp nhận con người thật với ưu điểm và cả nhược điểm, biết dành những điều tốt đẹp cho bản thân và hướng bản thân đến lối sống lành mạnh.

I. ĐỌC HIỂU

Đọc văn bản:

đừng làm một chú ốc sên

thu mình trước những sấm rền, bão giông

cũng đừng làm nhánh xương rồng

dù bao khốc liệt vẫn gồng mình xanh

bởi vì tim nhỏ mong manh

nên ta càng phải dỗ dành, yêu thương

những khi vấp ngã trên đường

không cần tỏ vẻ: bình thường không đau

cứ òa khóc mỗi khi đau

sẻ chia những chuyện làm nhau thấy buồn

chỉ là chẳng được phép buông

khóc rồi thì gạt lệ tuôn, mỉm cười

cuộc đời có mấy đôi mươi

đừng luôn sợ sệt mà lười bước đi

cũng đừng gắng gượng làm chi

rồi mang đau đớn chất ghì vào tim

sống như là một chú chim

vẫn luôn bay mãi đi tìm trời xanh

những khi mưa đổi gió hạnh

thì tìm chỗ trú, chữa lành vết thương

hãy làm một kẻ bình thường

và luôn học cách yêu thương chính mình.

(Hồ Dương Mộng Tuyền, Đi vòng thế giới vẫn quanh một người, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, Hà Nội, 2022, trang 85-86)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Xác định thể thơ của văn bản

Câu 2. Tìm từ láy được sử dụng trong hai câu thơ sau:

bởi vì tim nhỏ mong manh

nên ta càng phải dỗ dành, yêu thương

Câu 3. Nêu nội dung của những dòng thơ dưới đây:

cứ òa khóc mỗi khi đau

sẻ chia những chuyện làm nhau thấy buồn

chỉ là chẳng được phép buông

khóc rồi thì gạt lệ tuôn, mỉm cười

Câu 4. Anh/chị có đồng tình với quan điểm "cuộc đời có mấy đôi mươi đừng luôn sợ sệt mà lười bước đi" của tác giả không? Vì sao?

II. LÀM VĂN

Câu 1. Anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về giá trị của việc trân trọng, yêu thương chính mình.

Câu 2. Phân tích đoạn trích mở đầu (từ đầu đến "Bố đừng bán con cho nhà giàu) tác phẩm Vợ chồng A Phủ. Từ đó, nhận xét tấm lòng của nhà văn Tô Hoài được thể hiện trong đoạn trích.

Gợi ý đáp án

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Văn bản viết theo thể thơ lục bát.

Câu 2. Từ láy được sử dụng trong hai câu thơ là: mong manh.

Câu 3. Những dòng thơ: "cứ òa khóc mỗi khi đau/ sẻ chia những chuyện làm nhau thấy buồn/ chỉ là chẳng được phép buông/ khóc rồi thì gạt lệ tuôn, mỉm cười" có ý nghĩa: Là những cảm xúc chân thực của con người trước những khó khăn gặp phải trên đường đời, hãy cứ sống thật với cảm xúc của chính mình "òa khóc mỗi khi đau" "sẻ chia những chuyện làm nhau thấy buồn" "khóc rồi thì gạt lệ tuôn, mỉm cười"

Tuy nhiên khi đối mặt với những khó khăn ta không được phép buông bỏ, cho dù khó khăn phía trước làm ta gục ngã, hãy dũng cảm bước tiếp trên con đường mình đã chọn.

Câu 4. Gợi ý đồng tình với quan điểm "cuộc đời có mấy đôi mươi đừng luôn sợ sệt mà lười bước đi" của tác giả. Vì tuổi trẻ là độ tuổi đẹp nhất của mỗi người, tràn đầy nhiệt huyết, tiềm năng để khám phá bản thân, theo đuổi ước mơ của chính mình. Nếu trong những năm tháng đầy nhiệt huyết ấy mà ta sợ hãi không tiếp tục cố gắng, lười bước đi, sự lười biếng và do dự đó sẽ là sự kìm hãm bước chân ta, khiến ta bỏ lỡ nhiều điều quý giá. Vì vậy, thay vì chần chừ, hãy dũng cảm bước ra vùng an toàn, thử thách bản thân và học hỏi từ những sai lầm để trưởng thành.

II. LÀM VĂN

Câu 1. Giá trị của việc trân trọng, yêu thương chính mình: Giúp ta có thể chấp nhận con người thật với ưu điểm và cả nhược điểm, biết dành những điều tốt đẹp cho bản thân và hướng bản thân đến lối sống lành mạnh.

Khi biết trân trọng, yêu thương chính mình thì ta mới biết trân trọng, yêu thương người khác, có ý thức đóng góp giá trị của bản thân để phát triển cộng đồng.

Trân trọng, yêu thương bản thân nhưng không ích kỉ, thái quá, phải tôn trọng mọi người, tôn trọng văn hoá dân tộc.

Câu 2. Phân tích đoạn trích mở đầu (từ đầu đến "Bố đừng bán con cho nhà giàu) tác phẩm Vợ chồng A Phủ. Từ đó, nhận xét tấm lòng của nhà văn Tô Hoài được thể hiện trong đoạn trích.

Giới thiệu khái quát về tác giả Tô Hoài, tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" và vấn đề nghị luận

Phân tích số phận của nhân vật Mị:

- Số phận bi thảm của Mị trong cuộc sống hiện tại ở gia đình nhà thống lí Pá Tra: sống âm thầm, lẻ loi, cô độc như một đồ vật, một con vật trong gia đình thống lí; bị bóc lột, bị đày đọa, luôn buồn bã, sầu khổ…(Mị đặt cạnh những vật vô tri, vô giác – tảng đá, tàu ngựa; cúi mặt, mặt buồn rười rượi; cả ngày quần quật lao động…)

- Số phận đau buồn, bế tắc của Mị trong quá khứ: gia đình nghèo xơ xác; gia đình mang món nợ truyền kiếp; Mị bị thống lí Pá Tra gạ đổi món nợ như một món hàng…

Mị có số phận bất hạnh, Mị đang sống một đoạn đời tủi nhục và u buồn, đang kéo lê cuộc đời mình trong căn nhà thống lí Pá Tra. Số phận của Mị có ý nghĩa tiêu biểu cho cuộc đời của rất nhiều những người lao động nghèo miền núi Tây Bắc dưới ách áp bức, bóc lột của bè lũ thực dân, chúa đất.

- Đoạn trích khắc họa sinh động số phận của nhân vật Mị trong hoàn cảnh sống là gia đình nhà thống lí Pá Tra. Từ đó, nhà văn đã tố cáo, phê phán mạnh mẽ tội ác của giai cấp thống trị miền núi, cũng như bày tỏ nỗi thương xót, đồng cảm, chia sẻ với nỗi đau đớn, cuộc sống khốn khổ của người dân lao động nghèo.

- Mạch truyện giản dị, tự nhiên; cách dẫn dắt phảng phất màu sắc của những câu chuyện cổ.

Tấm lòng của nhà văn Tô Hoài được thể hiện trong đoạn trích:

- Xót xa, thương cảm trước số phận bi thảm của người lao động. Tố cáo tội ác của bọn chúa đất.

- Tấm lòng nhân ái của nhà văn góp phần tạo nên giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm. Khẳng định vai trò, vị thế của nhà văn Tô Hoài trong lòng bạn đọc.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/de-khao-sat-ngu-van-gia-tri-cua-viec-tran-trong-yeu-thuong-chinh-minh-179240516082624754.htm