Đề học sinh giỏi Ngữ văn: Mùi thời gian

17:05 - 27/12/2024

Câu nghị luận văn học Kỳ thi chọn học sinh giỏi trung học phổ thông tỉnh Thanh Hoá yêu cầu thí sinh bàn về cái khác trong thơ.

Đề học sinh giỏi Ngữ văn: Mùi thời gian - Ảnh 1.

Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn: Thơ như là mĩ học của cái khác. (Nhan đề quyển sách của nhà nghiên cứu, phê bình Đỗ Lai Thuỷ, Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2012). Vậy cái khác trong thơ là gì? Anh/chị hãy làm sáng tỏ điều đó qua bài thơ "Mùi thời gian của" tác giả Vũ Thiên Kiều.

Gợi ý đáp án

Giải thích ý kiến: Mĩ học trong thơ là vẻ đẹp của thơ ca. Cái khác là sự độc đáo, riêng biệt về nội dung và hình thức nghệ thuật. Như vậy, nói cái khác trong thơ là nói đến cái riêng, cái độc đáo, khác biệt mang tính thẩm mĩ của thơ. Đó là bản chất của thơ.

Lý giải: "Thơ là hình thức tổ chức ngôn từ đặc biệt, tuân theo một mô hình thi luật hoặc nhịp điệu nhất định. Mô hình này làm nổi bật mối quan hệ giữa âm điệu và ý nghĩa của ngôn từ thơ ca". Như vậy, bản thân hình thức tổ chức ngôn từ đặc biệt của thơ đã tạo nên điểm khác biệt, độc đáo cho thể loại này.

- Văn học nói chung, thơ ca nói riêng là nghệ thuật của sự độc đáo. Thơ cho phép nhà thơ tự do tìm tòi, sáng tạo: vừa tuân thủ vừa phá vỡ những quy tắc của luật thơ, thể loại, ngôn ngữ để diễn tả những rung cảm mãnh liệt, những ấn tượng hay xúc động tinh tế của nhà thơ trước thế giới. Mỗi nhà thơ mang một cá tính sáng tạo với những nét riêng độc đáo. Viết thơ là cách họ "tự giải bày và gửi gắm tâm tư" (Lê Ngọc Trà) và đóng dấu "vân tay" tạo nên những "vân chữ" không trộn lẫn.

- Cái khác của thơ thể hiện ở chỗ: thơ là hình thức nghệ thuật sử dụng ngôn từ để tạo ra những hình ảnh và âm thanh mang tính thẩm mĩ, gợi cảm xúc. Thơ thường có đặc điểm ngắn gọn, súc tích, giàu hình ảnh với nhịp điệu, vần điệu đặc trưng. Thơ thường mang đến góc nhìn mới mẻ, khác biệt so với những gì chúng ta thấy trong cuộc sống hàng ngày.

- Cái khác biệt trong thơ tạo nên vẻ đẹp riêng cho tác phẩm cũng là biểu hiện của phong cách nghệ thuật tác giả. Điều này còn giúp thơ trở thành một hình thức mĩ học độc đáo, nơi mà sự khác biệt được tôn vinh.

Làm sáng tỏ "cái khác trong thơ" qua bài thơ "Mùi thời gian" của tác giả Vũ Thiên Kiều.

"Mùi thời gian" là tiếng nói của tình cảm, tư tưởng, là hiện thân của cái đẹp gắn liền với sự khám phá độc đáo, mới lạ.

- Bài thơ viết về đề tài không mới là thân phận con người sau chiến tranh. Điểm mới lạ của bài thơ là ở chỗ: nhà thơ đi sâu diễn tả nỗi ám ảnh hạnh phúc của người phụ nữ khi mê mải, đắm chìm trong hồi ức yêu thương không thể dứt ra được. Họ tìm quên thực tại mất mát bằng những dấu vết còn sót lại dù chỉ là "mùi" của người thương mến.

- Tiếp nối mạch nguồn tư tưởng, cảm hứng nhân đạo, nhân văn của văn học Việt Nam, điểm độc đáo của bài thơ Mùi thời gian chính là nỗi lòng đồng cảm thấm thía đến xót xa của tác giả với "thân phận tình yêu" và nỗi nhớ mênh mông, sâu thẳm, sự thuỷ chung như hoá đá của người phụ nữ sau chiến tranh.

"Mùi thời gian" là một cấu trúc ngôn từ đặc biệt được tổ chức khác lạ.

- "Mùi thời gian" có cấu tứ nghệ thuật độc đáo. Toàn bộ bài thơ xoay quanh hành động "mở rương", "đọc thư" của nhân vật "chị". Từ đây thế giới kỉ niệm về "anh" tràn về, bao chiếm toàn bộ tâm hồn và cảm xúc của người phụ nữ. Thời gian quá khứ, hiện tại đan xen, đồng hiện theo dòng ý thức của nhân vật và nhuốm mùi thương nhớ, khắc khoải khôn nguôi. Kết cấu lặp lại đầu cuối tương ứng gọi ra vòng quay tuần hoàn tiếp diễn của hành động và cảm xúc của nhân vật.

- Hệ thống hình ảnh thơ trong "Mùi thời gian" có những nét riêng biệt:

Kênh hình ảnh quá khứ và hiện tại đan xen. Quá khứ được tái hiện qua những hình ảnh gắn với kỉ niệm tuổi thơ là "bánh ít lá gai", "chuối chừng nóng hổi", "lá bình bát xinh xinh", gắn liền với những yêu thương hối hả trong những nét "chữ miết chữ" mà "anh" viết vội... Hiện tại đọng lại trong những hình ảnh "chiếc đàn mưa", "tàu dừa", ánh "đèn" đêm,...

Nét khác biệt nổi bật của hình ảnh thơ trong bài thơ là giàu tính biểu tượng, mang màu sắc tượng trưng, hàm súc; "chiếc rương"- nơi cất giữ thời gian, kỉ niệm về "anh", "chiếc đàn mưa" - tiếng nỉ non trong đêm rả rích như tiếng lòng của người phụ nữ thao thức nhớ thương.

- "Mùi thời gian" làm theo thể thơ tự do, không có vần, các khổ thơ chỉ viết hoa đầu dòng câu thứ nhất, cách ngắt dòng đầy ngẫu hứng tạo nên một thứ nhịp điệu riêng.

- "Mùi thời gian" có những sáng tạo riêng trong thủ pháp nghệ thuật. Lối viết theo dòng ý thức của nhân vật tạo sự đồng hiện của quá khứ và hiện tại, sự kết hợp giữa tự sự và trữ tình làm nổi bật xúc cảm của nhân vật.

- "Mùi thời gian" có những sự phá cách" về ngôn ngữ. Những kết hợp từ lại "mùi thời gian", "cánh đồng khát nước", "mồ hôi cười",... Điều đó tạo nên cách cảm nhận "lạ hoá", khơi gợi nhiều suy tưởng, mở ra những khoảng lặng, khoảng trống, khoảng trắng cho thơ. Các biện pháp tu từ: điệp ngữ, điệp cấu trúc, nhẫn hoa, liệt kế, ẩn dụ... làm tăng giá trị gợi hình, gợi cảm cho ngôn ngữ thơ,

Với những nét độc đáo về nội dung, tư tưởng, cảm xúc và hình thức nghệ thuật, bài thơ Mùi thời gian của Vũ Thiên Kiều đã mang được "vẻ đẹp khác" của thơ ca.

Bàn luận, mở rộng

- Nhận định trên hoàn toàn đúng đắn. Sự khác biệt độc đáo tạo nên vẻ đẹp riêng của thơ, khiến thơ luôn là "bà chúa của nghệ thuật".

- Nhận định đặt ra yêu cầu đối với người sáng tác và tiếp nhận:

+ Để viết được những bài thơ mang vẻ đẹp độc đáo, khác biệt đòi hỏi người nghệ sĩ phải có khát vọng, tâm huyết, di dưỡng tâm hồn, rèn luyện tài năng.

+ Người đọc phải biết phát hiện, trân trọng những sáng tạo mới mẻ, khác biệt về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật của tác phẩm.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/de-hoc-sinh-gioi-ngu-van-mui-thoi-gian-179241227170534386.htm