Để có chuyến du lịch nước ngoài vui và bổ ích nên quan tâm những gì?
Chắc chắn bạn sẽ tìm được rất nhiều lời khuyên từ bạn bè, người thân, hay trên Google khi chuẩn bị du lịch nước ngoài. Tìm hiểu càng kỹ càng chủ động trong chuyến đi.
Tìm hiểu kỹ nơi mình sẽ đến
Việc tìm hiểu kỹ này bao gồm từ: quy định thủ tục nhập cảnh, luật pháp, quy định của nước sở tại đến văn hoá, phong tục, tập quán, an ninh, an toàn, giao thông đi lại…, và cả những "cạm bẫy" ngọt ngào nữa.
Nhập cảnh là hoạt động đầu tiên khi bước chân đến một đất nước khác. Trong tờ khai nhập cảnh, hãy khai trung thực. Nếu khai đầy đủ, bạn sẽ không bị đánh giá là thiếu trung thực khi kiểm tra thấy có những thứ mình mang quá quy định, hoặc quy định không cho phép mà mình lại có trong hành lý. Việc không khai đúng, khai đủ rất dễ bị dánh giá là cố tình che giấu, thiếu trung thực. Và đây là "tội" to mà luật pháp không có "chỗ thông cảm".
Một điều nữa dễ bị mắc là mỗi nước có một quy định khác nhau về những đồ ăn có thể mang vào. Cần tuân thủ nghiêm túc để không bị phạt "oan". Một số nước có thể mang hoa quả tươi từ Việt Nam vào, không bị cấm, nhưng một số nước lại tuyệt đối không thể. Điển hình là Australia và New Zealand, rất khắt khe trong quy định này. Australia và New Zealand là hai nước có hoa quả rất ngon, nhiều và rẻ, nên không cần mang hoa quả của mình vào. Điều này nhiều người biết. Tuy nhiên đã có trường hợp ăn quả táo trên máy bay không hết, cất vào túi. Khi nhập cảnh khai không có quả tươi mang theo nhưng lại bị soi thấy quả táo "cắn dở". Cũng là vi phạm phải trình bày.
Hoặc thuốc lá mang theo cũng rất phải tuân thủ đúng số lượng được phép mang vào. Hải quan rất nghiêm trong việc thực hiện. Họ quy định như thế nào sẽ thực hiện đúng như thế, không có "du di". Không gì "xót" hơn khi phải tự tay cầm số thuốc lá mang theo quá quy định bỏ vào thùng rác để huỷ, hay nộp tiền phạt ở mức thà vứt còn hơn, hoặc cầm thuốc quay lại nơi xuất phát. Những ai chót nghiện thuốc chắc cảm được nỗi đau này.
Mỗi chuyến đi là một trải nghiệm. Bạn rất nên dành thời gian để tìm hiểu kỹ nơi mình sẽ đến. Bởi mỗi một địa điểm, một công trình, một di tích, danh thắng,… đều ẩn chứa trong mình những câu chuyện bổ ích và thú vị. Trải nghiệm của mỗi chuyến đi sẽ dày dặn thêm rất nhiều nếu hiểu được những câu chuyện, lịch sử, truyền thuyết… gắn với những nơi mình đến.
Chẳng hạn khi biết nhà ga Paddington (Anh) được lấy cảm hứng từ chú gấu Paddington - một nhân vật hư cấu đã trên 60 tuổi, được ví von là "bảo vật quốc gia" của người Anh, là nhân vật hoạt hình đầu tiên xuất hiện trong một video cùng Nữ hoàng Anh, bạn sẽ thấy ấn tượng và thú vị hơn với nhà ga này.
Hoặc đồi Gallert ở Budapest (Hungary) cũng có nét đáng lục lại sử sách để tìm hiểu. Trên đỉnh đồi là tượng Nữ thần tự do hay còn gọi là Tượng đài tự do. Đây là tác phẩm của điêu khắc gia nổi tiếng Kisfaludi Strobl Zsigmond, được cắt băng khánh thành ngày 4-4-1947 - một ngày đáng nhớ trong lịch sử của Hungary.
Cùng một chuyến đi, cùng một sự nhìn, nhưng cái thấy, cái thu hoạch được của mỗi người nhiều - ít, rất khác nhau.
Lên kế hoạch thật kỹ nhưng không cần quá chi tiết
Khi mới "hạ cánh" xuống một đất nước xa lạ, chắc hẳn mỗi người đều sẽ có chút ngỡ ngàng. Một không gian khác, ngôn ngữ không quen thuộc, văn hoá lạ, ra khỏi sân bay như thế nào, tìm đường tới khách sạn như thế nào, nên đi bus hay taxi. Lời khuyên đối với những bạn tự đi, không theo các tour trọn gói, là hãy lên kế hoạch cẩn thận để tránh cảm giác bỡ ngỡ này. Xin mở ngoặc thêm là đi theo tour có cái tiện, cái nhàn, nhưng tự đi sẽ muôn phần thú vị hơn, nhất là với những ai muốn nán lại ở những nơi mình thích, ngắm những thứ mình quan tâm.
Khi tự đi, nhiều người thường lên một kế hoạch chi tiết ngày nào đi những đâu, di chuyển bằng phương tiện gì và thời gian ra sao. Tuy nhiên, đây chỉ nên là danh sách để tham khảo, "khung lý thuyết" cho các hoạt động. Bởi, trong chuyến đi sẽ có rất nhiều tình huống phát sinh, một địa điểm không có trong lịch trình được người dân bản địa gợi ý, một nơi bạn muốn dành nhiều thời gian hơn, một nhà hàng bạn muốn quay lại vào ngày hôm sau, một người bạn đã lâu không gặp giờ lại tình cờ gặp lại. Vì vậy, đừng quá cứng nhắc đi theo lịch trình đã định sẵn, hãy thoải mái tận hưởng chuyến đi theo cách mà bạn thích. Để chủ động, hãy lập "quỹ dự phòng" thời gian cho những phát sinh có thể xảy ra này.
Hãy tính toán thời gian rộng dài một chút để không bị lỡ chuyến bay
Ngày khởi hành, nên ra sân bay sớm hơn quy định phải có mặt tại sân bay, để yên tâm không bị lỡ chuyến.
Đến ngày về, càng nên sắp xếp thời gian để ra sân bay kịp lúc. Rất không nên tranh thủ đi xem hoặc đi mua thêm gì đó, cho dù địa điểm đó không xa nơi ở. Đặc biệt, với những tín đồ mua sắm, khi đã làm xong thủ tục từ sớm ở sân bay, sẽ có rất nhiều thời gian để thoải mái ngó nhìn ở cửa hàng miễn thuế rất hấp dẫn.
Một điều rất cần được quan tâm là, khi du lịch mở cửa trở lại sau 2 năm đóng cửa, hạn chế đi lại do đại dịch COVID-19, rất nhiều các hãng hàng không phải hoãn, huỷ chuyến, các sân bay đông chật người do nhu cầu đi lại tăng cao, do bị dồn, ứ từ các chuyến bay bị hoãn, huỷ chuyến. Hãy luôn cập nhật thông tin về chuyến bay của mình và đến sân bay sớm nhất có thể để bảo đảm kịp làm thủ tục check in.
Giấy tờ tùy thân nhưng cũng tùy trường hợp mới mang theo
Hộ chiếu và visa là giấy tờ quan trọng nhất cần chuẩn bị khi du lịch nước ngoài. Hầu hết các nước đều yêu cầu hộ chiếu phải còn hạn ít nhất 6 tháng kể từ ngày nhập cảnh. Còn với visa, có những nước không yêu cầu visa (tra cứu kỹ trong danh sách), có những nước cấp bạn visa với thời hạn ngắn dài khác nhau. Do đó hãy chú ý thời hạn visa để có một chuyến du lịch êm ả.
Từ ngày 1/7, Việt Nam bắt đầu cấp hộ chiếu phổ thông mẫu mới. Thủ tục xin cấp hộ chiếu không phức tạp. Mọi công dân có thể khai online tờ khai xin cấp hộ chiếu và thực hiện các thủ tục theo hướng dẫn. Các thủ tục này khá đơn giản. Ngày trả hộ chiếu rất đúng hẹn. Có điều thời hạn số ngày hẹn trả hộ chiếu là tính theo số ngày làm việc, không bao gồm ngày nghỉ, ngày lễ.
Việc xin cấp visa (hay nói gọn là xin visa), có nhiều người sử dụng dịch vụ của các công ty du lịch. Cách này nhàn, khả năng đạt visa cao vì các công ty có kinh nghiệm trong hướng dẫn làm hồ sơ xin cấp visa, nhưng tốn phí dịch vụ. Với những người có thời gian tìm hiểu, nghiên cứu kỹ những yêu cần cần thực hiện để hoàn thành hồ sơ xin visa, có kinh nghiệm xin visa thì thường tự thực hiện mà không qua các công ty du lịch. Với những người trong hộ chiếu đã thể hiện có nhiều chuyến đi, khả năng xin được visa gần như là chắc chắn.
Nhiều người còn băn khoăn có nên mang theo căn cước công dân không. Câu trả lời là không, vì hộ chiếu sẽ có vai trò chứng minh nhân thân cho bạn khi ở nước ngoài, chứ không phải căn cước. Do đó, nếu không quá cần thiết, hãy để căn cước ở nhà để tránh bị mất trong khi ở nước ngoài.
Một kinh nghiệm nữa là đừng quên scan photo giấy tờ quan trọng để đề phòng trường hợp thất lạc giấy tờ. Bạn có thể luôn mang theo bản gốc bên mình, chia cho bạn đồng hành giữ giúp một bản photo công chứng, một bản để trong két an toàn tại khách sạn. Nhưng cũng nên tuỳ theo bối cảnh ở từng quốc gia, vì biết đâu có những nơi để bản chính tại khách sạn còn an toàn hơn mang theo bên mình. Như vậy nếu chẳng may có trục trặc, bị rơi hay mất một bản, chúng ta vẫn có 2 bản dự phòng khác để thuận tiện cho các thủ tục pháp lý về sau.
Hãy giữ hộ chiếu thật cẩn thận, đặc biệt cảnh giác ở những chỗ đông người, trên các phương tiện công cộng hay bị chen lấn.
Chuẩn bị tiền khi du lịch nước ngoài nhưng bao nhiêu là đủ
Tất nhiên chi phí cho mỗi chuyến du lịch cũng tuỳ thuộc vào sở thích và cách chi tiêu của từng cá nhân. Tuy nhiên, có 1 số chi phí có thể ước chừng trước được bao gồm: tiền khách sạn, tiền di chuyển, tiền vé vào các khu vui chơi,... Với chi phí như ăn uống và mua sắm, có thể chuẩn bị một khoản gấp 2 lần chi phí hàng ngày ở Việt Nam. Đặc biệt, nên chuẩn bị sẵn một thẻ thanh toán quốc tế Visa hoặc Master Card.
Nhìn chung, hiện nay các quốc gia đều dần chuyển sang hình thức thanh toán thẻ, nên số tiền mặt cần mang theo bên mình cũng không cần quá lớn. Một là, nếu sử dụng không hết, khi đổi sang tiền Việt thường sẽ bị thiệt do tỷ giá mua vào - bán ra. Hai là, mang theo lượng lớn tiền mặt trong người khi ở một quốc gia xa lạ cũng khá nhiều rủi ro. Vì thế, với các khoản chi tiêu nhỏ như ăn uống, mua quà lưu niệm bên lề đường,… thì có thể dùng tiền mặt, còn các khoản như vé máy bay, khách sạn… thì nên dùng thẻ.
Một điều cần lưu ý là không nên cầm các tờ tiền có mệnh giá lớn mà nên đổi thành các mệnh giá nhỏ. Ngoài ra, tiền khi mang theo người cũng nên chia ra nhiều nơi chứ không nên để tập trung tất cả trong ví.
Chuẩn bị hành lý cẩn thận nhưng đừng mang theo cả "thế giới"
Rất nhiều người khi đi du lịch thường mang theo nhiều đồ dùng sinh hoạt, phòng trường hợp "bên đấy" không có, hoặc khó mua, nên "thà rằng thừa còn hơn thiếu". Tuy nhiên, những đồ dùng thực sự cần thiết chỉ bao gồm: giấy tờ tuỳ thân, một vài bộ quần áo, đồ vệ sinh cá nhân, mỹ phẩm, thuốc thông thường (cảm sốt, dầu gió, thuốc bệnh của bản thân...), các thiết bị sạc (điện thoại, máy ảnh,…).
Ở các nước, phương tiện giao thông công cộng là rất phổ biến. Đi bộ là hình thức di chuyển phổ thông. Vì thế nên lựa chọn kỹ đôi giày để bảo đảm di chuyển cả ngày vẫn thoải mái, bảo đảm tốc độ, không bị đau chân. Đi bộ cả ngày cần một đôi giày rất khác so với đi bộ một tiếng hoặc đi bộ một chút rồi lại đi xe. Đã có không ít trường hợp, do lựa chọn giày không phù hợp, đành phải bỏ chuyến tham quan giữa chừng, hoặc cố đi nhưng mất vui vì quá đau chân do giày không phù hợp. Giày đế bệt có đệm cao su êm, giày thể thao là những lựa chọn phù hợp.
Đồ đạc nên gọn gàng để không quá quy định lên máy bay. Chúng ta thường có tâm lý vali to hơn chút chắc không sao đâu, hay hơn 1kg chắc không bị phạt đâu. Nhưng hiện nay, các hãng bay đều thực hiện quy định về hành lý rất nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn cho hành khách. Do đó, hãy tìm hiểu kỹ về số lượng vali, kích thước vali hay cân nặng, số kiện hàng mà bạn được phép mang theo, để đỡ mất thêm tiền phí mua thêm cân. Ngoài ra, với những bạn thích mua đồ lưu niệm, hãy để ý dành chút không gian trong vali khi khởi hành, để mang được những món đồ mua trong khi du lịch.
Một điều cần chú ý nữa là, với những chuyến bay dài, phải quá cảnh, chuyển máy bay, việc thất lạc hành lý gửi theo máy bay hoàn toàn không hiếm xảy ra. Vì thế, trong vali hành lý mang theo người nên sắp xếp đồ dùng sao cho nếu bị thất lạc hành lý gửi theo máy bay vẫn không bị thiếu những đồ thiết yếu trong sinh hoạt hàng ngày.
Tải ứng dụng chỉ đường và phải học cách xem bản đồ thành thạo
Chắc hẳn trong mỗi chiếc điện thoại thông minh của chúng ta đều có sẵn một vài ứng dụng bản đồ, như Google Map, nhưng sẽ ra sao nếu chúng ta đi vào khu vực không có sóng điện thoại? Do đó, nhiều khách du lịch có kinh nghiệm chia sẻ, chúng ta nên tải các ứng dụng chỉ đường offline, phòng khi điện thoại không thể kết nối mạng thì vẫn có thể tìm được đường.
Tuy nhiên, một điều quan trọng hơn là phải làm quen với các ứng dụng bản đồ này và "học" cách xem bản đồ trước. Bản đồ thiết kế như thế nào, sử dụng ra sao, xác định phương hướng trên bản đồ như thế nào. Trên thực tế, rất nhiều người "tưởng" mình đã biết xem bản đồ trên điện thoại, nhưng đến khi cần sử dụng mới phát hiện ra "không hiểu mũi tên chỉ hướng này thì mình đi thẳng tiếp hay phải đi ngược lại?".
Du lịch là trải nghiệm, là thu nạp thêm kiến thức, năng lượng tích cực, mở rộng tầm nhìn, làm phong phú thêm đời sống tinh thần. Nếu chuẩn bị thật kỹ là tiền đề để có những chuyến đi thú vị.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/de-co-chuyen-du-lich-nuoc-ngoai-vui-va-bo-ich-nen-quan-tam-nhung-gi-179220713000909605.htm