Dạy và học môn "Lịch sử và Địa lí" - Bài 2: Đặc trưng của học tập phát triển năng lực
Việc phát triển năng lực học sinh trong môn học Lịch sử và Địa lí có gì khác so với việc phát triển năng lực trong môn Khoa học tự nhiên và mở rộng hơn là trong các môn Toán, Ngữ văn…? Để trả lời cho câu hỏi này cần xuất phát từ đặc điểm của tri thức lịch sử và tri thức địa lí.
>> Bài 1: Thế giới đổi mới giáo dục khoa học xã hội như thế nào?
Ở Bài 1: Thế giới đổi mới giáo dục khoa học xã hội như thế nào? Tiến sĩ Nguyễn Phùng Tám, khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đã chia sẻ về chủ đề "Dạy học phát triển năng lực trong môn Lịch sử và Địa lí cấp trung học cơ sở". Vậy đặc trưng của học tập phát triển năng lực là gì, Tiến sĩ Nguyễn Phùng Tám tiếp tục chia sẻ với độc giả Tạp chí Công dân và Khuyến học vấn đề này, từ đó tìm ra phương pháp tiếp cận với môn học Lịch sử và Địa lý khoa học và hiệu quả nhất.
Đặc điểm của tri thức lịch sử là tính quá khứ, tính khách quan, chân thật, tính toàn diện và gắn liền với không gian, thời gian, con người cụ thể.
Còn những tri thức của địa lí thì tiếp cận theo nhận thức không gian, gắn liền với con người cụ thể, với các hiện tượng tự nhiên và kinh tế xã hội. Tìm hiểu tri thức địa lí sẽ gắn liền với các công cụ quan sát, công cụ hỗ trợ việc học tập.
Những đặc điểm trên của tri thức lịch sử và địa lí sẽ quy định sự khác biệt của học tập phát triển năng lực trong môn Lịch sử và Địa lí với các môn học khác.
Đặc trưng học tập phát triển năng lực của học sinh trong môn Lịch sử và Địa lí được thể hiện một cách cụ thể. Trước hết, học sinh sẽ được làm việc với các nguồn dữ liệu lịch sử và địa lí.
Các dữ liệu do học sinh thu thập, lưu trữ từ nhiều nguồn và hình thức khác nhau như hình ảnh tư liệu, những đoạn phim hoạt hình, những mô hình 3D, những dữ liệu truyền thống như sách, báo, các bảng thống kê, bản đồ, bảng biểu…
Tiếp đó, học sinh sẽ phải lựa chọn, sàng lọc để triển lãm các sản phẩm dữ liệu mình có, giới thiệu những nét nổi bật nhất liên quan đến nội dung và kiến thức cơ bản, trọng tâm của bài học.
Các triển lãm được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Có thể là các bảo tàng thực tế, bảo tàng ảo hay các công cụ hỗ trợ. Tại những vùng chưa có điều kiện phát triển mạng internet, triển lãm bài học có thể là các bản thảo viết tay, những bài báo tường, phòng tranh,...
Không dừng lại ở đấy, để đánh giá năng lực thực hành trong quá trình học tập của học sinh, chương trình giáo dục phổ thông mới còn nhấn mạnh những sản phẩm học tập do học sinh sáng tạo nên. Trong đó, mô hình dạy học dự án là điểm nổi bật, giúp học sinh thể hiện được năng lực thực hành trong quá trình học tập lịch sử và địa lí.
Điểm thứ hai, việc dạy – học phát triển năng lực học sinh trong môn Lịch sử và Địa lí còn nhấn mạnh đến quá trình sáng tạo của người học, từ đó làm thay đổi vai trò của người giáo viên, từ truyền thụ tri thức trực tiếp, trở thành người hướng dẫn.
Sau khi thu thập kiến thức từ các dữ liệu, học sinh sẽ sáng tạo ra cách thể hiện, báo cáo mang dấu ấn cá nhân. Quá trình làm việc này cũng chính là quá trình tự học của học sinh.
Vì thế, việc đánh giá kết quả học tập của giáo viên cũng sẽ thay đổi theo hướng phát triển năng lực, tức hướng đến đánh giá sản phẩm của hoạt động học tập. Điều này đảm bảo tính khả thi, hấp dẫn và sức lan tỏa kiến thức mạnh mẽ trong các em học sinh.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/day-va-hoc-mon-lich-su-va-dia-li-bai-2-dac-trung-cua-hoc-tap-phat-trien-nang-luc-179221104171417401.htm