Dạy và học môn "Lịch sử và Địa lí" - Bài 1: Thế giới đổi mới giáo dục khoa học xã hội như thế nào?
Cùng với khoa học tự nhiên, khoa học xã hội có vai trò nền tảng trong hình thành, phát triển nhân cách học sinh, góp phần đáp ứng yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực trẻ trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Lịch sử và Địa lí là hai lĩnh vực quan trọng của giáo dục khoa học xã hội.
Lời Tòa soạn: Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc dạy học Lịch sử và Địa lí đã có sự thay đổi, tiếp cận theo hướng tích hợp với tên gọi môn học mới là "Lịch sử và Địa lí" thay vì dạy theo hướng đơn môn như trước. Sự điều chỉnh này khiến việc tổ chức dạy và học trở nên lúng túng, thiếu phương pháp.
Vậy, tại sao phải tích hợp môn Lịch sử và Địa lí? Đặc trưng của học tập phát triển năng lực trong môn "Lịch sử và Địa lí" là gì? Đổi mới việc dạy – học phát triển năng lực trong môn "Lịch sử và Địa lí" như thế nào?
Trả lời những câu hỏi trên, Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học xin giới thiệu đến bạn đọc chia sẻ của Tiến sĩ Nguyễn Phùng Tám, khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội về chủ đề "Dạy học phát triển năng lực trong môn Lịch sử và Địa lí cấp trung học cơ sở".
Mỹ - quốc gia có truyền thống đào tạo liên môn
Mỹ là quốc gia có truyền thống đào tạo tích hợp liên môn. Ví dụ, ở môn Lịch sử và Khoa học xã hội tại tiểu bang Massachusetts (Mỹ), chương trình này xuyên suốt từ mầm non đến trung học phổ thông. Các chủ đề tích hợp được đan xen rất chặt chẽ, mà mạch chính là giáo dục Lịch sử kết hợp giáo dục Địa lí.
Ở cấp mầm non, chương trình học sẽ xây dựng nền tảng dạy học sinh cùng chung sống, học tập và làm việc. Đến tiểu học, học sinh sẽ được rèn luyện năng lực, kỹ năng, giá trị sống thuộc về lĩnh vực xã hội. Đến cấp trung học cơ sở, chương trình dạy – học tiếp tục nhấn mạnh đến các vấn đề tìm hiểu lịch sử, địa lí và đi sâu vào tìm hiểu một phần của chính phủ và đời sống nhân dân ở Massachusetts.
Và đến cấp trung học phổ thông thì chương trình môn Lịch sử và Khoa học xã hội tại tiểu bang này tiếp tục nhấn mạnh đến những vấn đề thuộc về lịch sử cận đại, hiện đại và những vấn đề gần với đời sống của một công dân như vấn đề về chính trị, kinh tế, tài chính hay truyền thông đa phương tiện…
Chương trình tích hợp Lịch sử và Khoa học xã hội ở tiểu bang Massachusetts đã thể hiện rất rõ hướng nghiên cứu xã hội.
Nhật Bản quan tâm sự đa dạng các hình thức học tập của học sinh
Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai (sau năm 1947), Nhật Bản bắt đầu ban hành một môn học mới là môn Xã hội, thay thế cho tư duy tiếp cận liên môn của lịch sử, địa lý một cách truyền thống như trước đây.
Lớp 7, lớp 8 cấp trung học cơ sở của Nhật Bản có chủ đề liên quan đến dạy học theo hướng tích hợp môn Xã hội không phân biệt rõ ràng giữa phần lịch sử và địa lí, giữa đời sống xã hội trong quá khứ, hiện tại và tương lai, mọi thứ được kết hợp rất nhuần nhuyễn.
Từ năm 1947, những nhà biên soạn chương trình của Nhật Bản đã đưa ra hai nguyên lý giáo dục quán triệt xuyên suốt nền giáo dục của Nhật Bản. Thứ nhất, "nếu học sinh không có hứng thú thì sẽ không có được kinh nghiệm học tập quý giá".
Thứ hai, thay thế hoạt động học thuần túy của đơn môn qua việc ghi chép như trước đây thành việc đa dạng hóa những hoạt động bằng mắt, bằng tay, hoạt động dùng lời nói hoạt động vẽ, hoạt động viết, hoạt động tạo hình...
Từ hai nguyên lý giáo dục này cho thấy rằng người Nhật rất quan tâm đến hứng thú và sự đa dạng của các hình thức học tập ở học sinh. Đây đồng thời cũng là hai điểm mẫu chốt của giáo dục phát triển năng lực gắn liền với hướng tiếp cận mới, không phải hướng đến môn học riêng lẻ mà hướng nghiên cứu xã hội.
Xu hướng dạy và học tích hợp tại Trung Quốc
Hướng tiếp cận các môn học tích hợp được đề xuất tại Trung Quốc từ cuối những năm 1990. Thượng Hải và Triết Giang là hai tỉnh đầu tiên được thí điểm chương trình này. Đến năm 2011, chương trình mới được ban hành theo hướng tích hợp thành môn học mang tên gọi là Lịch sử và Xã hội.
Chương trình này được thí điểm trên toàn tỉnh Triết Giang, còn tại các tỉnh khác ở Trung Quốc vẫn dạy chương trình đơn môn cấp trung học cơ sở.
Trong chương trình thí điểm tiếp cận theo hướng nghiên cứu xã hội, họ nhấn mạnh đến kết cấu nội dung bằng các chủ đề: Không gian và thời gian trong đời sống xã hội; Những biến đổi của đời sống xã hội và tiến triển của nền văn minh; Lựa chọn của sự phát triển.
Các chủ đề này đều gắn liền với đời sống hiện tại trên nhiều phương diện mà con người cần phải giải quyết như kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.
Không dừng lại ở đấy, gần đây nhất, chương trình môn lịch sử dành cho bậc trung học phổ thông bắt đầu được biên soạn từ năm 2017 thống nhất trên toàn Trung Quốc theo hướng nghiên cứu xã hội được thể hiện rõ trong việc module hóa dành cho nhóm học sinh đăng ký học chuyên sâu khoa học xã hội và nhân văn.
Một số chuyên đề học sinh sẽ được học theo chương trình này là chuyên đề như tiền tệ và thuế khóa, quản trị cơ sở và an sinh xã hội. Hay 6 chuyên đề của module thuộc về lĩnh vực "Kinh tế và đời sống xã hội", và các chuyên đề của module 3 – "Giao thoa và truyền bá văn hóa", đã thể hiện rõ tính chủ đề tích hợp.
Ưu việt ở đây là chương trình học tại Trung Quốc đang cố gắng tổ chức, thiết kế, học tập môn Lịch sử theo hướng xây dựng các chủ đề tích hợp, và chúng được thể hiện rõ nét.
Việt Nam theo xu hướng thế giới bằng cách nào?
Trên thế giới, môn Lịch sử và Địa lí được dạy theo xu hướng phát triển năng lực học sinh và xu hướng tích hợp liên môn. Đây trở thành xu thế chủ đạo trong lĩnh vực giáo dục khoa học xã hội.
Tại Việt Nam do rất nhiều nguyên nhân, đặc biệt là do thiếu đội ngũ chuyên gia và còn theo quan điểm là phải giữ bằng được môn Lịch sử như một đơn môn, cộng với sự hưởng ứng của xã hội nên hiện tại, môn Lịch sử và Địa lí dù vẫn được tiếp cận theo hướng nghiên cứu xã hội nhưng chưa đạt đến mức tích hợp hoàn toàn theo xu hướng của thế giới.
Để đưa giáo dục Việt Nam tiếp cận với khoa học giáo dục của thế giới, việc dạy và học tích hợp hầu như được nhận định như một xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, giai đoạn đầu sẽ đối mặt với nhiều thách thức khi đổi mới và cải cách trong dạy và học chưa thực sự đạt được ngưỡng ưu việt. Về tương lai, chúng ta cần nhận thức xu hướng tích hợp liên môn trong lĩnh vực giáo dục khoa học xã hội, lịch sử và địa lí là hạt nhân của quá trình giáo dục khoa học xã hội cho học sinh.