Dạy thêm - học thêm nhìn từ nước ngoài
Ngày 11/11/2021, trước các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết Bộ đang tính đến việc coi dạy thêm là hoạt động kinh doanh có điều kiện. Để bạn đọc có thể hiểu hơn về dạy thêm và học thêm, chúng tôi xin cung cấp thông tin về vấn đề này ở Trung Quốc, Hàn Quốc.
Dạy thêm là vấn đề nổi cộm ở hầu hết các nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam và ở một mức độ nào đó cả ở Nhật Bản. Trên thực tế các nước châu Á, trừ Macao (Trung Quốc) và Thái Lan, đều tìm cách cấm hay hạn chế việc dạy thêm. Cách giải quyết vấn đề của các nước này là gần giống nhau, hạn chế đến mức thấp nhất hoặc cấm dạy thêm.
Tại Trung Quốc
Ngày 24/7/2021, Quốc vụ Viện Trung Quốc, cơ quan nhà nước tối cao nước này đã đưa ra quy định ngăn không cho các công ty vụ lợi dạy thêm các môn học chính. Quy định còn không cho phép mở công ty dạy thêm mới và các công ty hiện có phải đăng ký là công ty không vụ lợi, đặt dấu chấm hết cho ngành "công nghiệp" trị giá 150 tỉ USD mỗi năm.
Biện pháp này được coi là để tăng chất lượng giáo dục, giảm gánh nặng bài tập cho học sinh, giảm áp lực lên bố mẹ và học sinh.
Tháng 3/2021, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát biểu: "Bố mẹ hy vọng các con mình sẽ có một thời kỳ thơ ấu hạnh phúc, nhưng họ lại lo con cháu mình sẽ thua ngay từ vạch xuất phát trong cuộc cạnh tranh về điểm". Theo một nghiên cứu của Trung Quốc, hơn 75% học sinh ở độ tuổi từ 6 đến 18 đi học thêm vào năm 2016 và tỉ lệ này chắc chắn đã tăng trong những năm tiếp theo (trước năm 2021).
Theo hướng dẫn thực hiện, chính quyền địa phương không được cấp phép cho các trung tâm giáo dục dạy thêm các môn cơ bản và cấm dạy thêm vào cuối tuần, ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ hè hay đông. Việc học trực tuyến chỉ được phép kéo dài không hơn 30 phút và chấm dứt trước 9 giờ tối. Thêm vào đó, hướng dẫn cấm sử dụng học liệu nước ngoài.
Về bài tập ở nhà, hướng dẫn yêu cầu các trường học thiết lập cơ chế phối hợp, bảo đảm độ khó của bài tập phù hợp với chuẩn quốc gia và xây dựng chiến lược bài tập ở nhà tuỳ theo tuổi và mục tiêu học tập. Hướng dẫn cụ thể hoá 60 phút làm bài tập cho học sinh từ lớp 3 đến lớp 6 và nhiều nhất là 90 phút cho học sinh trung học phổ thông và quy định không giao bài tập ở nhà cho học sinh lớp 1 và 2.
Hướng dẫn khuyến khích các trường và học sinh sử dụng thời gian rỗi một cách tích cực và khuyến nghị học sinh hoàn thành bài tập sớm, tập thể dục thể thao, đọc sách, ít chơi game và đi ngủ sớm.
Như vậy, quy định mới của Trung Quốc đã đạt mục đích giảm gánh nặng tài chính cho phụ huynh học sinh và căng thẳng cho học sinh. Tuy nhiên, nhiều người Trung Quốc lo rằng dạy thêm cho giới trung lưu cũng sẽ vẫn tồn tại với giá cao hơn mức cao nhất là 200 USD mỗi giờ trước khi quy định được ban hành.
Tại Hàn Quốc
Đất nước này có một bài học mà chúng ta cần phải chú ý. Đó là dạy thêm vẫn tiếp tục ngay cả khi chính phủ Hàn Quốc có những biện pháp cấm. Năm 1980, chính phủ của ông Chun Doo-hwan đã cấm dạy thêm vào năm 1980.
Tuy nhiên, dạy thêm đã trở thành ngành công nghiệp lớn khi được cho phép trở lại vào năm 1991. Năm 2011, chính phủ Hàn Quốc lại một lần nữa tìm cách giảm chi phí cho việc dạy thêm, nhưng cố gắng này cũng không đem lại nhiều kết quả khả quan.
Mặc dù nhà nước đầu tư nhiều vào xây dựng trường học, cải tiến chương trình, nâng cao chất lượng giáo viên và tăng tỉ lệ giáo viên và học sinh, số học sinh học thêm và số trung tâm dạy thêm vẫn tăng mạnh.
Năm 1980, Hàn Quốc chỉ có 381 trung tâm dạy thêm, con số nay tăng lên 14.043 năm 2000, 92.433 năm 2008 và 105.000 năm 2013. Theo một điều tra, khoảng 49,8% học sinh bậc trung học học thêm. Nhà nước cũng cải cách thi tuyển sinh đại học theo hướng giảm tầm quan trọng của kỳ thi này và đưa vào đề thi những phần không thể học thuộc lòng được.
Tại Việt Nam
Chi phí học thêm cũng là khoản lớn nhất đối với các hộ gia đình học sinh phổ thông Việt Nam. Báo cáo phân tích do UNESCO và Viện Khoa học giáo dục phát hành tháng 8 vừa qua cho biết chi phí học thêm với học sinh bậc tiểu học là 32% chi phí của hộ gia đình, bậc trung học cơ sở là 42% và bậc trung học phổ thông là 43%.
Trong tình hình như vậy, việc nghiên cứu, sửa đổi và bổ sung quy định về dạy thêm nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho phụ huynh, bảo đảm phù hợp, thuận lợi cho công tác quản lý hoạt động này trong và ngoài nhà trường là cần thiết. Chúng ta phải làm thế nào để con cháu chúng ta có thể vui vẻ học tốt và vui chơi có ích.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/day-them-hoc-them-nhin-tu-nuoc-ngoai-179221014120637439.htm