Dạy học tích hợp: Nhìn từ hành lang pháp lí
Sau 3 năm triển khai dạy học tích hợp ở bậc trung học cơ sở, giáo viên, hiệu trưởng nhiều địa phương kêu vướng, khó. Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng thừa nhận dạy học "tích hợp" là điểm nghẽn và đã có hướng dẫn tháo gỡ khó khăn cho các trường.
Luật Giáo dục 2019 "lép vế" trước Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT, 2455/QĐ-BGDĐT?
Ngày 21/7/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đào tạo ra Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT ban hành Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Khoa học tự nhiên và Quyết định số 2455/QĐ-BGDĐT ban hành Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Lịch sử và Địa lí (dạy học tích hợp).
Theo đó, 2 Quyết định này cho phép người đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng được học thêm từ 20-36 tín chỉ để dạy môn "tích hợp". Chương trình bồi dưỡng này được coi là điều kiện tối thiểu để mỗi giáo viên có thể bắt đầu triển khai dạy học môn Lịch sử và Địa lí, Khoa học tự nhiên.
Trong khi đó, Luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020) quy định về trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên các cấp học, trong đó có sự thay đổi đối với các bậc học.
Cụ thể, trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo (trích) được quy định như sau: "Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm".
Mục đích của việc nâng trình độ chuẩn được đào tạo đối với giáo viên các cấp học nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực sư phạm của đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới; đồng thời làm căn cứ để thực hiện chế độ chính sách cho nhà giáo.
Phải chăng, hiệu lực pháp lí của Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT, 2455/QĐ-BGDĐT cao hơn Luật Giáo dục 2019?
Giáo viên dạy học tích hợp cần học văn bằng 2 mới đủ tiêu chuẩn trình độ
Ngày 22/6/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT quy định về chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.
Điều 7 quy định khối lượng học tập tối thiểu của một chương trình đào tạo phải phù hợp với yêu cầu của Khung trình độ quốc gia Việt Nam, cụ thể như sau (trích):
Chương trình đào tạo đại học: 120 tín chỉ, cộng với khối lượng giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng-an ninh theo quy định hiện hành; Chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù trình độ bậc 7: 150 tín chỉ, cộng với khối lượng giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng-an ninh theo quy định hiện hành; hoặc 30 tín chỉ đối với người có trình độ đại học thuộc cùng nhóm ngành.
Như thế, trung bình mỗi năm sinh viên phải tích lũy 30 tín chỉ mới đủ điều kiện tốt nghiệp đại học. Nhưng Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT, 2455/QĐ-BGDĐT cho phép người đã tốt nghiệp đại học được học thêm 20 tín chỉ để dạy môn tích hợp là thiếu 10 tín chỉ so với quy định tại Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT.
Cùng với đó, ngày 30/3/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 10/2018/TT-BGDĐT quy định về đào tạo bằng tốt nghiệp thứ hai trình độ đại học, trình độ cao đẳng đào tạo nhóm ngành giáo viên. Điều kiện của người dự tuyển đào tạo văn bằng thứ 2 được quy định như sau (trích):
"Người dự tuyển đào tạo văn bằng thứ 2 trình độ đại học nhóm ngành đào tạo giáo viên phải có bằng tốt nghiệp đại học nhóm ngành đào tạo giáo viên do các cơ sở đào tạo giáo viên trong nước cấp hoặc bằng tốt nghiệp đại học nhóm ngành đào tạo giáo viên do các cơ sở đào tạo giáo viên nước ngoài cấp và được công nhận theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời phải đảm bảo các điều kiện theo quy định hiện hành về tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo".
Có thể khẳng định, giáo viên dạy môn tích hợp cần phải học văn bằng 2 thì việc dạy học mới có hiệu quả. Việc cho phép giáo viên đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng được học thêm từ 20-36 tín chỉ để dạy môn tích hợp liệu có đi ngược với quy định của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành như đã nêu?
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/day-hoc-tich-hop-nhin-tu-hanh-lang-phap-li-179231027103001445.htm