Dấu hiệu nhận biết lũ quét, sạt lở đất

15:11 - 10/08/2023

Mưa lớn kéo dài, người dân cần luôn cảnh giác, đề phòng, chú ý các dấu hiệu của lũ quét, sạt lở đất. Cần tránh xa các khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất như triền núi, khu vực giáp sông suối… và nên di chuyển đến khu vực cao hơn.

Lũ quét là gì?

Theo Trung tâm Chính sách và Kỹ thuật phòng chống thiên tai, lũ quét là lũ xảy ra bất ngờ trên các lưu vực sông suối nhỏ miền núi, dòng chảy xiết, thường kèm theo bùn đá, lũ lên nhanh, xuống nhanh, có sức tàn phá lớn.

Đặc điểm chính của lũ quét

Chứa lượng vật rắn rất lớn: Lũ quét thường có tỷ lệ vật chất rắn rất lớn, thường chiếm 3-10%, thậm chí trên 10% và trở thành dạng lũ bùn đá, rất hay xảy ra ở nước ta.

Lũ quét có sức tàn phá rất lớn, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Vì vậy, động lực của nó rất lớn, sức tàn phá lớn xuất hiện trên lưu vực có sườn dốc cao, độ dốc lớn và hình dạng thích hợp cho mạng sông suối tập trung nước nhanh.

Lũ xảy ra trong thời gian ngắn (thường vào đêm và sáng), có tốc độ lớn, quét mọi thứ trên đường đi.

Dấu hiệu nhận biết lũ quét, sạt lở đất - Ảnh 1.

Lũ quét đi qua để lại khung cảnh tang hoang ở xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Ảnh: VOV

Các loại lũ quét

Lũ quét nghẽn dòng: do vỡ các đập tạm thời, do cây cối, rác, bùn cát và các vật thể khác làm nghẽn dòng sông, suối do mưa lớn gây ra.

Lũ quét nghẽn dòng là loại hình lũ miền núi thường phát sinh từ các khu vực có nhiều trượt lở ven sông, suối. Đó là các khu vực đang có biến dạng mạnh, sông suối đào xẻ lòng dữ dội, mặt cắt hẹp, sườn núi rất dốc. Do mưa lớn kéo dài, dòng suối đột nhiên bị tắc nghẽn, nước sông suối dâng cao ngập một vùng rộng lớn thường là các vùng lòng chảo, những thung lũng. Khi dòng lũ tích tụ đến mức đập chắn bị mất ổn định và vỡ, lượng nước tích lại trong vùng lòng chảo khi bị nghẽn dòng được giải phóng đột ngột tạo thành sóng lũ lớn cho phía hạ lưu.

Lũ bùn đá: là dòng lũ đậm đặc bùn đá, cuộn chảy với động năng lớn. Lượng bùn đá trong dòng lũ chủ yếu do sạt lở núi cung cấp. Một phần bùn đá được lấy từ vật liệu có sẵn trong lòng suối. Đây là loại lũ quét đặc biệt nguy hiểm, thường gây nhiều thương vong lớn.

Lũ quét vỡ đập, đê, hồ chứa: là lũ do vỡ hồ, đập, đê hoặc công trình thuỷ điện, thuỷ lợi gây ra. Lũ quét dạng này có sức tàn phá rất lớn trong khu vực rộng.

Lũ quét hỗn hợp: là tổ hợp bất lợi giữa nhiều dạng thiên tai như sạt lở đất, lũ quét sườn dốc, lũ bùn đá. Đây là dạng lũ thường xảy ra nhiều ở vùng núi nước ta và chúng có sức tàn phá mạnh, trong khu vực rộng.

Nguyên nhân xảy ra lũ quét

Mưa lớn với cường độ cao.

Lưu vực có sườn núi dốc, địa hình bị chia cắt và lớp phủ thực vật thưa bị phá huỷ bừa bãi.

Dấu hiệu nhận biết lũ quét

Sau thời gian nắng nóng kéo dài, mưa lớn khả năng sẽ xảy ra.

Mưa lớn nhiều ngày, đặc biệt ở thượng nguồn hoặc mưa rất lớn tập trung trong vài giờ đồng hồ.

Nghe thấy tiếng động bất thường, như đất đá va chạm với nhau khiến cây gãy đổ, nước sông suối chuyển sang màu đục, sức tàn phá tăng dần.

Lũ quét thường xảy ra khi có lượng mưa lớn và kéo dài ở lưu vực các sông suối nhỏ miền núi, có độ dốc lớn, mặt lưu vực bị phong hoá mạnh, kết cấu kém. Lũ quét thường xảy ra trong thời gian ngắn (3-6 giờ), vào ban đêm và sáng sớm, trong các tháng mùa lũ.

Sạt lở đất là gì?

Sạt lở đất là hiện tượng đất bị sạt, trượt, lở do tác động của mưa, lũ hoặc dòng chảy.

Sạt lở đất là sự dịch chuyển của đất đá xuống bên dưới sườn dốc. 

Nguyên nhân gây sạt lở đất

Hiện tượng sạt lở đất có thể là hậu quả của sự xuất hiện các chấn động địa chất tự nhiên, do hiện tượng phong hóa hoặc do sự thay đổi độ ẩm trong đất, sự dịch chuyển của kết cấu bảo vệ của phần chân của mái dốc.

Không chỉ vậy, sạt lở đất cũng có thể là hậu quả do xây dựng công trình trên sườn dốc hoặc do hiện tượng phong hóa bề mặt sườn dốc và do các tác động của con người làm thay đổi.

Dấu hiệu nhận biết lũ quét, sạt lở đất - Ảnh 3.

Mưa lớn kéo dài, người dân cần luôn cảnh giác, đề phòng, chú ý các dấu hiệu của lũ quét, sạt lở đất. Ảnh: VOV

Ngoài ra, sạt lở đất còn do kết quả của những chấn động tự nhiên làm mất sự liên kết của đất, đá trên sườn đồi và núi ở vùng có địa hình dốc lớn, địa chất yếu có độ rỗng lớn, vùng đất pha cát/đá và vùng rừng thưa;

Rừng bị chặt phá nhiều;

Địa hình đồi núi cao, dốc lớn, xây dựng công trình thiếu nghiên cứu các yếu tố địa chất.

Do quá trình sản xuất lúa nước một vụ ở ruộng bậc thang, nước ngấm sâu vào lòng đất làm đất tơi xốp. Khi lấy nước vào ruộng làm cho đất mềm, gặp mưa to gây ra sạt lở;

Nắng nóng kéo dài gây ra nứt đất, khi có mưa to sẽ tạo thành đường trượt gây sụt đất hay sạt lở đất, đá trượt nhanh từ sườn dốc, mái dốc xuống gây ra sạt cả mảng đồi trượt xa hàng km.

Dấu hiệu nhận biết lũ quét, sạt lở đất - Ảnh 4.

Mưa lớn gây sạt lở đường vào khu vực Nhà máy thủy điện Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, gây sự cố đường dây 110kV và trụ sở làm việc của nhà máy. Ảnh: EVNNPC

Dấu hiệu nhận biết sạt lở đất

Cần quan sát những thay đổi xảy ra xung quanh khu vực sinh sống như các rãnh thoát nước mưa trên các sườn dốc (đặc biệt là những nơi mà dòng nước chảy tụ lại), xuất hiện dấu vết sạt lở, cây bị nghiêng ngả… 

Các dấu hiệu khác như: Cửa hoặc cửa sổ bị kẹt, không thể mở ra. Vết nứt mới xuất hiện trên tường, trần, gạch, hoặc nền. Bức tường ngoài, lề đường hoặc cầu thang không nguyên dạng. Xuất hiện các vết nứt mở rộng trên mặt đất hoặc trên lối đi. 

Vỡ mạch nước ngầm. Mặt đất có hiện tượng phồng rộp, đường bấp bênh. Nước phun ra từ mặt đất tại nhiều vị trí mới. Hàng rào, tường chắn, cột điện, cây cối bị nghiêng hoặc di chuyển.

Chú ý sự thay đổi của dòng nước. Nếu nước đang từ trong chuyển sang đục thì đây cũng là một dấu hiệu cho thấy sắp có sạt lở đất.

Khi bắt đầu nghe thấy tiếng rơi của đất đá và âm lượng tăng dần, mặt đất bắt đầu dịch chuyển xuống theo chiều dốc, các lớp đất thụt xuống, những âm thanh lạ, như tiếng cây gãy hoặc tảng đá va chạm với nhau tức là sạt lở đất sắp xảy ra. Khi đó, cần nhanh chóng di dời khỏi khu vực nguy hiểm và thông báo cho chính quyền địa phương, những người xung quanh để có thể được hỗ trợ kịp thời.

Mưa dông diện rộng và mưa lớn cục bộ, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh ở Bắc Bộ

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đêm qua và sáng sớm nay (10/8) ở khu vực vùng núi Bắc Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to. Lượng mưa tính từ 19 giờ ngày 9/8 đến 8 giờ ngày 10/8 có nơi trên 50mm như: Phìn Hồ (Lai Châu) 53.8mm, Cốc Mỳ (Lào Cai) 70.2mm, Đức Thông (Cao Bằng) 95.4mm, Văn Vũ (Bắc Kạn) 80.8mm,…

Dự báo: chiều và đêm 10/8, ở khu vực Bắc Bộ có mưa, mưa vừa và dông, cục bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa 20-40mm, có nơi trên 80mm (thời gian mưa tập trung vào chiều tối và đêm).

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Mưa to cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp.

Cảnh báo: mưa dông và mưa lớn cục bộ ở khu vực Bắc Bộ có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 12/8.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét đạt cấp 1.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/dau-hieu-nhan-biet-lu-quet-sat-lo-dat-179230810145804467.htm