Đan Mạch, Phần Lan, Hàn Quốc đứng đầu bảng xếp hạng chính phủ điện tử trong số 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc
Bất chấp rất nhiều cuộc khủng hoảng xảy ra trong 2 năm qua, các chiến lược chính phủ điện tử đã đạt tiến bộ dù vẫn còn một số quốc gia và thành phố chưa cung cấp được các dịch vụ mạng thích hợp.
Theo tin đăng trên Business-standard, kết quả cuộc thăm dò "Chính phủ điện tử năm 2022" do Vụ Kinh tế và Xã hội thuộc Ban Thư ký Liên hợp quốc (UN DESA) thực hiện cho thấy, Đan Mạch, Phần Lan và Hàn Quốc đứng đầu bảng xếp hạng chính phủ điện tử trong số 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, với điểm số cao nhất kể từ khi Liên hợp quốc đánh giá chất lượng dịch vụ mạng, hạ tầng viễn thông và nhân lực.
Các nước "Á quân" gồm New Zealand, Thụy Điển, Iceland, Australia, Estonia, Hà Lan, Mỹ, Anh, Singapore, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Nhật Bản và Malta.
Nhờ những cải thiện đáng kể về cơ sở hạ tầng viễn thông và phát triển nhân lực, Chỉ số Phát triển Chính phủ điện tử (EGDI) trung bình toàn cầu đã tăng, theo đó 68,9% quốc gia thành viên ở mức cao hoặc rất cao.
Chỉ số EGDI được chia làm 04 mức: Rất cao: Chỉ số lớn hơn 0,75; Cao: Chỉ số từ 0,5 đến 0,75; Trung bình: Chỉ số từ 0,25 đến 0,5; Thấp: Nhỏ hơn 0,25.
8 nước lần đầu tiên được chuyển lên nhóm có chỉ số EGDI cao là Belize, Cote d'Ivoire, Guyana, Liban, Nepal, Rwanda, Tajikistan và Zambia.
Mặc dù có sự gia tăng nói chung về dịch vụ mạng dành cho các nhóm dễ bị tổn thương, nhưng khoảng cách về kỹ thuật số vẫn còn tồn tại. Tất cả các nước có chỉ số EGDI thấp nhất đều là nước nghèo. Haiti, Guinea-Bissau, Sudan và Eritrea là những nước có chỉ số thấp nhất.
Phó Tổng thư ký về các vấn đề kinh tế và xã hội, ông Li Junhua cho biết: "Kết quả thăm dò trên cho thấy các chính phủ vẫn đang tập trung vào các dịch vụ và hạ tầng kỹ thuật số phát triển dù đối mặt với không ít thách thức toàn cầu trong những năm gần đây. Thực hiện tầm nhìn không để ai bị bỏ lại phía sau sẽ cần phải không để ai bị gạt ra ngoài lề trong tương lai kỹ thuật số".
Trợ lý Tổng thư ký Maria-Francesca Spatolisano tại UN DESA cho biết, các chính phủ điện tử thành công cung cấp các dịch vụ tự động đáng tin cậy, có thể truy cập bất kỳ lúc nào từ bất kỳ đâu, thuận tiện cho mọi người, tôn trọng quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu cá nhân.
UN DESA kêu gọi các chính phủ đưa ra chiến lược và đầu tư nhiều hơn vào các kế hoạch chuyển đổi kỹ thuật số quốc gia dài hạn. Sự kết nối cần đảm bảo cho mọi người sẵn sàng đối mặt với các cuộc khủng hoảng và cú sốc trong tương lai. Tiến bộ về công nghệ và chính phủ điện tử phải phục vụ cho mục tiêu rộng hơn là hỗ trợ phát triển con người bền vững.