Đắk Lắk: Người cựu chiến binh 76 tuổi không ngừng khuyến học
Trở về cuộc sống thường ngày sau những năm tháng khốc liệt của chiến tranh, ông Trần Xuân Bình (sinh năm 1947, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) dù là thương binh, bệnh binh nhưng luôn năng động học tập không ngừng để hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác. Đồng thời tích cực khuyến học trong gia đình và địa phương nơi ông sinh sống.
Tại lễ tuyên dương, khen thưởng những cá nhân thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Học không bao giờ cùng" tổ chức tại thành phố Đà Nẵng vừa qua, có một tấm gương đặc biệt, đó là ông Trần Xuân Bình – Chủ tịch Hội Khuyến học xã Hòa Khánh, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Vốn là "Bộ đội Cụ Hồ", ông Bình từng tham gia chiến đấu kiên cường trong những trận chiến chống Mỹ cứu nước trải dài hơn 10 năm ở các chiến trường phía Nam. Sau đó ông tham gia mặt trận Tây Nam, chiến trường Campuchia, và bảo vệ bình yên ở Tây Nguyên.
Năm 1982, hoàn thành nghĩa vụ người lính, ông trở về với thương tật 32% và là bệnh binh 61%. Chứng kiến sự khốc liệt của chiến tranh, sự ra đi của bao đồng đội, và bản thân cũng từng đối diện với cửa tử vì bom đạn, ông Trần Xuân Bình khao khát góp phần dựng xây đất nước, giữ vững hòa bình, ổn định.
Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, vị cựu chiến binh này tin rằng: chỉ có con đường học mới giúp kinh tế phát triển, cuộc sống ấm no, tốt đẹp hơn. Vì thế, ông Bình tích cực học tập và rèn luyện không ngừng để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trong những vị trí, vai trò mới.
Là Chủ tịch Hội Khuyến học, Chủ tịch Hội Thanh niên xung phong, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, ông Trần Xuân Bình thường xuyên tìm hiểu, nghiên cứu các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến lĩnh vực phụ trách; đọc tài liệu, học hỏi từ những người xung quanh cách sử dụng công nghệ, phần mềm phục vụ cho công việc.
Mới đây nhất, ông đã tham dự lớp tập huấn sử dụng bộ phần mềm đánh giá, công nhận danh hiệu Công dân học tập, và đã thành thạo.
Bên cạnh đó, ông Bình cũng tìm hiểu kiến thức khoa học công nghệ, văn hóa, truyền thống dân tộc, truyền thống cách mạng, học cách đối nhân xử thế. Đồng thời truyền đạt kinh nghiệm, hiểu biết có được cho người thân, hàng xóm, hội viên.
"Với tôi, việc học không chỉ dừng lại ở cánh cổng trường, lớp mà có thể diễn ra với nhiều hình thức phong phú và thông qua nhiều kênh. Đọc sách báo, xem truyền hình, điện thoại thông minh, giao tiếp với mọi người, tham gia hội họp đều có thể học. Quan trọng là mình luôn ý thức được cần tiếp thu cái mới, không bao giờ bằng lòng với những gì đã biết", ông Bình chia sẻ.
Không những khuyến học chính mình, vị cựu chiến binh này cũng luôn bảo ban, tạo mọi điều kiện để con cháu học tập. Hiện nay, 8 người con của ông Bình đều tốt nghiệp đại học, là đảng viên, trưởng thành và ổn định cuộc sống. Các cháu ông đều học giỏi, chăm ngoan. Gia đình sống hòa thuận, mẫu mực, nhiều năm liền được công nhận danh hiệu Gia đình học tập, Gia đình văn hóa.
Ở tuổi 76, sức khỏe, trí não có thể không được tốt như trước, nhưng tinh thần học tập và cống hiến của ông Trần Xuân Bình vẫn cao độ. Nhờ vậy, vị cựu chiến binh này luôn hoàn thành xuất sắc mọi công việc do mình phụ trách, được lãnh đạo địa phương và nhân dân tin tưởng, kính trọng.
Một số giấy khen của ông Trần Xuân Bình với những thành tích xuất sắc trong công tác.
Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Đắk Lắk Phạm Đăng Khoa ghi nhận: "Xã Hòa Khánh là điểm sáng trong công tác khuyến học của tỉnh Đắk Lắk. Một trong những nguyên nhân quan trọng là có ông Trần Xuân Bình – Chủ tịch Hội Khuyến học xã luôn năng nổ, tích cực, trách nhiệm trong công tác.
15 năm ông Bình phụ trách vị trí này, ngày càng nhiều học sinh của xã Hòa Khánh được hỗ trợ trong học tập với những phần quà, suất học bổng ý nghĩa, nhân dân quan tâm nhiều hơn tới việc học, giáo dục của con em mình".
Người lính Cụ Hồ dù tuổi cao nhưng vẫn còn minh mẫn, nhanh nhẹn, ông Bình tự nhủ: khi nào còn khỏe sẽ còn học và khuyến học, còn làm việc, góp sức xây dựng cho quê hương, đất nước.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/dak-lak-nguoi-cuu-chien-binh-76-tuoi-khong-ngung-khuyen-hoc-179230722190701117.htm