Đại biểu Quốc hội: Cần tiếp tục thực hiện cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe khoảng 5 năm nữa
Đại biểu Quốc hội Thái Thị An Chung cho rằng, cần tiếp tục thực hiện quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe trong thời gian khoảng 5 năm nữa để thay đổi thói quen, hành vi sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, sau đó sẽ đánh giá, tổng kết và cân nhắc có cần quy định giới hạn nồng độ cồn hay không.
Cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe trong thời gian khoảng 5 năm nữa
Theo Cổng Thông tin điện tử Quốc hội, đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đại biểu Thái Thị An Chung - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An nhận định: Dự thảo Luật cơ bản đã được tiếp thu, chỉnh lý kỹ lưỡng, đầy đủ. Tuy nhiên, đại biểu đóng góp thêm một số ý kiến như sau:
Thứ nhất, về cấm hành vi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong máu, hơi thở có nồng độ cồn, đại biểu Thái Thị An Chung đồng tình với quy định cấm tuyệt đối bởi các lý do mà Chính phủ, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đưa ra trong báo cáo rất đầy đủ và rất thuyết phục. Thực tế quy định này đã được Quốc hội khóa XIV thảo luận kỹ lưỡng và thống nhất thông qua tại Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và được thực hiện kể từ ngày 1/1/2020. Thời gian thực hiện chưa được nhiều do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Tuy nhiên, khi triển khai quyết liệt việc kiểm tra và xử lý nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện thì người dân đã nâng cao hơn ý thức trong việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. Điều này không chỉ góp phần đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông mà còn góp phần thay đổi thói quen lạm dụng rượu, bia trong điều kiện hiện nay; không chỉ có ý nghĩa trước mắt mà còn có ý nghĩa lâu dài trong việc nâng cao sức khỏe của người dân.
Mặc dù việc thực hiện cấm tuyệt đối nồng độ cồn sẽ ảnh hưởng một phần đến phát triển kinh tế nhưng đại biểu Thái Thị An Chung đồng ý cho rằng, cần tiếp tục thực hiện quy định này trong thời gian khoảng 5 năm nữa để thay đổi thói quen, hành vi sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, sau đó sẽ đánh giá, tổng kết và cân nhắc có cần quy định giới hạn nồng độ cồn hay không.
Tuy nhiên, đại biểu Thái Thị An Chung đề nghị trong dự thảo luật cần giải thích từ ngữ "điều khiển phương tiện" là như thế nào, hành vi dắt xe có phải là điều khiển không? Nhiều cử tri băn khoăn việc dắt xe máy hay xe đạp sau khi uống rượu, bia có bị cảnh sát giao thông xử phạt không? Vì vậy, cần giải thích rõ ràng trong thực hiện để thực hiện dễ hơn.
Thứ hai, về bổ sung quy định đấu giá biển số xe (Điều 37), đại biểu Thái Thị An Chung đồng tình với việc đưa các nội dung của Nghị quyết 73 năm 2022 vào dự thảo luật. Tuy nhiên, có một điều đại biểu Thái Thị An Chung thấy băn khoăn đó là quy định tại Khoản 7 về người trúng đấu giá là được quyền nhượng trao đổi, tặng cho, kế thừa xe gắn với biển số xe trúng đấu giá. Bởi vì tại Khoản 3, Điều 36 dự thảo luật quy định biển số xe được quản lý theo mã định danh của chủ xe là cá nhân, tổ chức. Do đó, đại biểu đề nghị cần rà soát để đảm bảo tính thống nhất.
Thứ ba, về độ tuổi của người lái xe: Quy định người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy tại Khoản 1, Điều 58 dự thảo Luật kế thừa quy định của Luật an toàn giao thông đường bộ năm 2008 và 2001.
So với 20 năm trước, hiện nay, các em đã có sự thay đổi nhiều về nhận thức và thể chất. Thực tế hiện nay, học sinh cấp Trung học phổ thông đa số đều sử dụng xe gắn máy để đi học. Trong khi đó các em lớp 10 hầu hết mới 15 tuổi, chưa đủ 16 tuổi. Mặt khác, theo quy định của Bộ Luật lao động thì độ tuổi được tham gia quan hệ lao động là đủ 15 tuổi. Do đó, đại biểu Thái Thị An Chung đề nghị nghiên cứu sửa quy định này như sau: "Người đủ 15 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy". Cùng với việc bổ sung quy định tại Điều 7 về giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ thì việc hạ độ tuổi của người điều khiển xe máy, xe gắn máy là hoàn toàn phù hợp với mong muốn của cử tri.
Đánh giá tác động sâu hơn, toàn diện hơn đối với quy định cấm tuyệt đối sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông
Theo báo cáo một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, việc cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhằm mục đích phòng ngừa, làm giảm những rủi ro, thiệt hại tiềm tàng do việc sử dụng rượu, bia mà khi điều khiển phương tiện giao thông gây ra. Đồng thời, đã có nhiều số liệu minh chứng cụ thể thực trạng tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến rượu, bia.
Do đó, đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình tán thành với phương án 1 "Quy định cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn (việc quy định này kế thừa theo quy định tại khoản 6 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019, áp dụng đối với tất cả các loại phương tiện giao thông đường bộ)".
Đại biểu nhận thấy, thực tiễn việc sử dụng rượu, bia ở nước ta được xem là một nét văn hóa truyền thống, là thói quen của một bộ phận người dân. Hơn nữa các hoạt động sản xuất, nhập khẩu, phân phối, cung ứng, tiêu thụ rượu, bia đã góp phần không nhỏ trong nguồn thu ngân sách của Nhà nước, tạo việc làm, thu nhập cho một bộ phận người lao động tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ uống có cồn,
Việc quy định cấm tuyệt đối sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông sẽ làm giảm lượng lớn mức tiêu thụ rượu, bia và có tác động nhất định đến đời sống văn hóa, nguồn thu của ngân sách và thu nhập của người lao động. Do đó, để thuyết phục hơn, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị Chính phủ cần tiếp tục đánh giá tác động sâu hơn, toàn diện hơn đối với chính sách này.
Đồng thời, nghiên cứu để đưa ra các số liệu minh chứng việc đưa ra "ngưỡng giới hạn nồng độ cồn cho phép" để kiểm soát rượu, bia khi tham gia giao thông như trong thời gian qua là không khả thi, không làm giảm số vụ tai nạn giao thông và khó kiểm soát tình hình tai nạn giao thông. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị tiếp tục đánh giá chính sách này.
Đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn, theo Báo cáo của Chính phủ về tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung lớn trong dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Báo cáo chỉ mới đưa ra những con số về số vụ tai nạn, số người bị chấn thương sọ não, số người chết... liên quan đến rượu, bia mà chưa thống kê cụ thể trong số các vụ tai nạn liên quan đến người tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng cồn thì có bao nhiêu trường hợp vi phạm vượt ngưỡng? Có bao nhiêu trường hợp ở ngưỡng quy định và bao nhiêu trường hợp dưới ngưỡng quy định?
Vì vậy, để có cơ sở và đảm bảo tính thuyết phục trong việc quy định "cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn", đại biểu cho rằng, cần có thống kê số liệu cụ thể để tường minh hơn nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao khi chọn phương án 1.