Có nhất thiết phải "căn ke" từng ngày nghỉ Tết Nguyên đán của học sinh?

14:40 - 29/01/2024

Hầu như các địa phương đã có kế hoạch cụ thể nghỉ Tết Nguyên đán. Có địa phương chỉ cho học sinh nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 7 ngày khiến giáo viên và phụ huynh không hài lòng.

Có nhất thiết phải "căn ke" từng ngày nghỉ Tết Nguyên đán của học sinh?- Ảnh 1.

Học trò trải nghiệm gói bánh chưng đón Tết Nguyên đán. Ảnh: Page Xuân

Đến thời điểm này, hầu hết các địa phương trên cả nước đã công bố lịch nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn cho học sinh bậc mầm non và phổ thông.

Theo ghi nhận, nhiều tỉnh thành cho học sinh nghỉ Tết 14 ngày, từ ngày 5/2 (26 tháng Chạp) đến hết ngày 18/2 (9 tháng Giêng). Do ngày 3 và 4/2 (24 và 25 tháng Chạp) rơi vào thứ Bảy, Chủ nhật, nên học sinh một số địa phương được nghỉ Tết từ ngày 3/2 và kéo dài 16 ngày.

Tuy nhiên, cũng không ít địa phương chỉ cho học sinh nghỉ Tết ít ngày hơn. Chẳng hạn, Bắc Giang, Ninh Bình: 7 ngày, Hà Nội 8 ngày; Nam Định: 9 ngày… Ngày đi học đầu tiên sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn được các địa phương lựa chọn nhiều nhất là 19/2 (mùng 10 tháng Giêng).

Một số giáo viên ở các tỉnh thành trên cả nước cho biết, việc các nhà trường cho học sinh nghỉ cận Tết hoặc nghỉ ít ngày khiến đa số thầy cô và phụ huynh không hài lòng.

Bàn về kì nghỉ Tết Nguyên đán hàng năm, một giáo viên bậc trung học phổ thông ở tỉnh Ninh Bình đã có những trải lòng như sau:

"Nghe nhà trường thông báo năm nay được nghỉ Tết từ thứ Năm ngày 8/2 đến hết ngày thứ Tư 18/2/2024 (từ ngày 29 tháng Chạp năm Quý Mão đến hết ngày mùng 6 tháng Giêng năm Giáp Thìn), đa số giáo viên, học sinh và phụ huynh không hài lòng.

Những ngày giáp Tết, ở trường tôi trung bình mỗi ngày có khoảng 10 học sinh/lớp vắng, trễ vì nhiều lí do khác nhau. Đa số các em bị ốm do rét đậm rét hại, cũng có em bị tai nạn giao thông nên nghỉ học. Nhiều em đi tất tưởi trong rét mướt bị ngã xe do va quẹt nên vào lớp trễ.

Một số thầy cô giáo ở miền Bắc, miền Trung cũng không thể về thăm nhà vì 29 Tết không còn vé tàu, xe. Nhiều giáo viên muốn đi du lịch cùng gia đình cũng rất khó sắp xếp thời gian vì kì nghỉ chỉ có 7 ngày.

Năm nào địa phương tôi cũng nghỉ Tết ít ngày hơn so với các tỉnh, thành khác. Tôi mong học sinh các cấp được nghỉ Tết khoảng 2 tuần là phù hợp. Thời điểm trước và sau Tết, trời rét căm căm, các em học sinh mầm non, tiểu học đi học là rất vất vả.

Riêng học sinh bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông thì xôn xao bàn tán về Tết sau khi sơ kết học kì 1. Nhiều em sao nhãng việc học, thường xuyên vi phạm nội quy khiến thầy cô rất vất vả, nhất là giáo viên chủ nhiệm.

Vì nhiệm vụ, vì quy định thì giáo viên vẫn phải lên lớp theo thời khoá biểu. Nhưng nói thật, việc phải đi dạy vào những ngày 27, 28 Tết cũng khiến giáo viên thường có tâm lí không vui. Việc dạy và học đều miễn cưỡng thì nào có ích gì.

Học sinh học đến cận Tết cũng không giúp các em khá, giỏi hơn hay tiếp thu được nhiều kiến thức hơn. Ngược lại, các em được nghỉ sớm vài ba ngày cũng không thể học yếu, kém.

Có luồng ý kiến cho rằng, học sinh nghỉ học dài ngày thì không ai chăm các em vì cha mẹ còn phải làm việc. Học sinh sẽ sa vào chơi game, đi chơi, nếu không được kiểm soát thì rất đáng lo ngại.

Tuy vậy, cha mẹ, người thân phải có trách nhiệm với con em, không thể giao phó hoàn toàn cho nhà trường. Cha mẹ cũng cần dạy con tự lập, vui chơi hợp lí trong những ngày nghỉ Tết thay vì không dám rời con nửa bước.

Ngoài ra, hiện nay đa số các nhà trường đều tổ chức dạy và học 2 buổi, trong khi giáo viên nghỉ quá muộn nên thầy cô không còn thời gian đi mua sắm Tết. Giáo viên cần được quan tâm hơn vì họ còn phải lo cho gia đình, con cái chứ không chỉ có mỗi việc dạy học."

Nhiều giáo viên cho rằng học sinh các bậc học cần được nghỉ Tết Nguyên đán khoảng 2 tuần (trước và sau Tết) là phù hợp.

Theo quy định của ngành giáo dục, một năm học có 37 tuần, trong đó có 35 tuần thực học (18 tuần kì 1 và 17 tuần kì 2) và 2 tuần dự phòng. Vì vậy, học sinh hoàn toàn có thể được nghỉ Tết khoảng 2 tuần mà không hề ảnh hưởng đến khung thời gian năm học.

Về mặt tâm lí, từ ngày 20 tháng Chạp thì học sinh đã bắt đầu xôn xao về kì nghỉ Tết. Các em thường bàn tán chuyện đi mua áo quần mới, đi chơi những đâu... hơn là lo cho việc học.

Cùng với đó, ở trường học, trước ngày nghỉ Tết, học sinh thường trang hoàng không gian Tết ở ngay trong lớp rất bắt mắt. Nhiều địa phương tổ chức hội trại xuân xuân cho các em vui chơi thoải mái sau những ngày học tập căng thẳng.

Không khí xuân rộn ràng như thế, lòng người cũng đầy háo hức khi Tết đến xuân về, liệu bao nhiêu học sinh còn chú tâm vào việc học những ngày cận Tết.

Đáng nói, khoảng nửa sau tháng Chạp, từ thành thị đến nông thôn luôn gia tăng các phương tiện tham gia giao thông. Đã có không ít học sinh bị tai nạn trên đường đi học vào thời điểm này, nên các em cần được nghỉ Tết sớm hơn là hợp lí.

Kì nghỉ Tết năm nay, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh như: Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước, An Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Kiên Giang,... cho học sinh và giáo viên nghỉ 14 ngày, bắt đầu từ 5/2/2024 (26 tháng Chạp) đến 18/2/2024 (ngày 9 tháng Giêng).

Điều này khiến giáo viên rất phấn khởi, nhất là những thầy cô giáo từ miền Bắc, miền Trung vào miền Nam lập nghiệp. Bởi vì, riêng chuyện đi lại, thầy cô phải mất vài ngày đi và về nếu đi bằng phương tiện tàu xe.

Thiết nghĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quy định thời gian nghỉ Tết Nguyên đán là 2 tuần để các địa phương chủ động trong việc ban hành khung thời gian năm học sao cho phù hợp.

Hơn nữa, học sinh cả nước được nghỉ Tết Nguyên đán như nhau còn tạo sự công bằng trong việc học tập, nghỉ ngơi và tránh dư luận xã hội xôn xao bàn tán hết năm này qua năm khác.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/co-nhat-thiet-phai-can-ke-tung-ngay-nghi-tet-nguyen-dan-cua-hoc-sinh-179240129144032131.htm