Chuyên gia lên tiếng về Chùa Cầu "khoác áo mới" sau trùng tu

00:03 - 31/07/2024

Sau trùng tu và sửa chữa, Chùa Cầu ở Hội An khoác lên mình "tấm áo mới" khiến dư luận xôn xao, tuy nhiên, các chuyên gia về di sản văn hóa đều cho rằng, các cơ quan chức năng đã làm đúng, làm tốt công tác trùng tu Chùa Cầu.

Chuyên gia lên tiếng về Chùa Cầu "khoác áo mới" sau trùng tu- Ảnh 1.

Dư luận chỉ trích việc trùng tu Chùa Cầu xuất phát từ việc chưa hiểu về công tác trùng tu di tích. Ảnh: MXH

Di tích Chùa Cầu đã được tu bổ một cách bài bản, tuân thủ các quy tắc, quy định

Trước những "xôn xao" của dư luận về Chùa Cầu sau tu bổ nhìn "như như mới" các chuyên gia về di sản văn hóa cho rằng, các cơ quan chức năng đã làm đúng, làm tốt công tác trùng tu Chùa Cầu. Di tích đã được tu bổ một cách bài bản, tuân thủ các quy tắc, quy định.

TTXVN dẫn lời Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế, khẳng định: đội ngũ trùng tu Chùa Cầu đã thực hiện bài bản, khoa học, nghiêm túc và kết quả trùng tu là tốt đẹp, trả lại cho Hội An một Chùa Cầu đúng với diện mạo, hình hài bản thể nhưng vững chãi hơn, kiên cố hơn.

Chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn di tích và quản lý di sản văn hóa này cũng tán thành và đánh giá cao phương án "trùng tu hạ giải" mà dự án trùng tu Chùa Cầu đã chọn. Theo đó, sau hơn 400 năm tồn tại trong điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt ở miền Trung, Chùa Cầu đã xuống cấp và hư hỏng nặng: phần móng bị lún, nghiêng; nhiều kết cấu bằng gỗ bị mối mọt, mục ruỗng; hệ thống tường bao bằng gạch bị bong tróc… khiến cho tổng thể Chùa Cầu bị biến dạng phần nào; liên kết kiến trúc bị yếu đi, khiến công trình có thể sụp đổ, nhất là khi có mưa bão tấn công.

Vì thế, theo Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, lựa chọn phương án "trùng tu hạ giải" nhằm xử lý triệt để phần móng: cân chỉnh, gia cố, gia cường để tăng độ chịu lực; tháo dỡ phần cấu kiện gỗ để thay thế các bộ phận bị mục nát; thay thế ngói lợp bị vỡ, gia cố tường bao bằng gạch ở hai đầu cầu; thay thế những bộ phận bằng gỗ đã hư hại ở mặt cầu và lan can cầu là cần thiết.

Ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, các hình ảnh chụp tổng thể Chùa Cầu và chụp chi tiết các kết cấu gỗ bên trong di tích, mà báo chí và mạng xã hội đăng tải trong những ngày qua cho thấy, đội ngũ trùng tu Chùa Cầu đã làm đúng, làm tốt, đảm bảo nguyên tắc bảo tồn và "tính chân xác" của di tích Chùa Cầu.

Về màu sắc sau trùng tu "có vẻ mới" của Chùa Cầu các chuyên gia cũng khẳng định "đó là màu gốc", việc phục hồi màu sắc dù thế nào cũng không thể tránh làm cho di tích "mới" ra. Tuy nhiên, màu sắc sẽ "trầm lại" chỉ sau vài mùa mưa nắng. Điều quan trọng là đã giữ được tính nguyên gốc, đảm bảo nguyên tắc bảo tồn và tính chân xác của di tích, giữ được những giá trị cốt lõi của Chùa Cầu về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật cùng các giá trị tình cảm và giá trị sử dụng lâu dài vẫn tồn tại với cộng đồng, quốc gia và nhân loại.

Theo ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An, trùng tu di tích là chuyên ngành khoa học nên ngoài việc tuân thủ các quy định trong nước thì còn phải tuân theo các công ước, quy định quốc tế mà Việt Nam là thành viên. 

Làm rõ hơn về về màu sơn, ông Ngọc nhấn mạnh, phải tiến hành việc sơn quét vôi 2-3 lượt mới xong chứ không phải điều chỉnh màu sơn như dư luận đang xôn xao trên mạng xã hội. Hiện thành phố Hội An đang làm lại một số vị trí quá đậm, cho hợp với màu móng đá (trụ cầu) bên dưới.

Chuyên gia cũng lí giải về ý kiến cho rằng nên chọn tông màu sao cho gần nhất với hình ảnh trước khi tu bổ, hoặc làm cho Chùa Cầu bớt "mới" đi: điều này không phù hợp với nguyên tắc "không làm giả" mà Dự án đã đề ra.

Chuyên gia lên tiếng về Chùa Cầu "khoác áo mới" sau trùng tu- Ảnh 3.

Các công đoạn cuối cùng của việc tu bổ Chùa Cầu để chuẩn bị cho lễ khánh thành di tích này vào đầu tháng 8 tới nhân sự kiện “Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản” lần thứ 20 - năm 2024. Ảnh: QNO

Ông Đặng Khánh Ngọc, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cũng khẳng định: kết quả tu bổ như vậy đã đạt được các mục tiêu đặt ra về tu bổ bảo tồn di tích.

Đối với những người có chuyên môn về bảo tồn di tích, hình ảnh Chùa Cầu với các yếu tố gốc cấu thành vẫn còn nguyên vẹn, dấu vết thời gian vẫn hiện hữu trên các thành phần di tích. Trừ phần mái ngói và bờ mái sau khi hạ giải, phải dựng lại nên có màu sắc mới nhưng vẫn dựa trên cơ sở dấu vết màu sắc nguyên bản, các cấu kiện gỗ chỉ có cái nào hỏng, không thể duy trì được mới bắt buộc phải thay, còn các thành phần khác đều được giữ lại, kể cả màu sắc.

Như vậy, theo các nguyên tắc về tu bổ, bảo tồn di tích, Chùa Cầu sau tu bổ vẫn được duy trì nguyên vẹn các yếu tố gốc cấu thành di tích với tình trạng kỹ thuật gần đã được cải thiện cơ bản, gần nhất với trạng thái ban đầu.

Ví như: phần móng, đế cầu... vẫn còn nguyên vẹn về hình thức nhưng đã được gia cố ổn định, bảo đảm duy trì khả năng chịu lực lâu dài cho di tích. Các yếu tố gốc khác như hình ảnh đặc trưng của di tích, cấu trúc sàn cầu, tường chùa, các thành phần kiến trúc, trang trí vẫn còn nguyên vẹn.

Chuyên gia Đặng Khánh Ngọc cũng nhấn mạnh, trên quan điểm và nguyên tắc bảo tồn, sau khi tu bổ, di tích vẫn giữ được nguyên vẹn, không bị mất mát, không bị xóa bỏ thành phần nào, trong khi tình trạng kỹ thuật đã được cải thiện tốt hơn nhiều, công trình sẽ bền vững, ổn định hơn, đảm bảo cho sự tồn tại lâu dài, các mục tiêu, tiêu chí đặt ra khi bảo tồn di tích đều đạt được.

Cục Di sản văn hóa yêu cầu Quảng Nam báo cáo về trùng tu Chùa Cầu tránh xảy ra dư luận trái chiều trong xã hội

Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) vừa có văn bản đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An báo cáo cụ thể về quy trình pháp lý và kỹ thuật thực hiện tu bổ di tích Chùa Cầu.

Văn bản nêu, về việc có ý kiến khác nhau liên quan đến màu sắc bên ngoài di tích Chùa Cầu sau khi được tu bổ, Cục Di sản văn hóa đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An nghiên cứu, có báo cáo cụ thể về quy trình pháp lý và kỹ thuật thực hiện tu bổ di tích.

Cục Di sản văn hóa yêu cầu gửi báo cáo trước ngày 31/7 để báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đồng thời, đề nghị các đơn vị trên có hình thức phù hợp tổ chức công bố công khai nội dung dự án, các phương pháp khoa học tu bổ đã sử dụng cho việc xác định và lựa chọn màu sắc gốc của công trình để nhân dân và du khách được tiếp cận thông tin rõ ràng, chính thức về dự án tu bổ di tích Chùa Cầu, tránh xảy ra dư luận trái chiều trong xã hội.

Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu có tổng mức đầu tư hơn 20,2 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh Quảng Nam hỗ trợ 50%, ngân sách thành phố Hội An 50%. Dự án do Ủy ban nhân dân thành phố Hội An làm chủ đầu tư, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An thực hiện, Trung tâm Tư vấn Bảo tồn di tích - Viện Bảo tồn di tích là đơn vị tư vấn. Tu bổ Chùa Cầu tập trung vào 3 nội dung chính: Tôn tạo cảnh quan chung, hạ tầng kỹ thuật; xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ tu bổ di tích; số hóa di tích phục vụ công tác tu bổ bằng công nghệ 3D, hội thảo, tọa đàm.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam cho biết, Lễ khánh thành dự án tu bổ di tích Chùa Cầu sẽ diễn ra vào ngày 3/8.

Cùng với đó, Thành phố sẽ xuất bản sách "Tu bổ di tích Chùa Cầu", đem đến cho các nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia, du khách, người dân Hội An cái nhìn cặn kẽ, thấu đáo, hiểu rõ hơn quá trình tu bổ di tích Chùa Cầu.

Theo thông tin từ Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản Hội An cho biết, từ khi được xây dựng đến cuối thế kỷ 20, Chùa Cầu đã được tu bổ ít nhất 7 lần vào các năm 1763, 1817, 1875, 1915, 1962, 1986, 1996, nhưng do những hạn chế về điều kiện kỹ thuật và nhiều yếu tố khách quan khác, nên những lần tu bổ gần đây vẫn chưa giải quyết căn cơ đối với những nguyên nhân dẫn đến sự xuống cấp di tích.

Trước sự xuống cấp ngày càng nghiêm trọng của Chùa Cầu, với sự chuẩn bị dự án kỹ lưỡng và trách nhiệm, ngày 28/12/2022, Chùa Cầu được khởi công tu bổ theo kế hoạch.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/chuyen-gia-len-tieng-ve-chua-cau-khoac-ao-moi-sau-trung-tu-179240730235140364.htm