Chuyển đổi số loa phát thanh: Làm tròn sứ mệnh truyền tin
Đến năm 2025 tới đây, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu 100% loa truyền thanh cấp xã có dây, không dây FM sẽ chuyển đổi sang loa phát thanh ứng dụng công nghệ số.
Đưa trí tuệ nhân tạo vào đọc bản tin trên loa phát thanh
Theo Kế hoạch số 200/KH-UBND về thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022-2025 của Thành phố Hà Nội, đài truyền thanh cấp xã có dây, không dây FM sẽ chuyển đổi sang loa phát thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông.
Tất cả loa phát thanh đều phải sử dụng phổ biến công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) kết hợp với công nghệ xử lý dữ liệu lớn (Big data) trong sản xuất nội dung chương trình phát thanh, chuyển đổi nội dung văn bản sang giọng nói.
Từ tháng 5/2021, phường Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm, Hà Nội) là một trong những địa phương đầu tiên của thành phố Hà Nội được thí điểm chuyển đổi số loa phát thanh theo chủ trương của Chính phủ và Bộ Thông tin truyền thông.
Bà Nghiêm Ngọc Anh, cán bộ văn hóa phường Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào đọc bản tin trên loa phát thanh của phường đã giúp giảm tải phần lớn công việc của một cán bộ văn hóa trong việc sản xuất bản tin để tuyên truyền tới người dân.
"Nếu như ngày trước để phát được một bản tin trên loa, cán bộ văn hóa phải soạn nội dung, sau đó thu âm hoặc nói trực tiếp. Bây giờ, công việc đã được rút gọn đi rất nhiều, chỉ việc đưa nội dung văn bản vào, phần mềm sẽ tự động chuyển đổi để lồng tiếng. Tiếp đến chỉ việc tùy chỉnh giọng đọc cho phù hợp và hẹn giờ để phát bản tin. Tất cả thao tác đều được làm rất nhanh chóng, thậm chí có thể làm trên một chiếc điện thoại di động thông minh" – Bà Ngọc Anh chia sẻ thêm.
Tương tự, phường Ngọc Lâm (Long Biên, Hà Nội) là một trong những khu vực có đông dân cư trên địa bàn. Do đó, công tác tuyên truyền thông tin tới từng người dân tại địa phương luôn được lãnh đạo phường đặc biệt quan tâm và chú trọng.
Ông Trần Hồng Việt, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường Ngọc Lâm (Long Biên, Hà Nội) cho biết, từ khi ứng dụng chuyển đổi số vào loa phát thanh trên địa bàn, công tác truyền tải thông tin tới người dân đã nhanh hơn so với trước rất nhiều.
Cán bộ văn hóa của phường có thể tiếp nhận và phát thông tin trên loa dù ở bất kỳ đâu và vào bất kỳ lúc nào. Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ giúp cho người dùng thiết bị có thể tăng giảm âm lượng của loa từ xa, quản lý lịch phát thanh và chuyển thể văn bản chữ sang giọng nói với đầy đủ các vùng miền Bắc, Trung, Nam.
Làm tròn sứ mệnh truyền tin
Thông tin trước báo chí, bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông Hà Nội cho biết, hiện Thành phố có 579 đài truyền thanh cơ sở đang hoạt động.
Qua các giai đoạn khác nhau, căn cứ vào từng thời điểm, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tham mưu cho Thành phố làm sao với từng giai đoạn, loa phát thanh sẽ được đưa vào sử dụng hiệu quả nhất trên nền tảng số.
Đặc biệt, các địa phương sẽ căn cứ vào tình hình thực tế để quyết định số lượng loa hoạt động và vị trí lắp đặt, thay đổi cả liều lượng âm thanh và thời lượng phát để tránh ô nhiễm âm thanh đô thị.
"Tùy vào đặc thù mỗi khu dân cư sẽ có những nhu cầu truyền tải thông tin khác nhau, hệ thống loa truyền thanh chỉ là một trong số các phương tiện để tuyên truyền thông tin đến cơ sở nhưng không thể phủ nhận hình thức này đã phát huy hiệu quả trong việc giúp người dẫn tiếp nhận đầy đủ thông tin thiết yếu. Việc ứng dụng công nghệ mới, lồng tiếng tự động sẽ giảm thiểu nhân lực và quản trị được thông tin ở mọi các cấp khác nhau. Đây là bước tiến cần thiết hướng tới để loa phường, xã hiệu quả, gần gũi hơn", bà Nguyễn Thị Mai Hương nhấn mạnh.
Bà Hoàng Thị Huyền Trang, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng bày tỏ, loa phát thanh đến nay vẫn còn giữ nguyên được giá trị về việc truyền tải thông tin tới người dân, đặc biệt là ở những thời điểm cấp bách.
Cụ thể, vào những thời điểm khi toàn thành phố phải chống dịch COVID-19, loa truyền thanh trên địa bàn đã trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc thông báo về công tác phòng, chống dịch bệnh.
Ngay cả thời điểm này, loa phát thanh vẫn đang phát huy tốt vai trò của mình bằng việc đưa những thông tin về an ninh trật tự, cấp căn cước công dân trong dịp cao điểm, giúp người dân nắm bắt được thông tin nhanh chóng và chính xác.
Không những vậy, vai trò của loa phát thanh còn rất quan trọng với những khu vực ngoại thành, đặc biệt là những huyện xa trung tâm.
Ông Nguyễn Lương Hậu, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa, Hà Nội) chia sẻ, những năm qua hệ thống truyền thanh của xã không chỉ làm tốt công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, mà còn là công cụ đắc lực giúp lãnh đạo địa phương quản lý tốt tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Là một xã có truyền thống với nghề làm tăm hương với nhiều nguy cơ dễ xảy ra cháy nổ. Bởi vậy thông qua loa phát thanh của xã, công tác tuyên truyền, phổ biến biện pháp phòng cháy, chữa cháy tại địa phương được phát huy tối đa hiệu quả.
Có thể nhận thấy tính hiệu quả trong thông tin, truyền thông của hệ thống loa phát thanh đã được kiểm chứng vào những thời điểm đặc biệt.
Do đó, việc chuyển đổi số hệ thống loa truyền thanh tại các địa phương sẽ giúp phát triển thông tin trên nền tảng số, hiện đại và văn minh hơn.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/chuyen-doi-so-loa-phat-thanh-lam-tron-su-menh-truyen-tin-179220808202751.htm