Chứng nhận Danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho Lễ hội Tết Trung thu ở Hội An
Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam vừa tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Trung thu" vào tối ngày 28/9/2023.
Tết Trung thu ở Hội An - lễ hội truyền thống hấp dẫn, giàu giá trị văn hóa, tín ngưỡng
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam Trần Anh Tuấn cho biết, từ những nỗ lực xuyên suốt của chính quyền, nhân dân thành phố Hội An chung tay bảo vệ, gìn giữ, đến nay, lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Trung thu ở Hội An đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây không chỉ là niềm vui to lớn của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố Hội An, mà còn là niềm tự hào chung của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh Quảng Nam.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam Trần Anh Tuấn nhấn mạnh, việc đón nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Tết Trung thu ở Hội An đi cùng với trọng trách quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị vốn có của di sản, giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, bảo vệ môi trường, để những giá trị đó được lan tỏa không chỉ trong cộng đồng dân cư mà còn đến với bạn bè quốc tế.
Tết Trung thu ở Hội An là một trong những lễ hội lớn trong năm của cộng đồng cư dân, là tập quán xã hội và tín ngưỡng được hình thành trên cơ sở truyền thống bản địa, giao thoa văn hóa với các nước trong khu vực và luôn được cộng đồng cư dân Hội An duy trì, gìn giữ, tổ chức hàng năm.
Đây là lễ hội truyền thống hấp dẫn, sôi động bởi giàu giá trị văn hóa, tín ngưỡng, gắn với loại hình diễn xướng dân gian độc đáo múa Thiên Cẩu riêng có tại Hội An từ xưa đến nay.
Qua thời gian, những tập tục, lễ nghi trong Tết Trung thu ở Hội An luôn được các thế hệ vun đắp, tô bồi yếu tố mới nhưng vẫn bảo tồn, gìn giữ được giá trị đặc trưng, độc đáo.
Cho đến nay, Tết Trung thu ở Hội An đã trở thành "phần hồn" không thể tách rời của đô thị di sản, góp phần tạo nên giá trị nổi bật toàn cầu của Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hóa thế giới.
Với những giá trị đặc trưng đó, ngày 14/2/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 228 về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Lễ hội truyền thống, Tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Trung thu ở Hội An, Quảng Nam".
Múa Thiên cẩu - giá trị độc đáo trong các đêm hội Tết Trung thu ở Hội An
Tại Hội An, múa Thiên cẩu là một loại hình trình diễn dân gian riêng có, duy nhất và có sức sống mạnh mẽ trong đời sống lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Trung thu ở Hội An.
Múa Thiên cẩu có từ lâu đời và phát triển mạnh từ đầu thế kỉ XX, mang lại giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc và không khí rộn ràng trong các đêm hội Tết Trung thu ở Hội An, góp phần để lễ hội này được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Về tên gọi, Thiên Cẩu có nghĩa là chó nhà trời, nhưng cũng như nhiều hiện tượng văn hóa dân gian khác, con vật này được tô điểm thành linh vật mang tính huyền thoại.
Múa Thiên Cẩu ở Hội An được thực hiện theo những bài bản riêng khác với lối múa lân hoặc sư tử mới du nhập sau này. Một bài múa Thiên Cẩu gồm nhiều động tác, nhiều màn gồm: đi, đứng, nhảy, ngủ, thức giấc, đớp trẻ trừ phong, liếm cổng trừ tà, vái lạy cầu phúc, ăn lá cây, uống nước, ăn giải thưởng, thăng thiên phun lửa, tranh tài với Hồng Hà Nhi… Cùng múa với Thiên Cẩu có ông Địa, được hóa trang với vẻ mặt hớn hở, phổng phao, bụng to, tay cầm quạt, lưng dắt cờ lệnh.
Múa Thiên Cẩu liên quan đến ước mơ trăng tròn, ước mơ mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu của cư dân nông nghiệp. Không phải ngẫu nhiên mà múa Thiên Cẩu lại đi liền với Tết Trung Thu, một thời điểm quan trọng trong lịch mùa vụ nông nghiệp, đặc biệt là mùa vụ nông nghiệp lúa nước. Cũng không phải ngẫu nhiên mà cư dân địa phương gọi con vật múa đón Trung Thu là Thiên Cẩu - con vật có mặt trong huyền tích của nhiều nước phương Đông cũng như phương Tây liên quan đến nhật thực, nguyệt thực, đến hiện tượng nuốt và nhả ra mặt trăng mang ý nghĩa báo hiệu sự tốt đẹp của mùa màng, của cuộc sống con người.
Do phát triển ở một số địa phương có hoạt động buôn bán phát triển mạnh nên trước đây, ngoài ý nghĩa cầu trăng, cầu mùa, múa Thiên Cẩu còn gắn thêm một số nghi thức, ý nghĩa về cầu phúc, cầu tài lộc, trừ tà tống ôn,…