Chủ tịch Hạ viện Mỹ gặp khó trong việc giành ủng hộ thỏa thuận trần nợ công
Dù đã đạt được thỏa thuận sơ bộ với Tổng thống Joe Biden về việc nâng trần nợ công, Chủ tịch Hạ viện ông Kevin McCarthy vẫn phải đối mặt với sự phản đối gay gắt từ cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ. Nhiều nghị sĩ cho rằng dự luật này là một "rào cản khó khăn" và không phản ánh được lợi ích của người dân Mỹ.
Ông Kevin McCarthy - thỏa thuận trần nợ công vấp phải nhiều chỉ trích
Đạt được thỏa thuận sơ bộ với Tổng thống Joe Biden nhưng Chủ tịch Hạ viện Mỹ, ông Kevin McCarthy đã không thể thuyết phục được các đồng minh của mình trong đảng Cộng hòa ủng hộ dự luật này. Hạ nghị sĩ Chip Roy là một trong những người đầu tiên lên tiếng chống lại thỏa thuận này và cho biết sẽ cố gắng để ngăn chặn văn kiện được thông qua tại Hạ viện. Ông cũng kêu gọi các nhà lập pháp đảng Cộng hòa "giữ vững lập trường" và không nhượng bộ Nhà Trắng.
Thỏa thuận này cũng vấp phải sự chỉ trích từ Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa thuộc bang Georgia Andrew Clyde, người đã viết trên Twitter rằng việc tăng trần nợ công là một "rào cản khó khăn". Trong khi đó, Hạ nghị sĩ Dan Bishop từ bang North Carolina cũng phản đối hành động của Chủ tịch Hạ viện khi chia sẻ: "Ông Kevin McCarthy nói rằng chúng ta có thể đấu tranh, một lần nữa, vào năm tới nhưng đồng thời lại ngăn chặn biện pháp đấu tranh bằng cách chấp nhận tăng giới hạn nợ tới 2 năm".
Không chỉ vậy, một số nhà lập pháp của đảng Dân chủ cũng tỏ ra không hài lòng với một số điểm trong thỏa thuận và điều này cho thấy những trở ngại tiềm tàng trong quá trình bỏ phiếu tại cả Hạ viện và Thượng viện. Theo New York Times, một số thành viên của Đảng Dân chủ đã yêu cầu ông Kevin McCarthy giải thích rõ ràng về việc thu hồi quĩ cứu trợ COVID-19 và ảnh hưởng của nó đến các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Một số nhà lập pháp khác lại muốn có thêm kinh phí cho giáo dục, y tế và môi trường.
Theo thỏa thuận được công bố ngày 28/5, hai bên đã nhất trí tăng giới hạn nợ trong hai năm, đồng thời đưa ra các yêu cầu nghiêm ngặt hơn đối với các chương trình hỗ trợ công cộng liên bang và thu hồi khoảng 28 tỷ USD chưa sử dụng trong quĩ cứu trợ COVID-19. Chi tiêu quốc phòng được giới hạn ở mức 886 tỷ USD cho tài khóa 2024 và chỉ tăng 1% cho năm 2025. Dự luật cũng duy trì tài trợ đầy đủ cho việc chăm sóc y tế của cựu chiến binh và bao gồm các trường hợp miễn trừ cho cựu chiến binh, người vô gia cư trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ Dinh dưỡng Bổ sung (SNAP).
Ông Kevin McCarthy chịu áp lực từ cả hai đảng
Trước những lời chỉ trích, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã kêu gọi các bên hiểu rõ rằng dự luật này là một "bước tiến quan trọng" để giải quyết vấn đề nợ công của Mỹ và bảo vệ lợi ích quốc gia. Ông cũng hy vọng rằng dự luật này sẽ được thông qua trong tuần tới để tránh khủng hoảng tài chính.
Ông Kevin McCarthy đang phải đối mặt với sự phản đối từ cả hai phe phái trong việc thương lượng thỏa thuận trần nợ công với Tổng thống Joe Biden.
Hiện dân các đảng viên Cộng hòa theo đường lối cứng rắn khác cũng chỉ trích gay gắt các chi tiết thỏa thuận ban đầu. Theo đó, họ cho rằng ông Biden đã thành công khi đẩy lùi một số yêu cầu về cắt giảm chi phí.
Với tình hình này, giới quan sát lo ngại ông Kevin McCarthy có thể gặp vấn đề trong việc giành lấy sự ủng hộ cho thỏa thuận trần nợ công.
Trong khi đó, các đảng viên Dân chủ ở cả hai viện đều cho biết họ sẽ không ủng hộ bất kỳ thỏa thuận nào có các yêu cầu bổ sung về công việc.
Các đảng viên Cộng hòa đã bác bỏ đề xuất tăng thuế của ông Biden và không bên nào tỏ ra sẵn sàng tiếp nhận các chương trình hưu trí và sức khỏe, khi cho rằng điều này sẽ khiến nợ tăng mạnh trong những năm tới.
Một số cơ quan xếp hạng tín dụng đã đưa Mỹ vào diện xem xét khả năng bị hạ cấp. Động thái này sẽ đẩy chi phí vay lên cao và làm suy giảm vị thế của Mỹ trong hệ thống tài chính toàn cầu.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/chu-tich-ha-vien-my-gap-kho-trong-viec-gianh-ung-ho-thoa-thuan-tran-no-cong-17923053006250321.htm