Chống giá vàng "nhảy múa"- Bài 2: Đã đến lúc Nghị định 24 cần được xem xét sửa đổi?

18:27 - 29/07/2022

Trong khi giá vàng thế giới liên tục "lao dốc", giá vàng trong nước vẫn neo ở mức cao, khiến sự chênh lệch giữa giá vàng nội - ngoại ngày càng lớn. Trong các nguyên nhân có nguyên nhân những quy định của Nghị định 24, cũng như thế độc quyền của SJC. Vì vậy, đã đến lúc cần thay đổi.

Giá vàng trong nước chênh cả chục triệu đồng so với giá vàng thế giới 

Thời gian qua, trong khi thị trường vàng thế giới chứng kiến sự trượt giá không phanh, "thủng mốc" liên tục, thì thị trường vàng trong nước gần như vẫn "đứng yên" ở mức cao. Thậm chí, trong không ít phiên giao dịch, giá vàng SJC diễn biến trái chiều với giá vàng thế giới. Điều này khiến mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ngày càng tăng mạnh. 

Có thời điểm, mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đã tăng lên mức kỷ lục: gần 20 triệu đồng/lượng.

Ví dụ, trong ngày 7/7, giá vàng miếng SJC đứng yên ở mức 68,45 triệu đồng/lượng chiều bán ra, mặc dù giá vàng thế giới giảm sâu về mốc 1.741 USD/ounce. Quy đổi theo tỉ giá niêm yết tại ngân hàng, giá vàng thế giới chỉ tương đương 49,33 triệu đồng/lượng. Như vậy, giá bán vàng miếng SJC ngày 7/7 cao hơn giá vàng thế giới tới 19,12 triệu đồng/lượng.

Giá vàng "nhảy múa", đã đến lúc Nghị định 24 cần xem xét sửa đổi ? (bài 2) - Ảnh 1.

Sự độc quyền của SJC là nguyên nhân quan trọng làm cho giá vàng trong nước luôn chênh lệch rất cao so với giá vàng thế giới.

Nhiều chuyên gia cho biết, không có nước nào trên thế giới có mức chênh lệch quá lớn như vậy. Thậm chí, ở nhiều quốc gia, giá vàng trong nước và thế giới chỉ chênh lệch vài USD/ounce.

Bên cạnh đó, theo giới chuyên gia, mức chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra trên thị trường kim loại quý trong nước cũng là vấn đề nhạy cảm khi luôn ở mức quá cao. Điều này khiến người mua đối mặt với nguy cơ rủi ro cao hơn. 

Một điểm đáng chú ý khác nữa trên thị trường vàng Việt Nam là luôn có sự chênh lệch giá giữa các thương hiệu.

Có thể nói, thị trường vàng trong nước đang "nhảy múa" và "lạc nhịp" với diễn biến thị trường vàng thế giới.

Bất cập từ thế độc quyền của SJC

Theo Nghị định 24, Việt Nam chỉ có một thương hiệu vàng miếng duy nhất là SJC. Ra đời với mục đích tạo sự ổn định cho thị trường vàng, tuy nhiên, đến nay,  một số quy định của Nghị định 24, nhất là quy định về thế độc quyền của SJC đã không còn phù hợp. 

Cụ thể, sự độc quyền khiến giá vàng trong nước, đặc biệt là giá vàng miếng SJC, luôn cao hơn giá vàng thế giới đến mức phi lý.

Hiện tượng này đã xuất hiện từ nhiều năm nay và khoảng cách này ngày càng được nới rộng, nhưng cơ quan chức năng đến nay vẫn chưa có động thái nào đáng kể để thu hẹp.

Giới chuyên môn nhận định, nguồn cung vàng SJC đang ngày càng cạn kiệt, trong khi nhu cầu của người dân đối với mặt hàng này không có dấu hiệu "hạ nhiệt". Nếu cơ quan quản lý không có động thái can thiệp, xu hướng nhập lậu vàng theo đường biên mậu sẽ tiếp tục gia tăng. Việc này có thể tác động lên tỉ giá chợ đen, cũng như gây “chảy máu” ngoại tệ.

Thêm vào đó, thế độc quyền của SJC trong sản xuất vàng miếng đã tạo ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh vàng. Theo Tiến sĩ Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả thuộc Bộ Tài chính, chính sự độc quyền của SJC là nguyên nhân khiến giá vàng trong nước tăng cao so với giá vàng thế giới. 

Tiến sĩ Ngô Trí Long nhấn mạnh Nghị định 24 được ban hành nhằm mục đích chống "vàng hóa" nền kinh tế và nhằm ổn định giá vàng, phát triển thị trường vàng trong nước theo hướng liên thông với thị trường vàng quốc tế. Hiện mục tiêu chống "vàng hóa" đã đạt được, nhưng mục tiêu ổn định giá vàng không đạt được và giá vàng lại quá cao so với thế giới.

Xét cho cùng thì mục tiêu của Nghị định 24 mới chỉ đạt được một phần.

Giá vàng "nhảy múa", đã đến lúc Nghị định 24 cần xem xét sửa đổi ? (bài 2) - Ảnh 2.

Nhiều chuyên gia đã đề xuất xóa bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng SJC. Ảnh: TTXVN

Cần xóa bỏ thế độc quyền 

Nhiều năm qua, đề xuất xóa bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng SJC đã được Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) đưa ra. Tuy nhiên, đến nay mọi sự vẫn chưa có gì thay đổi. 

Theo ông Huỳnh Trung Khánh- Phó Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam, Hiệp hội đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước sớm có giải pháp can thiệp để đưa giá vàng trong nước về sát giá thế giới. Trong đó, đề xuất Ngân hàng Nhà nước nên cấp phép cho các doanh nghiệp đủ điều kiện được nhập vàng nguyên liệu để sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường, góp phần thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới. Về vàng miếng, thay vì độc quyền của SJC như hiện nay, nên cho thêm một vài thương hiệu vàng miếng khác tham gia.

Chuyên gia kinh tế, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh cũng nhấn mạnh đã đến lúc các cơ quan chức năng xem xét kiến nghị sửa đổi Nghị định 24 theo hướng xóa bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng SJC, vì chính tình trạng độc quyền này nên giá vàng miếng SJC trong nước quá cao như hiện nay. Trong khi đó, giá vàng 9999 khác gần như tiệm cận với giá vàng thế giới.

Mới đây, tại phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã đặt câu hỏi về diễn biến bất thường của giá vàng SJC trong thời gian qua tạo tâm lý bất an cho người dân, làm méo mó thị trường. Các đại biểu Quốc hội đề nghị cần có giải pháp kéo giá vàng SJC về đúng giá trị thực. Giải đáp, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, sắp tới sẽ xin ý kiến rộng rãi để lựa chọn nhiều thương hiệu khác cùng sản xuất vàng miếng, hoặc là một thương hiệu riêng của Ngân hàng Nhà nước.

Nguồn: Tổng hợp

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/chong-gia-vang-nhay-mua-bai-2-da-den-luc-nghi-dinh-24-can-duoc-xem-xet-sua-doi-179220722105402306.htm