Chợ "tiết kiệm"

11:49 - 19/12/2022

Người dân huyện Quế Sơn (Quảng Nam) thường gọi chợ heo Bà Rén là chợ tiết kiệm. Bởi lẽ, Heo là con vật được nuôi phổ biến ở nông thôn để tích luỹ tiền lẻ lấy tiền cục.

Năm hết Tết đến là dịp nông dân bán heo lớn lấy tiền ăn Tết và mua heo con về bắt đầu một "vụ tiết kiệm" mới. Chính vì thế, cuối năm, chợ heo Bà Rén nhộn nhịp khác thường.

Chợ heo Bà Rén nằm bên sông Bà Rén, thuộc xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn (Quảng Nam). Đây được xem là chợ đầu mối heo lớn nhất nhì cả nước. Chợ họp vào sáng sớm, thương lái khắp nơi đổ về. 

Chợ "tiết kiệm" - Ảnh 1.

Chợ heo họp tất cả các ngày trong năm, trừ các ngày Tết. Mỗi phiên chợ lượng heo được mua bán lên đến hàng nghìn con.

Dân gian xư Quảng vẫn truyền nhau câu vè: "Ai về Bà Rén ghé chợ heo/Vui tai, bắt mắt, chuyện tầm phèo/Heo ré người xung vung bao chuyện/Trưa tan buổi chợ đã lèo nhèo".

Trong câu chuyện của người xưa kể lại, chợ có từ những năm 1970. Thủa sơ khai, cũng như những ngôi chợ khác, chợ Bà Rén là nơi tập trung bán mua các mặt hàng, trong đó người ta dành một khoảnh đất trống cho những người bán, mua heo. Sau đó, nhu cầu buôn bán mặt hàng này tăng lên, dần tách hẳn khu chợ riêng gọi là chợ heo Bà Rén. Chợ chỉ kinh doanh một mặt hàng duy nhất đó là heo.

Trưởng Ban quản lý chợ Phạm Cư cho biết, mỗi ngày tại chợ có khoảng 2.000 con heo từ các vùng lân cận như Duy Xuyên, Điện Bàn, Quế Sơn... mang đến bán cho các tiểu thương đem đi tiêu thụ. Heo đến chợ Bà Rén được các tay buôn mua lại rồi chở đi khắp các tỉnh trong cả nước như Đà Nẵng, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Tây..., có khi heo theo các lái buôn sang tận nước bạn Lào, Campuchia.

Chợ "tiết kiệm" - Ảnh 2.

Ở chợ heo này, nhiều người mua không cần cân trọng lượng, chỉ cần xách chú heo lên ước chừng rồi trả giá.

Chợ "tiết kiệm" - Ảnh 3.

Chợ heo Bà Rén chỉ bán những chú heo con có trọng lượng từ 3 - 10 kg.

Chợ "tiết kiệm" - Ảnh 4.

Chải lại lông heo cho mượt để khách mua ưa nhìn.

Chợ "tiết kiệm" - Ảnh 5.

Heo đã định giá sẵn, người mua cũng muốn may mắn khi nuôi heo không bị dịch bệnh nên mua bán rất chóng vánh.

Chợ "tiết kiệm" - Ảnh 6.

Vợ chồng này quyết tâm chăm hai "ống tiết kiệm" với hy vọng heo ăn cơm thừa, canh cặn sẽ chóng lớn.

Chợ "tiết kiệm" - Ảnh 7.

Vợ chồng anh Nguyễn Minh ở Duy Xuyên thường đem lồng heo 4 - 5 con mang đi bán. Tết nhất, giỗ chạp, việc lớn trong gia đình trông chờ cả vào lồng heo này.

Chợ "tiết kiệm" - Ảnh 8.

Một đầu nậu heo đang lên danh sách mua sỉ rồi chở về bán lẻ cho chợ ở các xã huyện Quế Sơn.

Chợ "tiết kiệm" - Ảnh 9.

Một chú "heo tiết kiệm" tạm biệt đàn về với chủ mới.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/cho-tiet-kiem-179221219113725617.htm