Chính phủ thống nhất thông qua đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo - tín hiệu mừng để phát triển giáo dục
Xây dựng Luật Nhà giáo cần lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học; đồng thời tiếp thu được tinh hoa của nhân loại, kinh nghiệm quốc tế và phù hợp với điều kiện Việt Nam; khắc phục được sự tản mạn, chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật về nhà giáo.
Theo đó, nhằm thể chế đầy đủ các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng về giáo dục và vai trò, vị trí quan trọng của đội ngũ nhà giáo, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để phát triển đội ngũ nhà giáo, ngày 29/6, tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chính phủ đã họp phiên chuyên đề pháp luật tháng 6 năm 2023, trong đó xem xét Tờ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo.
Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trình bày Tờ trình, báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ, ý kiến trao đổi của các Bộ trưởng thành viên Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kết luận: thống nhất với Tờ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo, về các chính sách dự kiến đưa vào nội dung của Luật. Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu ý kiến của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các thành viên Chính phủ; phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ để rà soát, hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội xem xét, đưa việc xây dựng Luật Nhà giáo vào Chương trình xây dựng pháp luật.
Đây thực sự là tin vui đối với đội ngũ nhà giáo bởi khi có Luật Nhà giáo, những bất cập, hạn chế hiện nay sẽ được tháo bỏ, đời sống của giáo viên sẽ được cải thiện và điều đặc biệt là chế độ đãi ngộ cho nhà giáo sẽ tương xứng. Chấm dứt việc trả lương "cào bằng", trả lương theo năm công tác.
Ưu điểm khi xây dựng Luật Nhà giáo
Trong tờ trình dự thảo đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất 5 nhóm chính sách chủ yếu nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo, đó là: Định danh, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quyền và nghĩa vụ nhà giáo; Tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo; Quy hoạch, đào tạo, phát triển nghề nghiệp nhà giáo; Đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo; Quản lý nhà nước về nhà giáo.
Nhìn chung, đây là những nhóm chính sách tiến bộ, giải quyết được những bất cập, hạn chế đối với chính sách dành cho đội ngũ nhà giáo hiện nay.
Điều mà có lẽ nhiều nhà giáo quan tâm nhất là Chính sách 4: Đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo.
Chính sách này chỉ rõ: xác định các vấn đề trong chính sách đãi ngộ, tôn vinh, khen thưởng nhà giáo, làm động lực để thu hút người giỏi tham gia trở thành giáo viên, tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo đã vào ngành cống hiến, tận tâm với nghề; tăng cường chế độ đãi ngộ đối với nhà giáo. Thiết lập cơ chế phân loại bảo đảm chế độ đãi ngộ công bằng, người làm nhiều thì được đãi ngộ cao, xây dựng chế độ phân phối tiền lương và cơ hội thăng tiến, tăng lương và đãi ngộ đối với những người có thành tích xuất sắc. Thực hiện các yêu cầu để giảm gánh nặng cho nhà giáo, bảo đảm nhà giáo được yên tâm cống hiến hết mình cho việc giảng dạy và giáo dục con người.
Nội dung của chính sách gồm: Xác định các vấn đề cơ bản về chính sách tiền lương, phụ cấp, trợ cấp, chế độ hưu trí, khám chữa bệnh, bảo hiểm xã hội của nhà giáo. Xác định chính sách hỗ trợ về nhà ở, nhà công vụ đối với nhà giáo. Xác định cụ thể hóa các tiêu chí thi đua, khen thưởng đối với nhà giáo.
Giải pháp thực hiện chính sách: Luật hóa các nội dung: Bổ sung quy định về tiền lương, phụ cấp đối với nhà giáo. Bổ sung quy định về chế độ hưu trí, khám chữa bệnh và bảo hiểm xã hội của nhà giáo. Bổ sung quy định về tiêu chí, danh hiệu thi đua, khen thưởng, tôn vinh đối với nhà giáo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo lựa chọn các giải pháp này với các lý do như sau: Đảm bảo đầy đủ các chế độ, chính sách đối với nhà giáo, có tính toán đến yếu tố đặc thù ngành để nhà giáo yên tâm công tác. Tạo điều kiện cho nhà giáo công tác ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có cơ hội tiếp cận đầy đủ về chính sách, có các hỗ trợ đặc thù để thu hút nhà giáo về công tác.
Bây giờ, Chính phủ thống nhất thông qua đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo thì những khó khăn, bất cập, hạn chế trong ngành lâu nay sẽ cơ bản được giải quyết. Đây là điều mà đại đa số nhà giáo đang mong muốn, chờ đợi. Điều này cũng cho thấy, Chính phủ đã dành sự quan tâm đặc biệt cho ngành giáo dục và đội ngũ nhà giáo trên cả nước.
Đãi ngộ, tôn vinh, khen thưởng tốt là động lực để nhà giáo gắn bó và cống hiến với nghề
Toàn ngành giáo dục hiện đang dồn sức để triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 với rất nhiều yêu cầu mới, khó khăn đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội. Trong đó, động lực chính là những giáo viên hiện công tác ở các trường phổ thông.
Chương trình mới thành công phụ thuộc rất nhiều vào chủ trương, chính sách của ngành giáo dục và sự hậu thuẫn đối với nhà giáo về mặt chính sách. Trên thực tế, một bộ phận nhà giáo đang có xu hướng tự thu mình lại trước những hành vi chưa chuẩn mực của một bộ phận học trò, phụ huynh, cùng với sự quá đà của mạng xã hội và đôi khi là sự hà khắc của dư luận.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có những sự quan tâm đến đội ngũ nhà giáo. Tuy nhiên, chính sách về tiền lương, phụ cấp nhà giáo còn có những hạn chế, bất cập. Đa số nhà giáo làm việc hiệu quả, trách nhiệm và đảm nhận nhận nhiều công việc khó nhưng họ đang hưởng một mức lương rất thấp vì lương, phụ cấp của giáo viên đang được trả theo bậc, theo năm công tác.
Một bộ phận giáo viên hiện nay không còn nhiều động lực phấn đấu, hiệu quả giảng dạy không tốt nhưng lương, phụ cấp lại cao hơn rất nhiều giáo viên trong trường vì có thâm niên cao. Việc xếp hạng, xếp lương theo Thông tư 01-04/ 2021/ TT-BGDĐT vừa qua còn nhiều ý kiến trái chiều. Ngay cả khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT vào ngày 14/4/2023 vùa qua cũng chưa phải đã nhận được sự đồng tình của đội ngũ nhà giáo.
Chế độ khen thưởng, đánh giá giáo viên hàng năm còn nhiều bất cập, nặng về giấy tờ và những phong trào vô thưởng vô phạt. Mỗi năm giáo viên chỉ cần có một sáng kiến kinh nghiệm là đủ điều kiện được đánh giá, xét thi đua ở các danh hiệu cao nhất. Trong khi, việc chấm sáng kiến kinh nghiệm chưa nghiêm.
Vì vậy, giáo viên hy vọng Luật Nhà giáo được xây dựng sẽ giải quyết được những hạn chế đã và đang tồn tại hiện nay.
Tuy nhiên, việc xây dựng Luật Giáo dục gặp nhiều khó khăn. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lưu ý trong cuộc họp: "Luật Nhà giáo là bộ luật khó, có tác động rộng lớn trong xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tập trung nguồn lực, đảm bảo việc xây dựng và trình dự án Luật đúng tiến độ và có chất lượng; chú ý việc lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học; đồng thời tiếp thu được tinh hoa của nhân loại, kinh nghiệm quốc tế và phù hợp với điều kiện Việt Nam; khắc phục được sự tản mạn, chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật về nhà giáo".